Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Văn học
NXB: NXB Kim Đồng, NXB Văn học, ...
Tác phẩm xuất bản năm 1982 (có tài liệu nói là năm 1981) và được tái bản vài lần sau này (2007, 2010...)
Búp Sen Xanh kể về cuộc đời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quãng đời từ khi Bác sinh ra cho đến khi rời bến Nhà Rồng để tìm đường cứu nước. Đây là một cuốn sách rất nổi tiếng về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ký ức, mình vẫn còn lưu giữ hình ảnh ngày xưa của một cuốn sách dày, in trên giấy nâu, đã mất hết bìa và gáy. Ban đầu nhìn thấy sách dày quá, toàn chữ là chữ nên mình để lại đâu đó chứ không đọc. Tâm lý trẻ con mà, chỉ thích đọc những cuốn mỏng, có hình vẽ minh họa hoặc truyện tranh thôi. Nhưng một ngày không rõ nguyên cớ gì, mình đã lật nó ra với những trang đầu tiên và đã không thể nào gấp sách lại cho đến tận bây giờ.
Sách được chia làm 3 chương, chương I: Thời thơ ấu, chương II: Thời niên thiếu, chương 3: Tuổi hai mươi, và được viết theo lối tiểu thuyết văn học nên dù là nội dung mang tính lịch sử nhưng cuốn sách đã đem lại cho người đọc sự cuốn hút bất tận. Cảm xúc chủ đạo đó là sự xúc động đến ngưỡng mộ và khâm phục Bác khi được chứng kiến quãng đời niên thiếu vất vả nhưng đầy tình thương yêu từ lời ru của bà ngoại, từ cha mẹ và từ xóm làng, quê hương. Thông qua đó, Búp Sen Xanh cũng đã thành công khi dựng lại hình ảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 một cách rất sinh động và chân thực. Một xã hội thực dân nửa phong kiến mà mọi khổ đau đều trút lên đầu những người dân nô lệ và những ông quan nô lệ (quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ - làm quan trong cái xã hội nô lệ thì lại càng là nô lệ), một cái xã hội mà:
"Muôn dân một lũ cơ hàn
Vua ngồi chễm chệ ngai vàng hiếp dân".
Tất cả xoay quanh cuộc đời niên thiếu của Bác, từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung cho đến lúc trở thành người thanh niên Nguyễn Tất Thành, hun đút cho Bác một lý tưởng muốn ra đi tìm thấy con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc.Từng trang sách, từng câu chữ đều để lại cho mình một sự xúc động sâu sắc. Đó là một cảm xúc rất thật, không biết là do tài viết của nhà văn Sơn Tùng hay chính bởi câu chuyện về cuộc đời của Bác. Mình cảm động trước hình ảnh người mẹ gánh 2 anh em Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Khiêm vượt đèo Ngang trên đường vào kinh đô Huế để cha có thể tiếp tục ôn thi. Mình thích thú và bất ngờ trước những câu thơ mang đầy sự hóm hỉnh và thông minh khi Nguyễn Tất Thành dịch câu văn Pháp "O chat! O chat! O chat! Voulez-vous manger le rat, montez sur la poutre" thành một câu ca dao thuần Việt:
"Con mèo, con mẻo con meo
Mày muốn ăn chuột thì leo lên xà"
Nhưng nửa sau của cuốn sách mang lại cho mình sự hứng khởi nhất, có lẽ là vì lúc này câu chuyện đã chuyển sang một hướng mới, một con đường mới nhiều hi vọng và lạc quan phía trước. Đây là giai đoạn chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vượt đèo Hải Vân ghé Bình Định thăm cha, rồi đi dạy ở trường Dục Thanh và tạm dừng ở Sài Gòn, nơi anh đã gặp Út Huệ. Sau này, khi đã vào nam, rồi có dịp đi Phan Thiết đôi ba lần, mình lại nhớ về những trang viết ấy. Một đoạn mà cũng gây cho mình nhiều xúc động đó là khi anh Ba tìm đến cha mình đang ở Đồng Tháp và cuộc trò chuyện của hai người trước khi anh lên đường xuất dương."...
Không khí trong phòng lặng ngắt. Ông Phó bảng Huy vẻ băn khoăn hỏi:
- Sao con vẫn còn quanh quẩn ở đây?
- Thưa cha, con sắp đi xa Tổ quốc. Con gặp cha lần này có lẽ... có lẽ... - Anh Ba rưng rưng nước mắt.
Ông Huy sắc mặt biến đổi, giọng hơi dịu:
- Con đi xuất dương đến nước nào?
..."
(Búp Sen Xanh, chương III: Tuổi hai mươi)
Độc giả có thể tham khảo thêm ở đây để biết thêm một vài chi tiết về tác giả Sơn Tùng và đọc tác phẩm online. Cuốn mà mình đọc lần đầu tiên là của nhà xuất bản Kim Đồng, xuất bản năm 1982 (cũng là năm sinh của mình, khà khà). Sau này sách còn được tái bản với nhiều nhà xuất bản khác nhau vào những năm khác nhau, hình thức cũng đẹp hơn, giấy trắng hơn. Mình cũng đã mua một cuốn mới như thế, nhưng cho đến mãi hôm nay, Búp Sen Xanh vẫn ở mãi trong lòng mình với hình ảnh một cuốn sách nâu nâu, dày dày, toàn chữ là chữ mà hay ơi là hay, mỗi lần đọc lại là mỗi lần rưng rưng.