Tác giả: Sơn Nam
Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh (năm 198x)
--------------------------------------------------
(hình lấy từ sachxua.net) |
Những chi tiết thú vị như vậy các bạn có thể tình cờ tìm thấy trong cuốn "Đất Gia Định xưa" này đây. Nhưng địa danh chỉ là một trong nhiều minh họa nhỏ cho những nội dung lớn hơn được nêu trong cuốn sách, đó là viết về vùng đất Gia Định xưa, vào cái thuở vừa được khai hoang lập ấp cho tới khi nên dáng nên hình. Thực ra, sách không chỉ nói riêng vùng Gia Định (một phần của Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh sau này) mà còn mở rộng ra cho khắp cả vùng Nam Bộ.
"Việc khẩn hoang rõ ràng là diễn ra rất phức tạp."
Từ xa xưa, vùng đất này đã có một số tộc người sinh sống. Nhưng trải qua năm tháng, họ rốt cuộc đã không thể chịu đựng được cảnh nước nôi lũ lụt và điều kiện thiên nhiên còn quá hoang sơ nơi này nên mới bỏ đi lên vùng đất cao ráo hơn, chính là vùng Biển Hồ (Campuchia) ngày nay. Chỉ từ khi dân Việt từ miền ngoài vào đây, cộng thêm một số người Hoa... vượt biển tìm tới, đã cải tạo thành công vùng phèn chua, ngập úng, nước lớn nước ròng này thành những làng quê trù phú, ruộng đồng thẳng cánh có bay. Họ đã đem sức người đào vét tạo nên một hệ thống chằng chịt những kênh mương mới, cải tạo lại dòng chảy, chiến đấu với cá sấu, cọp hùm, và tìm mọi cách để có thể tận dụng ưu thế màu mỡ phù sa của đất đai để rồi sinh tồn và phát triển ngày một đông đúc, giàu có. Biết được như vậy, ta càng thêm trân trọng và kính phục công lao của ông cha thuở xưa đã lao động quên mình, để lại cho con cháu ngày nay một dải giang sơn đẹp hơn lụa là gấm vóc.
Một nội dung lớn khác cũng được nêu bật trong sách đó là sự tổ chức xã hội từ thấp (làng, xã, thôn, ấp) tới cao (trấn, phủ, tỉnh) ở vùng Nam Bộ xưa. Những người di dân vào đây vốn thuộc rất nhiều thành phần, tầng lớp, kẻ giàu người nghèo, quý tộc, bần nông, những phường thảo khấu, hay phạm nhân đi đày, hoặc kẻ chạy trốn... đều có cả. Nhưng đa phần trong số họ là những con người có dũng khí, khi ra đi mang theo một niềm hi vọng lớn lao về cuộc đời mới bớt khốn khó hơn, được tự do hơn. Tác giả đã rất kì công khi đưa vào sách khá nhiều số liệu, dẫn chứng nhằm minh họa cho tình hình xã hội lúc bấy giờ, từ số lượng làng ấp được lập thành ở một số địa phương chính, số hộ dân trong các làng ấp, diện tích các sở ruộng của những điền chủ, đại điền chủ có tiếng thời đó, hay tiền lương được nhận và tô thuế phải nộp của tá điền và dân lao động... Thiết nghĩ đây là một tài liệu hữu ích và cơ bản cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Nam Bộ xưa, hoặc chỉ đơn giản là để có thể hiểu cặn kẽ hơn mỗi khi đọc truyện hay xem phim của Hồ Biểu Chánh.
Tác giả cuốn sách này là một nhà nghiên cứu rất am hiểu về Nam Bộ, nhà văn Sơn Nam. Tên tuổi của ông có lẽ đã quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Ông còn được gọi bằng những danh xưng gần gũi như "Ông già Nam Bộ", hay "Nhà Nam Bộ học"... Riêng với tôi, điều khiến tôi cảm thấy lôi cuốn hơn khi đọc "Đất Gia Định xưa" đó chính là cái duyên cái nợ cái tình của bản thân với vùng đất phương nam này. Vốn quê gốc bắc, sinh trưởng ở trung, nhưng từ khi vào Sài Gòn đi học, có nhiều dịp được sống cùng những con sông cái nước đã khiến tôi yêu tự bao giờ con người và cảnh vật miền nam. Có khi tôi tự hỏi, không biết có phải kiếp trước mình chính là một người con của Nam Bộ không nữa, mà sao giờ gặp mặt lại cảm thấy rất đỗi thân thuộc yêu thương.
Tôi thật sự thích cuốn sách này, một tài liệu nghiên cứu có giá trị, một cuốn sách tham khảo thú vị và hữu ích. Biết đâu, bạn cũng sẽ thế!
No comments:
Post a Comment
Cảm ơn bạn đã đọc và comment. Xin vui lòng cho biết quý danh .