31 May, 2012

Hiếu học và Tài năng

Hiếu học và Tài năng của tác giả Hàm Châu, 416 trang, NXB GD

----------------------------------------------

Một quyển sách luôn hiện ra trong đầu tui khi nghĩ tới sách hay. Với tui, sách hay là sách phù hợp với cá nhân người đọc trong từng thời điểm. Ta có thể xuýt xoa sau khi đọc một quyển sách rồi mấy ngày sau quên sạch nó, nhưng có hề gì, quan trọng là cảm giác nó đem lại cho ta lúc đọc nó.

Hiếu học và Tài năng là một quyển sách như vậy. Tui nhớ đó là mùa hè năm học lớp 7, sau khi chán chê với những buổi tập huấn chỉ huy Đội, tui lò mò vào Thư viện của trường, mượn cô Xuân mấy cuốn sách văn học về nhà đọc. Tui bắt gặp cuốn Hiếu học và Tài năng khi đó, hình như được nhà trường mua để khuyến khích tinh thần tự học của đám học sinh ham chơi hơn học ở cái phố huyện nhỏ bé quê tui. Tui đã đọc say mê cả buổi tối. Tui hình dung ra không khí học tập ở miền Bắc, ở Huế, ở các trường chuyên lớp chọn khi đó hào hứng thế nào. Tui nghĩ tới đám bạn cùng lớp, đa số chỉ muốn học cho xong cấp hai để xin đi làm hay buôn bán. Theo tụi nó (và cả người lớn nữa), thì học cho lắm cũng không thể đi xa hơn cái thị trấn nhỏ xíu xung quanh là núi là rừng như quê tui.

Nhưng Hiếu học và Tài Năng đem tui đi xa hơn thung lũng nhỏ bé đó. Tui cũng chưa biết mình thực sự muốn làm gì hay trở thành ai lúc đó, chỉ biết trong lòng đã nhen nhóm ngọn lửa ham học, không phải vì những áp lực bên ngoài nữa mà vì cái thôi thúc muốn phá bỏ giới hạn bên trong. Tui bắt đầu biết ước mơ! (còn chuyện có thực hiện được ước mơ hay không thì...từ từ bàn tới, cũng có thể do ảnh hưởng từ một cuốn sách khác!:).

Mỗi dạo đi nhà sách tui đều cố gắng ngó ngiêng coi quyển sách này có tái bản nữa không, đặng mua về cất làm của riêng nhưng không thấy. Hôm nay tìm trên Google thì chỉ mô tả này:


(Link: http://www.vnmath.com/2011/08/hieu-hoc-va-tai-nang-sach-hay-cho-ban.html)

sach hieu hoc va tai nang

Phó Giáo Sư toán học Phan Thị Hà Dương (nguồn ảnh từ vietmaths.com)

Bonus: Từ cấp một lên lớp 7, tui học vì cái áp lực vô hình của phụ huynh. Bạn có thể tưởng tượng áp lực đó khi biết rằng, lúc học lớp 2 tui đã mạnh dạn lên xin cô giáo cho lên 1 điểm để được 8 điểm vì hễ cứ 7 điểm là sẽ bị ăn đòn. Thời đó, những tấm gương hiếu học chủ yếu kể về các bạn ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Chương trình Những bông hoa nhỏ mỗi tối cũng thường kể về những tấm gương học giỏi, cũng là các bạn "ngoài kia" luôn. Lúc đó ở trường cấp hai của tui, mấy đứa đứng nhất khối đều là những đứa ngoài miền Bắc chuyển vào. Đối thủ nặng ký nhất của tui cũng là một bạn người Bắc, con cô hiệu trưởng. Nói chuyện Bắc Nam ở đây vì tui nghĩ rằng, đối với sự học, cá nhân tui vẫn âm thầm ngưỡng mộ tinh thần ham học và quyết tâm của các bạn ngoài Bắc. Cho tới bây giờ tui vẫn mang suy nghĩ đó và vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi Tại sao? Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, tui cảm ơn Hiếu học và Tài năng đã giúp tui duy trì được lòng ham học hỏi và quyết tâm vươn lên dù gặp bao nhiêu khó khăn, tui trân trọng điều đáng quý nhất đó ở bản thân.

