----------------------------------------------
Một quyển sách luôn hiện ra trong đầu tui khi nghĩ tới sách hay. Với tui, sách hay là sách phù hợp với cá nhân người đọc trong từng thời điểm. Ta có thể xuýt xoa sau khi đọc một quyển sách rồi mấy ngày sau quên sạch nó, nhưng có hề gì, quan trọng là cảm giác nó đem lại cho ta lúc đọc nó.
Hiếu học và Tài năng là một quyển sách như vậy. Tui nhớ đó là mùa hè năm học lớp 7, sau khi chán chê với những buổi tập huấn chỉ huy Đội, tui lò mò vào Thư viện của trường, mượn cô Xuân mấy cuốn sách văn học về nhà đọc. Tui bắt gặp cuốn Hiếu học và Tài năng khi đó, hình như được nhà trường mua để khuyến khích tinh thần tự học của đám học sinh ham chơi hơn học ở cái phố huyện nhỏ bé quê tui. Tui đã đọc say mê cả buổi tối. Tui hình dung ra không khí học tập ở miền Bắc, ở Huế, ở các trường chuyên lớp chọn khi đó hào hứng thế nào. Tui nghĩ tới đám bạn cùng lớp, đa số chỉ muốn học cho xong cấp hai để xin đi làm hay buôn bán. Theo tụi nó (và cả người lớn nữa), thì học cho lắm cũng không thể đi xa hơn cái thị trấn nhỏ xíu xung quanh là núi là rừng như quê tui.
Nhưng Hiếu học và Tài Năng đem tui đi xa hơn thung lũng nhỏ bé đó. Tui cũng chưa biết mình thực sự muốn làm gì hay trở thành ai lúc đó, chỉ biết trong lòng đã nhen nhóm ngọn lửa ham học, không phải vì những áp lực bên ngoài nữa mà vì cái thôi thúc muốn phá bỏ giới hạn bên trong. Tui bắt đầu biết ước mơ! (còn chuyện có thực hiện được ước mơ hay không thì...từ từ bàn tới, cũng có thể do ảnh hưởng từ một cuốn sách khác!:).
Mỗi dạo đi nhà sách tui đều cố gắng ngó ngiêng coi quyển sách này có tái bản nữa không, đặng mua về cất làm của riêng nhưng không thấy. Hôm nay tìm trên Google thì chỉ mô tả này:
(Link: http://www.vnmath.com/2011/08/hieu-hoc-va-tai-nang-sach-hay-cho-ban.html)
Phó Giáo Sư toán học Phan Thị Hà Dương (nguồn ảnh từ vietmaths.com)
Bonus: Từ cấp một lên lớp 7, tui học vì cái áp lực vô hình của phụ huynh. Bạn có thể tưởng tượng áp lực đó khi biết rằng, lúc học lớp 2 tui đã mạnh dạn lên xin cô giáo cho lên 1 điểm để được 8 điểm vì hễ cứ 7 điểm là sẽ bị ăn đòn. Thời đó, những tấm gương hiếu học chủ yếu kể về các bạn ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Chương trình Những bông hoa nhỏ mỗi tối cũng thường kể về những tấm gương học giỏi, cũng là các bạn "ngoài kia" luôn. Lúc đó ở trường cấp hai của tui, mấy đứa đứng nhất khối đều là những đứa ngoài miền Bắc chuyển vào. Đối thủ nặng ký nhất của tui cũng là một bạn người Bắc, con cô hiệu trưởng. Nói chuyện Bắc Nam ở đây vì tui nghĩ rằng, đối với sự học, cá nhân tui vẫn âm thầm ngưỡng mộ tinh thần ham học và quyết tâm của các bạn ngoài Bắc. Cho tới bây giờ tui vẫn mang suy nghĩ đó và vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi Tại sao? Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, tui cảm ơn Hiếu học và Tài năng đã giúp tui duy trì được lòng ham học hỏi và quyết tâm vươn lên dù gặp bao nhiêu khó khăn, tui trân trọng điều đáng quý nhất đó ở bản thân.
Theo cái link của chị Bút Chì, tui đã download được quyển sách này. Bạn nào quan tâm thì vô đây download nha (PDF): http://ubuntuone.com/0yt1KZw6bG8XpsysIv7PiH
ReplyDeleteAnh đã download được cuốn sách từ link của Hải.
ReplyDeleteCảm ơn bài viết của bạn Bút Chì. Hồi nhỏ mình cũng rất thích đọc những cuốn sách như thế này. Tuy nhiên toàn là đọc sách nói về... danh nhân thế giới (hihi), cuốn ở trên thì tiếc là chưa có dịp xem qua, đơn giản vì thư viện không có mà nhà sách thì toàn truyện tranh :)).
Quả thật những cuốn sách như vậy là cả một nguồn động viên lớn lao, cộng thêm sự thúc giục của cha mẹ sau lưng, đồng thời với việc chạy đua cùng chúng bạn (một sự "chạy theo thành tích" tích cực chứ không phải như thời nay), tất cả đã giúp cho mình vượt lên mọi khó khăn vật chất mà vươn lên trong học tập.
Hi vọng là "Hiếu học và Tài năng" vẫn còn được tái bản (một cuốn sách bổ ích như vậy mà). Dẫu sao cầm đọc một cuốn sách giấy vẫn có gì đó thích thú hơn là lướt trên file PDF. Mọi người nhỉ ^^