My rating: 5 of 5 stars
Quyển sách nhỏ này là những ghi chép của cụ Trần Trọng Kim về quãng thời gian 1943-1948 khi cụ tham gia vào các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Dành cho những ai chưa quên tên cụ, xin nói thêm rằng cụ Trần Trọng Kim là một nhà Nho, sử gia và sau cùng vì hoàn cảnh đưa đẩy cụ trở thành chính trị gia bắt đắc dĩ. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, cụ được vua Bảo Đại mời làm Tổng trưởng Nội các của chính phủ mới (tức Thủ tướng), nhưng chưa đầy năm thì Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, chính phủ Trần Trọng Kim phải giải tán, vua Bảo Đại thoái vị.
Về mặt nội dung, đây là một tập bút ký quan trọng. Thời kỳ trước và sau 1945 là quãng thời gian hỗn loạn ở VN, lại thêm tin tức lan truyền khó khăn chủ yếu truyền miệng nên thông tin càng thêm rối rắm, mỗi người nhìn nhận một kiểu. Ngoài việc cố vấn cho Cựu Hoàng Bảo Đại thì thực ra vai trò chính trị của cụ Trần Trọng Kim cũng không quá lớn, tuy nhiên những lời kể chân thực của cụ trong tập bút ký này đã trả lời nhiều khúc mắc của lịch sử, bác bỏ nhiều tin đồn thất thiệt và cho chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về biến chuyển của thời cuộc.
Qua quyển sách này, ta sẽ cảm nhận được độ phức tạp rối ren của tình thế lúc bấy giờ. Tất cả các quốc gia liên quan, các đảng phái và từng người đều có mưu toan riêng, không ai dám tin ai. Hứa hẹn rồi trở mặt là chuyện thường ngày, cộng vỡi nỗi khó khăn của cuộc sống thời binh loạn tạo thành một bức tranh hỗn độn, ngay cả người sáng suốt nhất cũng chẳng biết đường ra. Nhiệm vụ của người hậu thế là phải hiểu tình cảnh lúc bấy giờ, rồi sau mới đánh giá phê bình tiền nhân nếu muốn, chứ không nên kết luận vội vã. Quyển bút ký này cho ta thấy được sự bối rối và vất vả của người đương thời, từ đó gợi cho ta sự cảm thông sâu sắc.
Về văn phong thì quyển bút ký kể chuyện rất thành thực, có lẽ do tính cách của cụ đã như vậy. Khác xa với những quyển hồi ký mắc phải bệnh "lên gân" tìm mọi cách để tôn cái tôi của tác giả lên, cụ Trần Trọng Kim viết về thời kỳ "gió bụi" này với một thái độ bình thản và khiêm nhường, phản phất một nỗi buồn man mác về đất nước, con người và thế cục.
Thiết nghĩ những hậu thế hôm nay nên dành ít phút đọc lại những bút ký xưa để hiểu và đồng cảm với cha ông, cũng là một cách học hỏi từ quá khứ để đối phó với thử thách hiện tại. Sau cùng, góp ý nhỏ cho NXB, quyển tôi đọc in năm 1969 có nhiều lỗi chính tả, một vài chỗ sai năm và địa danh. Đối với sách lịch sử đây là những điểm quan trọng, nếu tác giả lỡ có chép sai cũng mong NXB chú thích thêm.
View all my reviews
Cuốn sách này mang lại cho anh những nỗi ngậm ngùi...
ReplyDeleteNgay từ cái tiêu đề cũng đang gợi lên một nỗi buồn man mác về một thời kỳ rối ren của đất nước, của dân tộc. Cũng bởi đó là cơn gió bụi nên người đi đường phải có được cái "đèn thần" mới mong thoát ra khỏi trận cuồng phong ấy. Theo suy nghĩ của anh Thủ tướng Trần Trong Kim chưa có được cây "đèn" ấy. Phan Anh có nói câu rằng: "Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị" [1]. Qua "Một cơn gió bụi", anh cho rằng nhận xét ấy là đúng. Anh cũng cảm nhận được rằng nội các của chính phủ Trần Trọng Kim ngày ấy không phải là họ không có cái Tài, cái Tâm, nhưng cái Lực thì (vì không có nên) chẳng thể tòng. Bên cạnh đó, tính chính danh cũng đã bị đánh mất ngay từ cách thành lập nên họ không đủ uy tín để tập hợp lực lượng đông đảo nhằm thực hiện ước vọng mang lại độc lập thực sự cho dân tộc Việt Nam.
Văn của ông, đúng là rất thật, rất thành thật. Người đọc dễ dàng nhận ra điều ấy và (nên) họ càng cảm thấy thông cảm với ông hơn. Về việc lỗi chính tả, theo anh một số trong đó có thể là do chuẩn hồi xưa nó như vậy. Mới đầu anh cũng tưởng là họ in sai, hoặc viết sai, nhưng sau này rất nhiều tài liệu có cách viết như thế. Ví dụ như "dzũng cảm", hoặc "zũng cảm"... Sẵn tiện nói đến việc này mới nhớ tới những tranh cãi dạo gần đây của bà con về câu, chữ, chính tả Việt Nam, rồi thì chữ gốc Hán, gốc Tàu, rồi thì "dùng như vầy ở trong câu vầy là chưa chính xác"... Anh cho rằng chữ Việt là chữ Việt, cho dù nó có bị cho là "gốc Hán" đi nữa thì giờ nó đã là chữ Việt rồi và nó phải mang trong mình ý nghĩa Việt. Vậy nên cái sự đúng sai phải xét trong hệ quy chiếu tiếng Việt mà thôi, không nên liên đới sang cái gì bên ngoài khác nữa.
Đọc sách xưa mà ngẫm sự thời nay. Ai là người sẽ tìm ra cây đèn thần để đưa đất nước Việt Nam thoát ra khỏi "cơn gió bụi"?
Anh vẫn còn chờ..............................................
-------------------------------------------------------------
[1] http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/luat-su-phan-anh-tra-loi-phong-van-cua-nha-su-hoc-na-uy-stein-tonnesson