Title: The Birth of Vietnam
Author: Keith W. Taylor
Bản dịch: Việt Nam Khai Quốc
Dịch giả: Lê Hồng Chương, Đinh Từ Bích Thủy
Một quyển sách lịch sử rất hay và súc tích về 1000 năm đầu tiên của nước Việt từ thuở vua Hùng và các Lạc hầu đến khi nhà Đường kiểm soát toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng. Như tiêu đề ghi rõ, đây là thời kỳ khai sinh và định hình dân tộc Việt, sự bùng nổ dân số, phát triển văn hóa từ làng xã lên phong kiến, từ truyền thống thờ cúng tổ tiên đến sùng bái đạo Phật và từ một nhóm ô họp các bộ lạc đến hình thành ý thức một cộng đồng chung.
Nói đến Lịch sử và sách lịch sử thì có lẽ nhiều người nghĩ đây là những thứ nhàm chán khô khan bị nhồi vào đầu óc non dại của trẻ nhỏ bằng hàng chục trang chữ ngổn ngang phải thuộc lòng. Xin thưa, quyển sách này hoàn toàn khác. Mặc dù nó vẫn có giá trị của một tài liệu khảo cứu kỹ lưỡng của Keith W. Taylor, giáo sư Sử học của Cornell chuyên về Sử Việt Nam, với rất nhiều nguồn tham khảo tin cậy của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng không vì thế mà quyển sách đánh mất tính thi vị của nó. Cách sắp xếp sự kiện nhân vật khéo léo cùng với lối hành văn mạch lạc đã khiến quyển sách như một “văn học sử”, kể một câu chuyện sinh động và xuyên suốt theo chiều dài lịch sử chứ không đơn thuần liệt kê ra những sự kiện.
Tinh thần chung mà tác giả muốn thể hiện qua quyển sách này là sự hình thành ý thức về một văn hóa bản địa của người Việt. Qua một ngàn năm Bắc thuộc nhưng người Việt vẫn giữ được tiếng nói và văn hóa của riêng mình. Những lãnh tụ của người Việt, dù xuất thân là người bản xứ hay gốc Trung Hoa, đều phải biết dựa theo phong tục, tinh thần bản địa để có thể cai trị vững vàng. Chính khuynh hướng này đã gắn kết các sự kiện lịch sử với nhau, tuy nhiên cũng vì vậy mà đôi khi tác giả khá gượng ép khi diễn đạt ý nghĩa các sự kiện. Một điều chúng ta cần nhớ khi theo dõi lịch sử là sự thiếu vắng cũng như thiếu chính xác của tài liệu số liệu mà sinh ra nhiều phỏng đoán theo cảm nghĩ chủ quan của người viết. Đây là thời kỳ “tăm tối” trong lịch sử Việt Nam vì thiếu rất nhiều tài liệu ghi chép được giữ lại đến ngày nay. Tác giả đã cố gắng lấp đầy những khoảng trống đó bằng những suy đoán đôi khi hơi chủ quan. Dẫu sao đi nữa thì việc đó cũng giúp tạo được một mạch lạc chung cho toàn quyển sách.
Một điều thú vị của quyển sách là việc khảo sát lịch sử Việt Nam trong bối cảnh chính trị của Trung Quốc. Chúng ta biết rằng đó là thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam được xem là một quận/châu của Trung Quốc. Do đó việc suy xét sử Việt Nam trong tương quan với sử Trung Quốc là một việc làm rất cần thiết để đảm bảo tính logic. Như sách đã dẫn ra nhiều thí dụ, các cuộc nổi dậy chống Trung Quốc của Việt Nam thời kỳ này chỉ xảy ra khi triều đình Trung Quốc bị suy yếu. Ngược lại, trong những thời kỳ hưng thịnh của phong kiến Trung Hoa thì tình hình của miền An Nam xa xôi cũng lắng dịu hẳn.
