17 September, 2013

Confessions of an Economic Hit Man

Title: Confessions of an Economic Hit Man (2004)
Author: John Perkins
-----------------------------------------------------


Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy sự nghi hoặc. Từ nhỏ chúng ta được dạy phải tin rằng thế giới vận động dựa trên công lý, bình đẳng, nhân đạo. Chúng ta tin tưởng vào các hiệp ước quốc tế, các quyết định của Liên Hiệp Quốc, của các cường quốc như Mỹ Nhật. Nhưng thời nay chúng ta có quá nhiều câu hỏi để nghi ngờ niềm tin của chúng ta: Tại sao Mỹ đánh Iraq, Panama, etc, thì không gọi là khủng bố và không bị trừng phạt? Mỹ đòi đánh Syria vì sử dụng vũ khí hóa học, trong khi Mỹ rải chất độc màu da cam xuống VN. Tại sao Mỹ và châu Âu kêu gọi bảo vệ môi trường trong khi Mỹ không chịu ký tên vào Hiệp ước Kyoto?

Có nhiều cách giải thích cơ chế vận hành chính trị thế giới. Một lý thuyết được nhiều người theo đuổi và ngày càng phổ biến, gọi nôm na là Conspiracy Theory, cho rằng thế giới bị kiểm soát bởi một thiểu số ông chủ ngân hàng. Vì đa số con người làm việc vì tiền, nên ai quản lý được nguồn tài chính thì điều khiển được cả thế giới. Lý thuyết này có cơ sở nằm ở cơ chế in và cho vay tiền của các ngân hàng trung ương, đặc biệt ngân hàng trung ương Mỹ được phép in đô-la (Hãy nghĩ xem thế giới sẽ như thế nào nếu bạn cũng sở hữu một cái máy in tiền và giấy phép in tiền). Tuy nhiên theo ý tui thì lý thuyết này có phần cực đoan và chưa đầy đủ.

John Perkins đưa ra một cách nhìn mới hơn về chính trị thế giới (nói “mới” vậy chứ quyển sách này ra đời cách đây gần 10 năm rồi). Ông ta cho rằng thế giới “lộn xộn” như ngày nay là do mỗi cá nhân chúng ta đều (muốn) tham gia vào một hệ thống, ông ta gọi là corporatocracy, gồm những tập đoàn lớn, ngân hàng và chính phủ. Hệ thống này tìm cách bóc lột sức lao động rẻ bèo, vơ vét tài nguyên của các quốc gia khác để tồn tại và hưng thịnh. Để làm được điều đó, họ mua chuộc lãnh đạo các nước nghèo để ký kết các dự án khổng lồ đem lại lợi ích cho họ và một thiểu số lãnh đạo. Phần dân đen còn lại phải sống cảnh nô lệ, bị bóc lột, sống đói kém nghèo khổ. Đây là kịch bản được các đế quốc sử dụng khi xâm lược thuộc địa từ thời xa xưa, nay chỉ viết lại bằng ngôn ngữ, hình thức mới. Tại sao John Perkins biết được điều đó? Vì ông ta đã từng là “sát thủ kinh tế”, kẻ đã thuyết phục nguyên thủ của nhiều quốc gia cấu kết với Mỹ để bóc lột chính đất nước họ. Và đây là quyển “thú tội” của ông ta.

Quan điểm của ông Perkins linh động hơn vững chãi hơn Conspiracy Theory ở nhiều mặt. Nó giải thích được nhiều sự kiện lớn trên thế giới, thậm chí có thể đoán được tương lai nữa. Nó dựa trên tâm lý thông thường của con người (ham lương cao, địa vị, thích bổng lộc), lịch sử và thủ đoạn xâm lược của đế quốc (xây dựng chính quyền địa phương bù nhìn). Nó có động lực kinh tế (tìm kiếm thị trường). Và đặc biệt nó chỉ ra lý lẽ của hệ thống corporatocracy dùng để “ngụy biện” cho việc làm của họ. Những năm gần đây, hàng loạt quyển sách mới ra đời hỗ trợ cho quan điểm này, phê phán chủ nghĩa thực dân của (các tập đoàn) Mỹ.

Quyển sách đi nhiều vào concept (khái niệm) hơn là chi tiết, có lẽ tác giả muốn nhắm đến các độc giả phổ thông để họ hiểu và chung tay hành động. Nếu cần chi tiết hơn thì có thể tham khảo những quyển sách xuất bản sau này. Có khá nhiều chi tiết lấp lửng, không rõ ràng và không chặt chẽ mấy, hầu hết chỉ được đưa ra để bổ sung ý chính của tác giả chứ không phải để tranh luận. Do đó khi đọc khó tránh khỏi cảm giác bị áp đặt một chiều. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây là quyển sách tiên phong đề cập đến vấn đề to lớn này, ta nên xem nó như một lời mào đầu kiểu “phổ cập” hơn là một quyển sách khảo cứu kỹ lưỡng.

Quyển sách mang nhiều dấu ấn cá nhân, đúng kiểu của một quyển “tự bạch”. Điều này có ích để tăng tính thuyết phục của quyển sách, một khi độc giả hiểu rõ về tác giả, về quá trình ông ta gia nhập “sát thủ kinh tế”, về cảm nghĩ của ông ta qua từng phi vụ. Đặc biệt tác giả muốn thông qua việc kể về bản thân để khuyến khích độc giả cũng tự nghĩ về cuộc đời, tương lai của mình và con cái để cùng chung tay hành động. Tuy nhiên có lẽ cũng vì thế mà nhiều chỗ có vẻ phóng đại, hoặc có thể một phần do cảm xúc của tác giả bị lẫn lộn với bối cảnh lộn xộn của chính trị thế giới nên nó có vẻ không được tự nhiên. Khi tui đọc quyển này thì chỉ tập trung phần sự kiện và đọc sơ lược những đoạn tình cảm cá nhân.

Tui nghĩ đây là một quyển sách rất đáng đọc, và nhất định phải đọc nếu bạn quan tâm nhiều đến tương lai của bản thân và con cái. Tất nhiên sau khi đọc xong rồi chúng ta vẫn tiếp tục hướng tới làm việc cho các tập đoàn xuyên quốc gia, cho các ngân hàng hay cơ quan chính phủ, tiếp tục tìm kiếm sự sung sướng vật chất, tuy nhiên nhận thức được ý nghĩa việc mình đang làm cũng đã là một thành quả to lớn, trong thời đại xáo trộn mọi giá trị luận lý và nhân đạo ngày nay.

No comments:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã đọc và comment. Xin vui lòng cho biết quý danh .