27 May, 2012

Moonwalking with Einstein: The Art and Science of Remembering Everything


Tiêu đề: Moonwalking with Einstein: The Art and Science of Remembering Everything
Tác giả: Joshua Foer
------------------------
Mình tìm thấy cuốn sách này cũng khá tình cờ. Vì là dân IT nên vốn tính hay vạy vọc, bữa nọ lên Amazon Books, rồi vào mục Best Sellers thì thấy cuốn sách này, sau đó thì tìm được bản pdf để đọc. Phải nói đây là một cuốn sách tương đối khó nhai vì nó dài 471 trang và lại bằng tiếng Anh. Tuy nhiên vì đề tài quá hấp dẫn với mình, lại được đánh giá cao trên Amazon nên mình cũng thử, và mất 1 tuần để đọc xong cuốn sách này.

Tựa đề cuốn sách gần như đã nêu lên toàn bộ chủ đề cuốn sách đề cập. Bản thân tác giả không những tìm hiểu các kỹ thuật phát triển trí nhớ mà còn tự mình luyên tập các phương pháp này, và kết quả là sau 1 năm, tác giả đã trở thành quán quân trong cuộc thi trí nhớ của nước Mỹ.
Một số điều còn cô đọng lại trong mình là như sau:
- Thứ nhất, trí nhớ hoàn toàn có thể cải thiện, bằng một số các phương pháp từ rất xa xưa kèm theo một chế độ luyện tập khoa học.
- Thứ hai, thông qua quá trình khổ luyện và đặt được thành công về trí nhớ, tác giả đã chỉ ra được một con đường tôi luyện hiệu quả đối với mọi ngành học/chuyên môn khác. Tác giả đã chỉ ra 3 giai đoạn cơ bản trong quá trình rèn luyện một kĩ năng mới, cũng như đã đưa ra giải pháp để vượt qua "điểm giới hạn" mà tác giả dùng thuật ngữ là OK Plateau. Đây là những lý thuyết rất sát với thực tế, và người đọc có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Dĩ nhiên là "No pain, No gain", chúng ta vẫn phải bỏ ra nhiều tâm lực để trui rèn. Những ít nhất chúng ta biết là chúng ta đã rèn luyện theo đúng cách...


18 May, 2012

Cái cười của thánh nhân

Tiêu đề: Cái cười của thánh nhân
Tác giả: Nguyễn Duy Cần
NXB: NXB Trẻ (2012)
==================

Đúng theo tiêu đề, cuốn sách này sưu tầm những câu chuyện "cười" của người xưa, cái cười mỉa mai châm biếm, cười chua xót, cười ra nước mắt. Thật khó tìm đâu ra một quyển sách bàn nhiều về đời, về người nhiều như quyển này.

Tác giả sưu tầm những mẩu chuyện cổ từ Đông sang Tây theo phong cách "u mặc" (trào phúng). Phần lớn đằng sau các mẩu chuyện "cười đau khổ" đều có lời bình của tác giả. Lời bình có thể bám sát ý của câu chuyện, cũng lắm khi hơi lan man. Nhiều lời bình rất hay với cái nhìn rất khác và rất uyên thâm, nhưng cũng có vài lời bình khó hiểu (chắc tại tui chưa đủ trình độ). Còn lại rất nhiều mẩu chuyện không có lời bình, một số chuyện thì dễ hiểu, một số đọc xong chẳng hiểu ý muốn nói gì.

Về văn châm biếm khó ai qua Trang Tử. Cũng vì thế mà cuốn sách trích rất nhiều mẩu chuyện trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Tư tưởng chủ đạo của cuốn sách này là ở tư tưởng "nhất nguyên luận" của phái Phật Lão Trang Liệt. Nói nôm na, là từ bỏ thị phi, khen chê, sang hèn,... mà hoà mình với thiên nhiên, sống ung dung tự tại, không lo nghĩ sầu muộn, không mưu toan,... Cái cười ở đây nhằm vào phái "nhị nguyên luận"của Bách Gia Chư Tử (trong đó có luôn Khổng Tử!), tự phân chia thiện ác tốt xấu rồi tự cho mình là hiền sĩ, thánh nhân, gây cho thiên hạ bao hỗn loạn điêu đứng.

