04 May, 2012

The Last Lecture


Tiêu đề: The last lecture (04/2008)
Tác giả: Randy Pausch và Jeffrey Zaslow
Nhà xuất bản: Hyperion
Chuyển ngữ:
Tiêu đề: Bài giảng cuối cùng
Dịch giả: Vũ Huy Mẫn
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản trẻ (10/2009)

------------------------------------------------------





The last lecture là một cuốn tự truyện nổi tiếng của giáo sư Randy Pausch, được viết lại từ bài giảng cuối cùng của ông tại đại học Carnegie Mellon trước khi ông qua đời ở tuổi 47 vì căn bệnh ung thư tụy. Cuốn sách và bài giảng không chỉ là món quà ý nghĩa mà ông dành tặng cho người thân, bạn bè, học trò và độc giả, mà trên tất cả, đó là tài sản quý báu mà ông muốn để lại cho những đứa con thơ dại của mình.

Nếu ví cuộc đời mỗi người như một trò chơi ghép hình thì có thể xem mỗi ước mơ là một mảnh ghép. Sống với ước mơ và nỗ lực theo đuổi ước mơ luôn là điều đáng trân trọng bởi lẽ nó giúp ta vươn đến những giá trị tốt đẹp và hoàn thiện bức tranh cuộc đời. Mặc dù ra đi lúc chưa đến tuổi ngũ tuần, nhưng có lẽ Randy đã sống gần như trọn vẹn cuộc đời vì ông đã thực hiện được những “mảnh ghép” tuổi thơ: trải nghiệm trạng thái không trọng lượng, viết một bài cho Bách khoa toàn thư thế giới, thắng giải thưởng những con thú bông, trở thành một Disney Imagineer,…và đã tìm được mảnh ghép quan trọng nhất đời mình: tổ ấm hạnh phúc.

Không chỉ hạnh phúc ở khía cạnh cuộc sống gia đình, Randy còn thành công trong cương một nhà giáo. Nếu như Sosaku Kobayashi là một vị hiệu trưởng đáng mơ ước thì Randy Pausch là một người thầy tuyệt vời. Ông đề cao việc tạo dựng nền tảng vững chắc và giáo dục lòng tự trọng cho sinh viên. Đối với ông, mục tiêu hàng đầu trong giáo dục là giúp sinh viên tự đánh giá bản thân và tạo điều kiện để họ đạt đến ước mơ.

Tommy Burnett là một ví dụ điển hình. Khi nghe Tommy kể về ước mơ muốn trở thành người tạo nên những hiệu ứng đặc biệt cho bộ phim Star Wars tiếp theo, Randy đã chấp nhận cho cậu ta tham gia vào nhóm nghiên cứu của ông. Randy luôn có những đòi hỏi rất cao ở Tommy, nhưng đồng thời ông cũng quan tâm đến mong muốn và sở thíchcủa cậu ta. Nhờ vậy mà Tommy đã trở thành một người lập trình xuất sắc trong nhóm của Randy. Kết quả là sau đó cậu ta đã được sống với ước mơ của mình: dựng những hiệu ứng cho 3 bộ phim Star Wars năm 1999, 2002 và 2005.

Trường hợp thứ hai là sinh viên Dennis Cosgrove. Ngoại trừ bị loại F trong lớp tích phân, trong các lớp còn lại, cậu ta đều đạt loại A. Chủ nhiệm khoa cho rằng Dennis có vấn đề về thái độ học tập và muốn đuổi học cậu ta. Nhưng Randy đã tin tưởng, bảo vệ Dennis và dùng tiền đồ của mình để bảo lãnh cho cậu ta. Lòng tin và công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng. Sau này Dennis đã trở thành một người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học máy tính và là một trong những cha đẻ của dự án Alice.

Với tài năng sư phạm, bằng cách khéo léo áp dụng phương pháp “giả đầu”mà ông học được từ huấn luyện viên bóng bầu dục Graham, Randy đã truyền cảm hứng cho các sinh viên của mình, tạo cơ hội cho họ phát huy khả năng lập trình. Không những thế, nhóm của ông đã xây dựng chương trình dạy học Alice, với mong muốn nâng đỡ ước mơ của nhiều người và giúp họ tiếp cận với hệ thống thế giới ảo. Phần mềm Alice chính là thành quả của tài năng, tâm huyết, khát vọng và sự đoàn kết của một tập thể mà ông là linh hồn.