Dù đây là một quyển sách lịch sử rất hay và đáng đọc, nhưng tôi cũng xin có vài lưu ý. Đối với người Việt Nam, identity issue vẫn còn là một vấn đề rất to lớn. Quyển sách này động chạm tới phần nhạy cảm đó trong tâm hồn Việt qua việc cố giái thích nguồn gốc của dân tộc Việt. Mặc dù thông điệp của tác giả đa phần ủng hộ văn hóa bản sắc bản địa của người Việt, quyển sách sẽ không tránh khỏi nhiều chỗ “sự thật mất lòng”. Đối với những ai muốn nghiêm túc tìm hiểu về nguồn gốc của dân tộc mình với một tinh thần cởi mở thì đây là một quyển sách tuyệt vời cho mục đích đó. Ngược lại, những người trung thành với sách lịch sử do các nhà Sử học trong nước biên soạn xin đừng mất thời gian tìm hiểu thêm một góc nhìn dù chỉ hơi khác một chút.
Đọc một quyển sách không chỉ thu nhặt được những sự kiện có thật mà người đọc còn bị ảnh hưởng bởi tư duy của tác giả. Như đã đề cập ở trên, quyển sách này xét lịch sử của một quốc gia trong mối tương quan với các sự kiện ở các nước láng giềng để người đọc có cái nhìn toàn diện hơn. Đó là một tư duy lịch sử cần có của một người học nghiêm túc. Quyển sách còn phác họa những cuộc nổi dậy chống chính quyền Trung Quốc ở Việt Nam như những cuộc chiến tranh giành quyền lực cá nhân hơn là vì một lý tưởng ái quốc cao rộng nào đó (mà mãi đến tận thế kỷ 19, 20 mới dần được du nhập vào Việt Nam). Ngoài ra, những lãnh tụ được lòng dân, trị vì lâu dài đa phần là những người học rộng hiểu sâu, thường là từ Nho học mà ra, chứ không phải là những kẻ phàm phu lấy gươm đao làm công cụ.
Cuối cùng xin cho vài lời về bản dịch. Chúng ta cần lưu ý rằng dịch sách lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam, từ một học giả phương Tây là một điều không hề dễ dàng. Chỉ riêng việc tìm lại tên các nhân vật bằng tiếng Trung hay tiếng Việt thôi cũng đã đòi hỏi người dịch phải có một vốn liếng kiến thức nhất định nào đó. Mặc dù có nhiều chỗ dịch/in sai và chọn từ ngữ chưa thật sự uyển chuyển, tôi cũng rất cảm kích hai dịch giả đã dày công biên dịch lại quyển sách này cho những người Việt lười đọc ngoại ngữ như tôi đây.
Cũng thiệt trùng hợp, mấy nay mình đang đọc cuốn "Lĩnh Nam Chích Quái", nội dung cũng kể về lịch sử của dân Việt, nước Việt, nhưng thông qua những câu chuyện mang tính chất huyền thoại, dã sữ. Trong LNCQ, cũng có nêu lên truyền thuyết về sự hình thành nước Âu Lạc, Lạc Việt... Té ra Lạc Long Quân, Âu Cơ và các bậc khai quốc đế vương trước đó nữa đều có nguồn gốc từ... phương Bắc (chỉ dám nói phương Bắc chứ chưa dám chắc đó có là Trung Hoa hay không). Thậm chí, Lạc Long Quân còn là... chồng thứ hai của Âu Cơ (và lúc này xã hội đang ở chế độ mẫu hệ???)
ReplyDeleteDĩ nhiên còn nhiều điều ngạc nhiên khác nữa.
Theo mình thấy thì vấn đề tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên người Việt đã trở nên rất hấp dẫn và lôi cuốn (chứ không hề "mất lòng" một chút nào) vì nó khác với nhận thức trước đây của đa phần con cháu Lạc Hồng.
Mới đây, mình lại vừa bắt gặp một quan niệm khác, nó hoàn toàn trái ngược với nội dung của (ít nhất là) 2 cuốn sách kể trên, xin được chia sẻ để bạn đọc có thể rộng đường tham khảo: http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/dien-dan38/thuy-to-nguoi-viet-thuc-su-o-dau.