Title: Little Monsters – The creatures that live on us and in us
Author: Albert Marrin
Một quyển sách rất súc tích, phong phú nội dung và minh họa và rất dễ hiểu về ký sinh trùng, những sinh vật sống bám trên cơ thể của các động vật khác, đặc biệt là con người. Được viết chủ yếu cho độc giả thiếu nhi, cách trình bày của sách rất mạch lạc, sáng sủa, dễ hiểu, không đi quá sâu vào chuyên môn cũng như không sử dụng quá nhiều thuật ngữ. Nội dung sách sơ lược về bộ môn nghiên cứu ký sinh trùng, phương pháp và những bác sĩ, nhà nghiên cứu nổi bật, tiếp đến sách đi vào giới thiệu vài loài ký sinh phổ biến và các căn bệnh nguy hiểm do chúng gây nên. Vài trang cuối của sách dành do giáo dục vệ sinh cá nhân để phòng tránh ký sinh trùng.
Cách đây một ngàn năm khi kính hiển vi chưa xuất hiện, người ta có hiểu biết cực kỳ hạn chế về sinh vật và bệnh tật. Họ nghĩ ruồi sinh ra từ xác chết, chuột gián nảy nở từ trong bãi rác, và bệnh tật là do Chúa trời trừng phạt người có tội lỗi và cách chữa bệnh phổ biến là … cầu xin Chúa tha tội. Đồng thời cũng phổ biến một cách trị bá bệnh bằng cách rút bớt máu “độc” trong người ra (“cạo gió”). Thực ra hiện nay những quan niệm này vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.
Từ khi kính hiển vi ra đời cho phép các bác sĩ và nhà khoa học quan sát những sinh vật tí hon, tế bào và tìm hiểu cách lan truyền của bệnh tật, cùng với nỗ lực to lớn (và mạo hiểm) của nhiều nhà nghiên cứu, sau cùng bí ẩn đằng sau dịch bệnh đã dần được làm sáng tỏ. Đến nay người ta ước lượng có đến 80% sinh vật trên trái đất sống bằng cách ký sinh. Mỗi loài là ký sinh của loài này, nhưng đồng thời cũng là vật chủ của nhiều loài ký sinh khác. Con người chúng ta cũng đang nuôi dưỡng hàng ngàn con rận trên da, tóc, giun trong ruột và vi khuẩn trong máu.
Nhiều loài ký sinh có sức lan truyền rất mạnh mẽ và nguy hiểm cho tính mạng con người. Muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết được coi là thủ phạm cướp đi nhiều nhân mạng nhất trong lịch sử loài người, nhiều hơn tất cả những yếu tố khác (bom đạn, đói kém,… ) cộng lại! Bệnh dịch hạch gây ra bởi chuột (và bọ chét của con chuột, và con vi khuẩn sống trong con bọ chét) từng đào mồ chôn 1/3 dân số châu Âu trong một trận đại dịch kinh hoàng.
Nhưng có thời loài bọ chét và rận được xem là “thú cưng” của các nhà quý tộc châu Âu. Họ nuôi bọ chét để làm cảnh, thậm chí một thi sĩ còn xem việc con rận hút máu mình và người yêu là “máu đôi ta hòa quyện vào nhau không bao giờ chia lìa”. Một bộ tộc bên Nga có phong tục cầu hôn bằng cách … ném rận vào người yêu! Thậm chí bên Thụy Điển người ta dùng bọ chét để bầu cử (ứng cử viên ngồi xung quanh bàn tròn, thả con bọ chét vào chính giữa, nó nhảy vào người nào thì người đó đắc cử!).
Đa số các loài ký sinh đều có vòng đời rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn chuyển hóa trên các vật chủ khác nhau. Do đó chúng cũng phát triển nhiều “tiểu xảo” để thích nghi tốt nhất. Loài đỉa có chất chống đông máu và giảm đau trong nước bọt khiến chúng ta không hề có cảm giác bị chúng cắn và hút máu. Nhiều loài giun chui vào cơ bắp của vật chủ (heo, bò), tự bọc mình trong những bộ “áo giáp” mà chỉ nước bọt của loài ăn thịt (như con người) mới làm tan chúng ra để chúng sống và trưởng thành bên trong ruột của vật chủ mới. Thậm chí có loài ký sinh của cá vì muốn chui vào bụng của loài cò nên tiết ra hóa chất khiến con cá bơi gần mặt nước tạo thuận lợi cho cò ăn thịt.
Đó chỉ là vài ví dụ trong hàng loạt mẩu chuyện cực kỳ lý thú được trình bày trong quyển sách bé nhỏ này. Tôi chắc chắn rằng mỗi trang sách là một khám phá đầy bất ngờ cho các độc giả nhỏ tuổi lẫn người lớn.