Những bài học trong quyển sách này tôi cho là vô giá. Hiểu được cặn kẽ đã khó, mà thực hành thì càng khó. Thế nào là "hiểu"? Nếu bạn đọc quyển sách này, thấy mình cũng giống "thánh nhân" mà cười người đời thì rõ là chưa "thông hiểu" được. Chỉ khi bạn đọc từng mẩu chuyện, thấy đỏ mặt tía tai, tự thấy xấu hổ, đem mẩu chuyện ấy mà tự răn đe mình, thì mới mong tiến bộ. Đó là cách đọc mà tôi cũng đang cố gắng tuân thủ.

Quyển sách này dành cho ai? Thật khó mà trả lời. Theo thiển ý của tôi, nếu bạn thấy ngộp thở với cuộc đời đầy bon chen, muốn tìm một chỗ tĩnh lặng mà "tu tâm" thì đây là một quyển kinh tốt. Còn với những người còn tràn đầy niềm tin và hi vọng vào cuộc đời thì hãy cứ hồn nhiên mà tận hưởng nó. Tóm lại quyển sách này vẽ đường chỉ lối tới một cuộc sống thanh nhàn cho những ai đang cảm thấy bất hạnh.

Để kết lại, tôi xin tóm tắt một mẩu chuyện trong quyển sách: Một đám người lôi một người đàn bà tới Chúa Jesus đòi ném đá bà ta vì tội loạn dâm. Chúa bảo "Ai nghĩ mình trước giờ chưa phạm lỗi lầm nào thì ném đá trước". Thế là đám đông tản ra rồi đi mất. Tác giả bình: Thời Chúa Jesus, người ta còn tự biết mình có tội nên bỏ đi. Chứ ở thời này mà nói vậy chắc người đàn bà đã bị ném đá đến chết bởi bọn thầy đời tội lỗi đầy mình mà cứ nghĩ mình trong sạch thánh thiện.

Cười nổi không?

15 May, 2012

Conversations on the dark secrets of Physics

Tiêu đề: Conversations on the dark secrets of Physics
Tác giả: Edward Teller
NXB: Basic Book (1991)
========================

Nghe tiêu đề thì đây có vẻ là quyển sách về Vật Lý, và cho dân làm khoa học. Thực tế chỉ có vế đầu là đúng, vì quyển sách này chủ yếu bàn về câu chuyện, vấn đề cơ bản của Vật Lý như định luật vạn vật hấp dẫn, thuyết tương đối, nhiệt học, cơ học lượng tử... Vế sau thì không đúng lắm, vì tác giả giảng giải cho đối tượng là học sinh phổ thông. Tác giả cố gắng không sử dụng đến toán học, do đó nếu bạn tốt nghiệp cấp III thì sẽ hiểu phần lớn các công thức trong cuốn sách này.

Những vấn đề trong cuốn sách này thì đều khá cũ, nhưng được giải thích với một góc nhìn hoàn toàn khác. Thí dụ như thuyết tương đối, tác giả bắt đầu từ "đại lượng bất biến" (invariance) rồi dẫn ra những hệ quả của nó. Cách trình bày này khác những giáo trình Vật Lý khác, vốn xuất phát từ phép biến đổi Lorentz rồi đi lòng vòng với một mớ công thức toán học. Tác giả đã cố gắng giải thích những hiện tượng, định luật phức tạp bằng cách đơn giản nhất. Tuy vậy không phải lúc nào ông cũng thành công vì có những vấn đề khó mà giải thích đơn giản hơn được.

