04 May, 2012

Thuật xử thế của người xưa

Title: Thuật xử thế của người xưa
Author: Nguyễn Duy Cần
Publisher: NXB Trẻ
=====================

Khi đứa em họ tui giới thiệu cuốn này, tui định trả lại vì cứ tưởng đã đọc cuốn này ở đâu đó rồi. Mở ra xem một vài trang mới biết mình nhớ nhầm, thế là mượn về đọc. Chưa đầy một tuần lễ mà cả nhà (tui và ba mẹ vợ) đều say sưa nghiền ngẫm nó. Quả là một quyển sách đáng đọc và suy ngẫm.

Chỉ đọc qua một lần mà viết lời bình phẩm thì có tí vội vàng, vì quyển này khó mà nuốt trôi trong một sớm một chiều. Cần phải lật đi lật lại, khắc cốt ghi tâm, lại còn có mà thực hành nữa thì mới mong hiểu rõ những điều ghi trong đó.

Tui rất ghét những quyển sách "dạy khôn" bình thường, dạy người ta cách dùng cái lưỡi để thu phục người. Quyển sách nhỏ này, tuy cũng ghi là "thuật xử thế", nhưng tập trung vào dạy cái Tâm, để ta tự nhìn lại mà sửa mình, thông qua những bài học kinh điển của người xưa.

Hầu hết nội dung của cuốn sách dồn cả vào hai chương đầu, bàn về cái Tôi (lòng tự ái) và chữ Lễ. Các chương sau, dù tiêu đề có khác đi, nhưng chủ yếu xoay quanh hai vấn đề trên. Chương thứ năm dạy ta phải học chữ Nhẫn, vốn rất cần thiết cho những người mới cưới, hì hì. Dù nội dung khá hẹp, gói gọn trong một cuốn sách nhỏ chỉ khoảng một trăm trang, nhưng để thực hành đầy đủ có khi mất cả đời vẫn rèn chưa xong. Nói chi không học, không tu tâm thì biết bao giờ mới thành Nhân được.

Những câu chuyện trích dẫn trong quyển sách đa phần là những điển tích khá quen thuộc: chuyện Phạm Lãi và Câu Tiễn, Hàn Tín và Hán Vương, Lưu Bị và Tào Tháo,... và trích dẫn khá nhiều trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Tuy nhiên phân tích của cụ Nguyễn Duy Cần mới thật tài tình và mới mẻ.

Thí dụ như điển tích Nhan Súc đối đáp với vua. Nhiều sách (như Cổ học tinh hoa) thì ủng hộ khí phách của Nhan Súc, một hiền sĩ không khuất phục trước uy quyền của đế vương, lại khen tài ứng đáp. Tuy nhiên tác giả cho rằng Nhan Súc cố tình tỏ ra ngạo mạn để bào chữa cho cái thân phận thấp bé của mình, qua đó cho thấy cái tôi của Nhan Súc là lớn lắm. Rõ là cụ Nguyễn Duy Cần suy nghĩ thật thâm sâu, nhìn ra cốt lõi của sự việc.

Một vài chỗ, tác giả hơi dông dài, thí dụ như kể rất chi tiết câu chuyện của Hàn Tín để minh họa cho một kết luận không được khớp cho lắm. Nên chương 4 "Ân và Oán" tui không thấy tâm đắc lắm, có thể vì hiểu biết tui còn hạn hẹp. Chương này thực ra cũng ít liên quan đến ân oán, và trở lại nội dung hai chương đầu, bàn về cái tự ái nhiều hơn.

Không hẳn chỉ là chuyện bên Trung Quốc, tác giả còn đưa vào những điển tích phương Tây, cho thấy những điều đàm luận trong quyển sách không chỉ giới hạn ở xã hội Á Đông, mà tổng quát hơn, con người ở đâu cũng vậy cả.

Dù đem điển tích xưa ra làm ví dụ, và dù quyển sách này đã có cách đây hơn 50 năm, nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ lắm. Thời đại ngày nay có nhiều cởi mở hơn, khác xưa nhiều lắm, nên học điều xưa có hữu ích hay không, cái đó còn tuỳ thuộc vào khả năng lĩnh hội và ứng dụng của người học.

2 comments:

  1. Mới thấy trên mạng một cuốn sách có tiêu đề y chang, nhưng của tác giả khác, và nội dung hoàn toàn khác. Nếu có mua sách này, bà con nhớ kiểm tra kỹ tên tác giả nhé!

    ReplyDelete
  2. Thức đã đọc xong cuốn sách này. Cuốn sách có nhiều điển cố, điển tích rất thấm thía, trong đó Thức ấn tượng nhất là câu chuyện về Lưu Bang và Hàn Tín, nói về đạo khiêm nhường. Bản thân mình ngẫm lại cũng thấy đôi lần phạm phải tính cao ngạo đáng xấu hổ này đối với cấp trên của mình. :)

    ReplyDelete

Cảm ơn bạn đã đọc và comment. Xin vui lòng cho biết quý danh .