Author: Tetsuko Kuroyanagi
Translator: Anh Thư dịch qua bản tiếng Anh của Dorothy Britton
Publisher: NXB Thời Đại (2011)
==========
Suốt quãng đời đèn sách, nhiều người trong chúng ta từng được gặp và học hỏi ở những người thầy tâm huyết, những người không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn giúp ta rèn luyện nhân cách nữa. Quyển truyện dài "Tôt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ" kể về một người thầy như thế. Đó là quyển hồi ký, rất ngắn gọn, kể về những tháng năm của tác giả (Tôt-tô-chan) học ở trường tiểu học Tomoe Gakuen ở Tokyo những năm đầu Thế chiến thứ hai. Ngôi trường tọa lạc ở Jiyugaoka, nay là một khu tấp nập, rất gần Học viện Kỹ thuật Tokyo. Hồi đó tui có quen ông anh học ở Học viện đó, nhà ở ga Kuhonbutsu, ga kế liền Jiyugaoka, thỉnh thoảng tui có qua chơi nên rất quen thuộc với các địa điểm trong truyện.
Trường tiểu học Tomoe Gakuen, nơi Tôt-tô-chan học ba năm trước khi đi di tản vì chiến tranh, được sáng lập và điều hành bởi thầy hiệu trưởng Sosaku Kobayashi, một nhà giáo dục tài năng và tâm huyết. Ông từng nghiên cứu âm nhạc và giáo dục, đi châu Âu học hỏi phương pháp đào tạo trẻ em của họ, và trở về Nhật dồn hết tài lực xây dựng ra trường Tomoe áp dụng những gì đã nghiên cứu được. Trong những năm chiến tranh, giáo dục ở Nhật trở nên gò bó hơn bao giờ hết. Ngược lại, trường Tomoe là một thế giới hoàn toàn khác, mọi thứ khác hẳn với các trường tiểu học khác. Các em học sinh được phát huy hết tính cách và khả năng của mình, nên các em cũng khác biệt so với các trẻ em "bình thường" khác.
Quyển sách là một cuốn giáo khoa về giáo dục trẻ em, với những bài học cần thiết cho những ai đã và sắp lên chức cha mẹ. Những cung cách ứng xử của thầy hiệu trưởng Sosaku Kobayashi trở nên mẫu mực, khơi dậy những đức tính tốt đẹp của các em, giúp các em tự tin hơn, hoà đồng hơn. Phương pháp của thầy chịu ảnh hưởng rất nhiều của châu Âu, đó là đào tạo những con người độc lập, chứ không rập khuôn lò luyện robot như các trường các.
Thầy cho phép các em thích gì làm nấy, thích gì học nấy, trong lớp học mà có em đọc sách, có em làm thí nghiệm, có em nhảy múa... Tai-chan, suốt ngày cắm đầu đốt đèn cầy làm thí nghiệm ấy, về sau trở thành một nhà Vật Lý nổi tiếng thế giới. Thầy hiệu trưởng đã tạo điều kiện cho các em theo đuổi thoả thích óc tò mò của mình. Tất nhiên để được như vậy thì cách làm của thầy phải "khác bình thường" một chút.
Một thí dụ đặc sắc nữa là khi thầy hiệu trưởng đi ngang nhìn thấy Tôt-tô-chan xúc đống phân tìm cái ví, thầy bình thản bảo "Xong rồi nhớ xúc trở lại như cũ đấy nhé!" rồi bỏ đi. Nếu là những bậc phụ huynh khác thì chắc đã lao vào ngăn cản với hàng chục lý do: nguy hiểm, bẩn, đuối sức... Nhưng Tôt-tô-chan đã hì hục tìm ví, rồi lại xúc phân đổ vào hầm lại như cũ, dù rằng sau đó mệt nhoài. Thầy đã giúp Tôt-tô-chan rèn luyện tính tự giác và tinh thần trách nhiệm như thế đó.
Hoặc thầy dạy cho các em sự tự tin bằng cách bắt các em giờ ăn trưa phải thay phiên nhau kể chuyện cho các bạn nghe. Rõ ràng kỹ năng nói chuyện trước đám đông rất quan trọng mà chúng ta ít có dịp được rèn luyện. Ở trường Tomoe, các em được thực tập hàng ngày từ những năm đầu đến trường.
Tất nhiên, dù chịu nhiều ảnh hưởng của Tây, thầy hiệu trưởng trong một vài tình huống cũng rất Nhật. Thí dụ như chuyện Tôt-tô-chan đem lên trường các băng cài đầu. Miyo-chan, con gái thầy đòi thầy mua cái y chang thế. Thầy kiếm hoài không ra, bèn năn nỉ Tôt-tô-chan đừng đeo cái băng đó đến trường nữa. Về điểm này, tui nghĩ, thầy hiệu trưởng lẽ ra nên dạy cho Miyo-chan bỏ tính đua đòi. Chuyện này làm tui nhớ lại chuyện con gái thầy Lucantonio người Úc dạy ở trường ĐH của tui. Cô giáo đã gọi điện đến bảo thầy đừng cho con đeo bông tai đến trường vì "Mấy bạn khác đều không đeo bông tai, nếu cháu làm khác e là sẽ bị bắt nạt".
Một tình huống khá vui là khi Tôt-tô-chan đại diện trường Tomoe đi thăm các chú thương binh. Cô giáo bắt giọng cho các em đồng thanh hát một vài bài, nhưng Tôt-tô-chan chẳng biết hát bài nào cả, vì ở trường Tomoe không dạy các bài đó. Thế là cô bé bèn hát bài "Nhai, nhai, nhai cho kỹ" do thầy hiệu trưởng "chế biến". Ấy thế mà lại khiến một chú thương binh chảy nước mắt.
Không chỉ thầy hiệu trưởng, mà gia đình cũng là nơi yêu thương và cổ vũ Tôt-tô-chan. Có lẽ nhờ tất cả những điều đó mà Tôt-tô-chan từ một cô bé hư hỏng bị đuổi học về sau đã thành danh, được ngồi dùng cơm với Nhật Hoàng.
Và còn rất nhiều điều bổ ích khác mà ta có thể học hỏi từ quyển sách nhỏ này...
Một ghi chú nhỏ về bản dịch: Tui đọc bản dịch của Anh Thư dịch lại từ bản dịch tiếng Anh nên có nhiều chỗ không được tự nhiên. Bản thân dịch giả cũng không am hiểu tiếng Nhật, mà thể hiện rõ nhất là cách phiên âm tiếng Nhật sai khá nhiều chỗ.
ReplyDeleteHôm nay đi nhà sách Nguyễn Huệ (trên đường Nguyễn Huệ) thấy có cuốn sách cùng tên do NXB Văn Học phát hành (năm 2011), Trương Thùy Lan dịch trực tiếp từ nguyên tác tiếng Nhật. Tui xem qua một vài trang, thấy dịch hay hơn và đầy đủ hơn, ngoài ra có kèm theo hình vẽ minh họa, xin recommend bản dịch này.