Ngoài những định luật, tác giả còn kể ra nhiều chuyện "hậu trường" của giới Vật Lý gia. Thí dụ như chuyện Ac-si-mét trần truồng chạy rông trên phố la lớn "Ơ-rê-ka" là chuyện ... bịa. Hoặc là chuyện Kepler bỏ ra 5 năm theo đuổi thuyết địa tâm (trái đất là trung tâm vũ trụ) để rồi năm thứ sáu tự bác bỏ tất cả công trình của mình, nghĩ ra 3 định luật quan trọng bậc nhất trong Thiên văn học. Và chuyện Newton sau khi quên mất một phép chứng minh của mình, đã quyết định viết lại công trình nghiên cứu trong quyển sách Principia về sau trở thành một trong những công trình khoa học vĩ đại nhất của nhân loại.

Trong cuốn sách có nhiều "dark secrets" khiến chúng ta không khỏi bất ngờ. Thí dụ chuyện luận văn tiến sĩ của de Broglie (về sau được giải Nobel vì công trình này) suýt bị hội đồng trường đánh rớt, nhưng vì cha của de Broglie là cựu thủ tướng nước Pháp nên trường ĐH đành nhờ Einstein chấm điểm, và may mắn thay Eistein là người rất thích những ý tưởng mới mẻ. Hoặc như cùng thời với Ac-si-mét (cách đây 2200 năm!) đã có người quan điểm trái đất quay quanh mặt trời và còn tính toán khoảng cách từ trái đất đến mặt trời nữa. Tuy nhiên thời đó ai cũng không tin ông ta, và tên tuổi ông ta còn sót lại là nhờ Ac-si-mét đã đưa lý thuyết của ông ta vào cuốn sách của mình để ... bác bỏ nó! Và còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác nữa.

Tuy nhiên một vài chương cuối cùng của cuốn sách thì không thực sự hấp dẫn như những chương đầu, vì tác giả thử sức mình với các vấn đề của lượng tử học và vật lý chất rắn, vốn là các đề tài rất khó và đã làm hao tốn rất nhiều giấy mực. Ngoại trừ trong chương kết, tác giả nêu vấn đề giới hạn của Vật Lý học, cũng như ranh giới giữa Vật Lý và Sinh học mà tôi thấy rất mới mẻ và ấn tượng.

Một điểm đặc sắc của cuốn sách là các mẩu đối thoại nhỏ giữa tác giả và con gái (lập trình viên) được in phía dưới trang sách. Đó là những thảo luận ngắn và dí dỏm giữa chuyên gia Vật Lý và một dân "ngoại đạo" nhưng rất lém lỉnh và tò mò.

Tôi không cho rằng cuốn sách này có thể dùng như sách giáo khoa hay tư liệu khoa học, mà nên đọc nó với tính cách giải trí trong những lúc rảnh rỗi. Đặc biệt thích hợp cho dân kỹ thuật, vốn đã có một ít vốn liếng về Vật Lý.

10 May, 2012

Making Friends

Nguyên tác:
Title: Making friends
Author: Andrew Matthews

Bản dịch:
Tiêu đề: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi - Tập 2
Dịch giả: Dũng Tiến - Thuý Nga
NXB: NXB Trẻ (2012)
========================

Những cuốn sách nói về lối sống, cư xử thì ôi thôi nhiều vô kể, nhưng Andrew Matthews là tác giả tui thích nhất qua ba cuốn đầu tiên của bộ "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi". Lối suy nghĩ của tác giả bao giờ cũng đơn giản, thực tế và nhiều bất ngờ. Tập thứ hai chủ yếu bàn về quan hệ với những người xung quanh, làm cách nào chúng ta sống hoà hợp với họ để tất cả đều vui vẻ hạnh phúc.

Tác giả nhìn ra được chìa khóa của nhiều vấn đề, và đề xuất những giải pháp để cứu chúng ta khỏi những rắc rối thường ngày. Bất ngờ nhất là thí nghiệm với ba giáo viên "xuất sắc" và ba lớp học "xuất sắc", chỉ ra rằng nếu chúng ta biết tin tưởng vào bản thân và mọi người thì họ (bao gồm bản thân và những người xung quanh) có xu hướng chứng thực sự tin tưởng của chúng ta. Tui cho rằng đây là nguyên tắc vàng trong nghệ thuật lãnh đạo.

