Tác giả: Nguyễn Minh Hải
**************************
Phải nói là từ lúc mới nghe tin "Người Nhật mặc áo trái" (NNMAT) chính thức được phát hành, tôi đã rất háo hức và mong chờ tới ngày được thưởng thức tác phẩm đầu tay của Minh Hải. Bởi trước hết tác giả là người mà tôi rất quen biết (haha), thêm nữa là chính tựa sách đã gây cho tôi một sự tò mò. Và hơn cả mong đợi, những câu chuyện của Minh Hải đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc, có khi phấn khích, thích thú vô cùng (vừa đọc vừa cười hí hí), có khi lại là sự sâu lắng đầy suy tư. Rất ngưỡng mộ và tự hào về tác giả! Cũng bằng lối viết quen thuộc (như trên blog) xưa nay, cuốn sách đã mang đến cho người đọc nhiều chi tiết "huyền bí" về xứ sở Phù Tang, và về những kỉ niệm "hành trang đường dài" chưa từng được kể trước đây của chính tác giả.
Trong NNMAT, những câu chuyện thời sinh viên được Minh Hải chọn lọc và viết lại bằng một văn phong giản dị rất riêng đã đem đến cho người đọc sự hình dung về một nước Nhật "không giống ai", hay một nước Nhật với những con người "đang mặc chiếc áo trái". Trong cảm nhận của tôi, hình ảnh "mặc áo trái" ở đây có hai ý nghĩa. Trước nhất đó là những điều khác biệt, hay khác lạ trong nét văn hóa đặc trưng của người Nhật, ví dụ như là "ở Nhật, khi gõ cửa chỉ gõ hai cái", rồi thì "người Nhật đặt giầy dép hướng ra phía ngoài cửa", hay "hiệu ứng Minna-de" rất lý thú... Nhưng có lẽ điều chính yếu nằm ở ý nghĩa thứ hai của nó, đó là những phẩm chất tốt đẹp của người dân Nhật Bản, tốt đẹp đến lạ kì và có chút gì đó... khó tin, giống như cái cảm giác sửng sốt và đầy thắc mắc khi ta nhìn thấy một ai đó đang mặc một "chiếc áo trái" vậy. Nó làm cho người đọc không khỏi hoài nghi rằng, có thật thế không, xã hội Nhật tồn tại những điều như vậy thật à, lối sống trật tự, ý thức cộng đồng cao, sự nhẫn nại, giỏi giang mà luôn luôn khiêm tốn...? Ngạc nhiên cũng đúng, bởi lẽ những điều tốt đẹp ấy xưa nay vẫn chính là "kim chỉ nam cho hành động" mà xã hội chúng ta (có lẽ không riêng gì Việt Nam) vẫn luôn mong muốn hướng đến (mà chưa có đạt được!). Những câu chuyện về các hoạt động học thuật, nghiên cứu ở Nhật cũng mang lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt là chi tiết kể rằng giáo sư Sawada (thầy hướng dẫn của Minh Hải) đã tự tay làm ra chiếc máy đông lạnh đến hơn âm 273 độ C nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu làm cho tôi hết sức thích thú và ngưỡng mộ. Những câu chuyện khác trên giảng đường của tác giả không chỉ khiến tôi nhớ lại thời đi học của mình mà còn đặt ra nhiều suy nghĩ, ưu tư. Cách dạy và học bên ấy thật khác với đất nước chúng ta, và để biết hiệu quả của nó thế nào thì chỉ cần nhìn vào những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật mà Nhật Bản đạt được cho tới nay sẽ rõ. Tuy vẫn biết rằng "trong dương có âm", nhưng những gì mà người dân xứ sở mặt trời mọc đã làm được thật khiến cho con người ta phải thán phục và ngưỡng mộ!
Tôi muốn đặc biệt chia sẻ cảm xúc của mình về chương V - "Câu lạc bộ ghita cổ điển." Đây có thể nói là chương mang lại cho tôi xúc động nhất. Có cảm giác như người đọc đang được xem một bộ phim ngắn đầy cảm xúc về tình đoàn kết, sự nổ lực và tính chuyên nghiệp của các bạn sinh viên Nhật Bản trong việc phấn đấu vì mục đích chung. Mạch cảm xúc cứ lặng im trôi treo từng trang giấy, có lúc gấp gáp, khi lại êm đềm, lôi cuốn sự theo dõi của người đọc cho tới tận gần cuối chương khi niềm hạnh phúc vỡ òa trong những tràng pháo tay vang dội dành cho thành công của đêm biểu diễn của câu lạc bộ ghita cổ điển mà Minh Hải là một thành viên. Trong sự thành công ấy có vị mặn chát của mồ hôi, nước mắt của sự khổ luyện, và còn có vị ngọt ngào của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa những người bạn trong một tập thể. Cuối chương, tất cả lại lặng im thanh bình mà đầy quyết liệt trong suốt 14 tiếng đồng hồ ngồi bên bàn học của tác giả nhằm chuẩn bị cho kì thi vào ngày hôm sau. Tôi cảm nhận rằng, đây là chương viết được Minh Hải dành cho nhiều tình cảm nhất, và đó phải là những tình cảm rất sâu đậm, rất chân thật.
Có lẽ tác giả đã phải rất trăn trở khi lựa chọn những câu chuyện đặc sắc nhất để kể với chúng ta về một nước Nhật "mặc áo trái", bởi lẽ quãng thời gian ở Nhật của Minh Hải lên đến 7 năm, có biết bao điều muốn nói, muốn viết. Qua NNMAT, với lối viết chân phương, gần gũi, và bằng những câu chuyện được chọn lọc phải nói là rất đắt, Minh Hải đã thành công trong việc khắc họa một cách đặc sắc hình ảnh một nước Nhật với bao điều "kì lạ" và "kì diệu", đồng thời tác giả cũng đã giữ được cho riêng mình những kỉ niệm đẹp về quãng đời sinh viên sôi nổi nơi xứ người.