Title: BUDDHA – his life and teachings
Author: OSHO
Quyển sách sơ lược cuộc đời của đức Phật Thích Ca (Gautama Buddha) và những khái niệm cơ bản nhất của đạo Phật. Đây có thể xem là quyển vỡ lòng về đạo Phật dành cho những ai còn xa lạ hay muốn tìm đến những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo.
Tôi bỏ qua phần tiểu sử của Gautama Buddha, bởi vì tôi đã đọc câu chuyện đó nhiều lần rồi. Phần thứ hai của quyển sách về lời dạy của đức Phật thì khá thú vị. Khác với nhiều quyển truyền bá đạo Phật khác đa phần gom vào rất nhiều khái niệm và thuật ngữ xa lạ với người ngoại đạo, quyển sách này chỉ trình bày những khái niệm cốt lõi nhất như vô thường, vô ngã, vô thức, trung dung và niết bàn.
Đạo Phật trong quyển sách này có lẽ khác nhiều so với những gì chúng ta quan niệm. Thứ nhất là không có Thượng đế, cõi tiên bồng hay địa phủ, chẳng có ma quỷ, cũng chẳng có phần thưởng hay tội lỗi gì cả. Đạo Phật của tác giả (mà ông cho rằng gần với lời dạy của đức Phật hơn cả) gần như là một triết lý sống hướng vào tìm hiểu chính bản thân mình qua quá trình tịnh tâm và nhận thức. Đạo Phật không nói gì đến vũ trụ bên ngoài mà chỉ chú trọng đến thế giới nội tâm mỗi người chúng ta. Có thể bạn sẽ hơi bất ngờ, tuy nhiên chính tác giả cũng nhiều lần nhắc rằng đạo Phật phổ biến ngày nay đã đi rất xa so với nguyên lý cơ bản ban đầu của nó. Theo đó, đức Phật dạy rằng chúng ta nên bỏ bớt những ham muốn, suy nghĩ dư thừa để trở về trạng thái “vô thức”; còn đạo Phật ngày nay dựng “niết bàn” như một chốn an lạc nào đó, là cái đích đến để chúng ta phấn đấu làm điều thiện bỏ điều ác (ai là người phân định thiện và ác?).
Quyển sách rất hay về mặt ý tưởng, nhưng hơi dở trong cách trình bày. Thứ nhất, những lời dạy trong sách được minh họa bằng những ví dụ trong cuộc sống hiện đại, diễn đạt bằng cách hiểu và lời lẽ của tác giả, tuy nhiên được viết như thể chính đức Phật nói vậy. Do đó nói đây là lời dạy của đức Phật thì không được chính xác. Và từ đó cũng khó mà biết nội dung trong sách có đúng với quan điểm của đức Phật hay không. Mặc dù cách làm này sẽ giúp nhiều độc giả dễ hiểu, tuy nhiên cá nhân tôi không thích kiểu “nhét chữ vào mồm thánh nhân” như thế này.
Cái dở thứ hai của sách là sự cực đoan. Nhiều lần tác giả so sánh và đả kích các môn phái khác, từ Thiên chúa, đạo Hồi đến Khổng Tử, Lão Tử và cả Khoa học. Ông ta gọi các trường phái đó là “immature”, “childish”, là chậm tiến hơn so với lời dạy của đức Thích Ca cách đây 2500 năm. Chưa hết, mặc dù trong phần bàn về “trung dung”, sách dạy rằng không nên cực đoan một chiều nào cả. Tuy nhiên chịu khó lật lại vài trang đầu sẽ bắt gặp đoạn sau đây: ”I have been in the academic world and I say it through my experience. I have seen intelligent farmers, but I have not seen intelligent professors. I have seen intelligent woodcutters, but I have not seen intelligent professors”. Chưa cần bàn tới quan điểm của tác giả cho rằng kiến thức là dư thừa chỉ khiến chúng ta ngu muội đi, chỉ cần đọc đoạn này thôi đã thấy không được khớp với quan điểm “trung dung” của đức Phật rồi.
Một chỗ hạn chế của quyển sách đó là chỉ dừng lại ở đề xuất những trạng thái chúng ta cần đạt tới (như tinh thông, tịnh tâm, vô ngã) nhưng chưa hề nhắc tới làm thế nào để đạt được chúng. Quyển sách chỉ đưa ra cái đích, nhưng chưa vẽ con đường. Có thể là không có con đường nhất định nào dẫn tới “niết bàn”. Cũng có thể là có, nhưng độc giả nào quan tâm thì tự đi tìm lấy.
Tóm lại, những người quan tâm đến đạo Phật, dù có là tín đồ sùng bái đến đâu, cũng nên tìm đọc quyển sách này hoặc những quyển tương tự để đối chiếu với những gì mình đã biết về Phật giáo. Sách viết rất dễ hiểu dành cho độc giả phổ thông, ngoài ra có rất nhiều hình minh họa rất đẹp về đức Phật nên chắc chắn đọc vào chỉ có ích chứ không hại gì. Những ai muốn đào sâu thêm về Phật giáo có thể tìm những quyển nghiêm túc và công phu hơn.
No comments:
Post a Comment
Cảm ơn bạn đã đọc và comment. Xin vui lòng cho biết quý danh .