Một cách nhìn tui thấy rất hay trong cuốn sách này, đó là thay vì thay đổi mọi người, thay đổi bạn bè của chúng ta, ta nên thay đổi chính bản thân, thay cách chọn bạn. Thực ra đây cũng là tư tưởng chủ đạo của bộ sách mà rõ nhất là ở tập 1. Không phải ngẫu nhiên mà dịch giả đã chọn tiêu đề mới này, chứ không đơn thuần dịch sát nghĩa từ tiêu đề của nguyên tác.

Tuy nhiên vẫn có những đề xuất trong cuốn sách đáng gây tranh cãi. Tác giả đưa ra một thí dụ rằng nếu có cảm tình với ai đó thì nên mạnh dạn thổ lộ. Hoặc là để minh hoạ cho việc đặt ra kỷ luật trong gia đình, tác giả đưa thí dụ việc "trả lương" cho con khi sai chúng làm việc nhà. Ngoài ra còn có một số thí dụ tui thấy không hay lắm (hoặc chỉ hiệu quả ở xã hội phương Tây). Do đó khi đọc cuốn sách nay, tui nghĩ nên lọc lấy ý chính và vài chi tiết đặc sắc, lược bỏ bớt những ví dụ rườm rà.

Một điều đáng tiếc là tui đọc quyển sách này song song với cuốn "Thuật xử thế của người xưa", nên về mặt tư tưởng thì quyển sách của ông Tây (tác giả người Úc) có vẻ kém hơn quyển của ông Ta (Nguyễn Duy Cần). Tuy nhiên Andrew Matthews đi vào chi tiết thực tế hơn là chỉ nói nguyên lý chung chung như ông Nguyễn Duy Cần. Do đó tui thấy quyển sách này dễ đọc và phù hợp với thời đại của chúng ta hơn, đặc biệt là xã hội phương Tây.

Lưu ý cuối cùng, vì đây là quyển sách khá nổi tiếng ở Việt Nam nên có rất nhiều quyển khác "nhái" theo, và có nhiều bản dịch. Tui rất thích bản dịch của Dũng Tiến - Thuý Nga. Khi mua các bạn nên kiểm tra kỹ tựa đề sách, tác giả và dịch giả.

09 May, 2012

Sao biển và nhện


Tựa sách: Sao biển và nhện
Tác giả:  Ori Brafman, Rob A.Beckstrom
Nhà xuất bản: Nxb Tri Thức
Ngày xuất bản: 28-02-2010
---------------------------------------------------------------

Cuốn sách này đưa ra những lý giải thú vị về sự thành công của những tổ chức internet Wikipedia, craiglist, Skype hay eBay dưới lăng kính của hình thái xã hội học. Hai tác giả đã cho chúng ta thấy sức mạnh của một công động ảo trung thực và tin tưởng lẫn nhau lớn đến dường nào.
Là một tác phẩm best-seller năm 2006 trên website Amazon, cuốn sách có một bố cục trình bày rất đáng học tập, cùng với những phát hiện hết sức bất ngờ và thú vị.  
Tin chắc đây sẽ là một cuốn sách quý trên tủ sách của bạn.

08 May, 2012

Tỉ phú bán giầy (Delivering Happiness)


Tiêu đề: Tỉ phú bán giầy (Delivering Happiness)
Tác giả: Tony Hsieh
Công ty phát hành: Alpha Books
Ngày xuất bản: 05-08-2011
------------------------------------------------------
Cuốn sách này được viết bởi Tony Hsieh, CEO của Zappos.com, một công ty bán giầy tại Mỹ được Amazon mua lại năm 2009 với giá 1,2 tỷ đôla chỉ sau 10 năm hoạt động, và nằm ở vị trí cao nhất trong danh sách "những công ty tốt nhất để làm việc" của tạp chí Fortune năm 2009.
Một tác phẩm chắn chắn sẽ mang lại rất nhiều cảm hứng và niềm vui cho các bạn, đặc biệt là những bạn trẻ sắp ra trường hoặc đang đi tìm chân lý sống.