Là một người cha, Randy đã để lại cho các con những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa về ước mơ, về sự trung thực, về lòng biết ơn, về tình yêu và về nghị lực để đương đầu với cuộc sống. Ông ra đi, để lại cho các con một sự mất mát không gì bù đắp được. Nhưng tôi tin rằng, khi đủ khôn lớn để đọc hiểu bài giảng và cuốn sách này, các con của ông sẽ không cảm thấy bất hạnh, mà ngược lại chúng sẽ rất tự hào, rất hạnh phúc vì tình yêu mà ông dành cho chúng, vì cái cách mà ông dạy chúng dù ông không thể ở bên cạnh chúng và vì những điều mà ông kỳ vọng ở chúng :“đừng cố hiểu ba muốn các con trở thành những con người như thế nào. Ba muốn các con trở thành người mà các con muốn trở thành.

Là một người chồng, Randy đã chuẩn bị, sắp đặt mọi thứ để giảm nhẹ gánh nặng trên vai Jai khi ông ra đi. Ông đã dành phần gần cuối cuốn sách để bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn đối với vợ của mình. Giây phút Randy cùng mọi người hát chúc mừng sinh nhật Jai ở cuối bài giảng thật xúc động. Nhưng càng xúc động hơn nữa khi Jai thì thầm vào tai Randy: “Xin anh đừng chết.”

Mục đích ban đầu của tôi khi đọc The last lecture là để tăng cường khả năng đọc hiểu tiếng Anh. Nhưng sau khi gấp lại trang sách cuối cùng, thứ còn đọng lại trong tôi là sự ngưỡng mộ đối với một người thầy, một người cha, một người chồng, một nhân cách lớn. Cuốn sách và bài giảng đã cho tôi những bài học nhỏ về đời, về nghề. Tôi hi vọng rằng cuốn sách cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều điều thú vị hoặc giúp bạn nhìn đời một cách lạc quan hơn.

Tôi xin mượn lời của Randy để kết thúc bài viết này
Brick walls are there for a reason. They give us a chance to show how badly we want something.
                                                                                                                                              NPT


------------------------------------------------------


Một số thông tin:
  • Cuốn sách này đã lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York trong suốt hơn 112 tuần kể từ lần xuất bản đầu tiên và được dịch sang 48 ngôn ngữ khác nhau [1].
  • Bài giảng Really Achieving YourChildhood Dreams trên Youtube.
  • Trang web The Last Lecture  http://www.thelastlecture.com/

------------------------------------------------------

Nguồn tham khảo

[1]  http://en.wikipedia.org/wiki/The_Last_Lecture
[2]  http://en.wikipedia.org/wiki/Randy_Pausch
[3]  http://duymanvu.wordpress.com/bai-gi%E1%BA%A3ng-cu%E1%BB%91i-cung/

1 comment:

  1. Đây thật là một cuốn sách đầy cảm xúc. Nó đã cuốn hút tôi đến độ làm tôi quên đi những gì xung quanh chỉ để lắng nghe lời trò chuyện của Randy.

    Đan xen giữa nụ cười là những giọt nước mắt không thể giấu nổi vào trong. Người đọc vừa khâm phục một tài năng như ông vừa xúc động trước tình yêu mà ông giành cho gia đình mình. Sự lạc quan của Randy khiến chúng ta ngạc nhiên, tưởng chừng như căn bệnh trong cơ thể ông không còn tồn tại nữa. Tuy vậy cuộc sống vẫn luôn tồn tại những khó khăn như vốn có. Và điều quan trọng là chúng ta đã sống đẹp với cuộc đời này như thế nào.

    Bài viết của NPThazard làm tôi sống lại một cảm xúc bồi hồi như lúc vừa gấp lại cuốn "Bài giảng cuối cùng" vậy!

    ReplyDelete

Cảm ơn bạn đã đọc và comment. Xin vui lòng cho biết quý danh .