Tôi sẽ tóm tắt một số giá trị của cuốn sách theo cách riêng của mình:
" Nếu một cuốn sách có thể cho bạn một vài ý tưởng, đó chắc hẳn là một cuốn sách tuyệt vời"
" Một cuốn sách ngập tràn hạnh phúc"
" Tony Hsieh là một chàng trai 'tham lam' vì anh đã gầy dựng nên một công ty không những mang về lợi nhuận cao mà còn mang tới niềm hạnh phúc cho tất cả những ai làm việc với nó"
 " Tony Hsieh đã cho chúng ta một định nghĩa hoàn toàn mới mẽ nhưng rất cụ thể về hạnh phúc thông qua hình mẫu của chính công ty anh "

Chúc các bạn tìm thấy niềm vui trong cuốn sách này.

04 May, 2012

The Last Lecture


Tiêu đề: The last lecture (04/2008)
Tác giả: Randy Pausch và Jeffrey Zaslow
Nhà xuất bản: Hyperion
Chuyển ngữ:
Tiêu đề: Bài giảng cuối cùng
Dịch giả: Vũ Huy Mẫn
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản trẻ (10/2009)

------------------------------------------------------





The last lecture là một cuốn tự truyện nổi tiếng của giáo sư Randy Pausch, được viết lại từ bài giảng cuối cùng của ông tại đại học Carnegie Mellon trước khi ông qua đời ở tuổi 47 vì căn bệnh ung thư tụy. Cuốn sách và bài giảng không chỉ là món quà ý nghĩa mà ông dành tặng cho người thân, bạn bè, học trò và độc giả, mà trên tất cả, đó là tài sản quý báu mà ông muốn để lại cho những đứa con thơ dại của mình.

Nếu ví cuộc đời mỗi người như một trò chơi ghép hình thì có thể xem mỗi ước mơ là một mảnh ghép. Sống với ước mơ và nỗ lực theo đuổi ước mơ luôn là điều đáng trân trọng bởi lẽ nó giúp ta vươn đến những giá trị tốt đẹp và hoàn thiện bức tranh cuộc đời. Mặc dù ra đi lúc chưa đến tuổi ngũ tuần, nhưng có lẽ Randy đã sống gần như trọn vẹn cuộc đời vì ông đã thực hiện được những “mảnh ghép” tuổi thơ: trải nghiệm trạng thái không trọng lượng, viết một bài cho Bách khoa toàn thư thế giới, thắng giải thưởng những con thú bông, trở thành một Disney Imagineer,…và đã tìm được mảnh ghép quan trọng nhất đời mình: tổ ấm hạnh phúc.

Không chỉ hạnh phúc ở khía cạnh cuộc sống gia đình, Randy còn thành công trong cương một nhà giáo. Nếu như Sosaku Kobayashi là một vị hiệu trưởng đáng mơ ước thì Randy Pausch là một người thầy tuyệt vời. Ông đề cao việc tạo dựng nền tảng vững chắc và giáo dục lòng tự trọng cho sinh viên. Đối với ông, mục tiêu hàng đầu trong giáo dục là giúp sinh viên tự đánh giá bản thân và tạo điều kiện để họ đạt đến ước mơ.

Tommy Burnett là một ví dụ điển hình. Khi nghe Tommy kể về ước mơ muốn trở thành người tạo nên những hiệu ứng đặc biệt cho bộ phim Star Wars tiếp theo, Randy đã chấp nhận cho cậu ta tham gia vào nhóm nghiên cứu của ông. Randy luôn có những đòi hỏi rất cao ở Tommy, nhưng đồng thời ông cũng quan tâm đến mong muốn và sở thíchcủa cậu ta. Nhờ vậy mà Tommy đã trở thành một người lập trình xuất sắc trong nhóm của Randy. Kết quả là sau đó cậu ta đã được sống với ước mơ của mình: dựng những hiệu ứng cho 3 bộ phim Star Wars năm 1999, 2002 và 2005.

Trường hợp thứ hai là sinh viên Dennis Cosgrove. Ngoại trừ bị loại F trong lớp tích phân, trong các lớp còn lại, cậu ta đều đạt loại A. Chủ nhiệm khoa cho rằng Dennis có vấn đề về thái độ học tập và muốn đuổi học cậu ta. Nhưng Randy đã tin tưởng, bảo vệ Dennis và dùng tiền đồ của mình để bảo lãnh cho cậu ta. Lòng tin và công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng. Sau này Dennis đã trở thành một người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học máy tính và là một trong những cha đẻ của dự án Alice.

Với tài năng sư phạm, bằng cách khéo léo áp dụng phương pháp “giả đầu”mà ông học được từ huấn luyện viên bóng bầu dục Graham, Randy đã truyền cảm hứng cho các sinh viên của mình, tạo cơ hội cho họ phát huy khả năng lập trình. Không những thế, nhóm của ông đã xây dựng chương trình dạy học Alice, với mong muốn nâng đỡ ước mơ của nhiều người và giúp họ tiếp cận với hệ thống thế giới ảo. Phần mềm Alice chính là thành quả của tài năng, tâm huyết, khát vọng và sự đoàn kết của một tập thể mà ông là linh hồn.

Là một người cha, Randy đã để lại cho các con những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa về ước mơ, về sự trung thực, về lòng biết ơn, về tình yêu và về nghị lực để đương đầu với cuộc sống. Ông ra đi, để lại cho các con một sự mất mát không gì bù đắp được. Nhưng tôi tin rằng, khi đủ khôn lớn để đọc hiểu bài giảng và cuốn sách này, các con của ông sẽ không cảm thấy bất hạnh, mà ngược lại chúng sẽ rất tự hào, rất hạnh phúc vì tình yêu mà ông dành cho chúng, vì cái cách mà ông dạy chúng dù ông không thể ở bên cạnh chúng và vì những điều mà ông kỳ vọng ở chúng :“đừng cố hiểu ba muốn các con trở thành những con người như thế nào. Ba muốn các con trở thành người mà các con muốn trở thành.

Là một người chồng, Randy đã chuẩn bị, sắp đặt mọi thứ để giảm nhẹ gánh nặng trên vai Jai khi ông ra đi. Ông đã dành phần gần cuối cuốn sách để bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn đối với vợ của mình. Giây phút Randy cùng mọi người hát chúc mừng sinh nhật Jai ở cuối bài giảng thật xúc động. Nhưng càng xúc động hơn nữa khi Jai thì thầm vào tai Randy: “Xin anh đừng chết.”

Mục đích ban đầu của tôi khi đọc The last lecture là để tăng cường khả năng đọc hiểu tiếng Anh. Nhưng sau khi gấp lại trang sách cuối cùng, thứ còn đọng lại trong tôi là sự ngưỡng mộ đối với một người thầy, một người cha, một người chồng, một nhân cách lớn. Cuốn sách và bài giảng đã cho tôi những bài học nhỏ về đời, về nghề. Tôi hi vọng rằng cuốn sách cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều điều thú vị hoặc giúp bạn nhìn đời một cách lạc quan hơn.

Tôi xin mượn lời của Randy để kết thúc bài viết này
Brick walls are there for a reason. They give us a chance to show how badly we want something.
                                                                                                                                              NPT


------------------------------------------------------


Một số thông tin:
  • Cuốn sách này đã lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York trong suốt hơn 112 tuần kể từ lần xuất bản đầu tiên và được dịch sang 48 ngôn ngữ khác nhau [1].
  • Bài giảng Really Achieving YourChildhood Dreams trên Youtube.
  • Trang web The Last Lecture  http://www.thelastlecture.com/

------------------------------------------------------

Nguồn tham khảo

[1]  http://en.wikipedia.org/wiki/The_Last_Lecture
[2]  http://en.wikipedia.org/wiki/Randy_Pausch
[3]  http://duymanvu.wordpress.com/bai-gi%E1%BA%A3ng-cu%E1%BB%91i-cung/

Thuật xử thế của người xưa

Title: Thuật xử thế của người xưa
Author: Nguyễn Duy Cần
Publisher: NXB Trẻ
=====================

Khi đứa em họ tui giới thiệu cuốn này, tui định trả lại vì cứ tưởng đã đọc cuốn này ở đâu đó rồi. Mở ra xem một vài trang mới biết mình nhớ nhầm, thế là mượn về đọc. Chưa đầy một tuần lễ mà cả nhà (tui và ba mẹ vợ) đều say sưa nghiền ngẫm nó. Quả là một quyển sách đáng đọc và suy ngẫm.

Chỉ đọc qua một lần mà viết lời bình phẩm thì có tí vội vàng, vì quyển này khó mà nuốt trôi trong một sớm một chiều. Cần phải lật đi lật lại, khắc cốt ghi tâm, lại còn có mà thực hành nữa thì mới mong hiểu rõ những điều ghi trong đó.

Tui rất ghét những quyển sách "dạy khôn" bình thường, dạy người ta cách dùng cái lưỡi để thu phục người. Quyển sách nhỏ này, tuy cũng ghi là "thuật xử thế", nhưng tập trung vào dạy cái Tâm, để ta tự nhìn lại mà sửa mình, thông qua những bài học kinh điển của người xưa.

Hầu hết nội dung của cuốn sách dồn cả vào hai chương đầu, bàn về cái Tôi (lòng tự ái) và chữ Lễ. Các chương sau, dù tiêu đề có khác đi, nhưng chủ yếu xoay quanh hai vấn đề trên. Chương thứ năm dạy ta phải học chữ Nhẫn, vốn rất cần thiết cho những người mới cưới, hì hì. Dù nội dung khá hẹp, gói gọn trong một cuốn sách nhỏ chỉ khoảng một trăm trang, nhưng để thực hành đầy đủ có khi mất cả đời vẫn rèn chưa xong. Nói chi không học, không tu tâm thì biết bao giờ mới thành Nhân được.

Những câu chuyện trích dẫn trong quyển sách đa phần là những điển tích khá quen thuộc: chuyện Phạm Lãi và Câu Tiễn, Hàn Tín và Hán Vương, Lưu Bị và Tào Tháo,... và trích dẫn khá nhiều trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Tuy nhiên phân tích của cụ Nguyễn Duy Cần mới thật tài tình và mới mẻ.

Thí dụ như điển tích Nhan Súc đối đáp với vua. Nhiều sách (như Cổ học tinh hoa) thì ủng hộ khí phách của Nhan Súc, một hiền sĩ không khuất phục trước uy quyền của đế vương, lại khen tài ứng đáp. Tuy nhiên tác giả cho rằng Nhan Súc cố tình tỏ ra ngạo mạn để bào chữa cho cái thân phận thấp bé của mình, qua đó cho thấy cái tôi của Nhan Súc là lớn lắm. Rõ là cụ Nguyễn Duy Cần suy nghĩ thật thâm sâu, nhìn ra cốt lõi của sự việc.

Một vài chỗ, tác giả hơi dông dài, thí dụ như kể rất chi tiết câu chuyện của Hàn Tín để minh họa cho một kết luận không được khớp cho lắm. Nên chương 4 "Ân và Oán" tui không thấy tâm đắc lắm, có thể vì hiểu biết tui còn hạn hẹp. Chương này thực ra cũng ít liên quan đến ân oán, và trở lại nội dung hai chương đầu, bàn về cái tự ái nhiều hơn.

Không hẳn chỉ là chuyện bên Trung Quốc, tác giả còn đưa vào những điển tích phương Tây, cho thấy những điều đàm luận trong quyển sách không chỉ giới hạn ở xã hội Á Đông, mà tổng quát hơn, con người ở đâu cũng vậy cả.

Dù đem điển tích xưa ra làm ví dụ, và dù quyển sách này đã có cách đây hơn 50 năm, nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ lắm. Thời đại ngày nay có nhiều cởi mở hơn, khác xưa nhiều lắm, nên học điều xưa có hữu ích hay không, cái đó còn tuỳ thuộc vào khả năng lĩnh hội và ứng dụng của người học.