21 September, 2013

“Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa–tập 2

Nguyên tác: Starring Tracy Beaker (1991)
Tác giả: Jacqueline Wilson

Bản dịch: “Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa – Tỏa Sáng
Người dịch: Mèo Ú
NXB Dân Trí (2013)

=========================

Tracy Cốc Nhựa, cô con gái yêu của minh tinh màn bạc nổi tiếng Hollywood, đã giành được cơ hội để chứng tỏ tài năng kế thừa của mẹ trong vở diễn “Giáng sinh yêu thương” của trường. Hơn thế nữa, cô bé sẽ vào vai diễn khó nhất mà nhiều diễn viên tài ba khác không thể đảm đương nổi. Nhưng … chỉ vài giờ trước buổi diễn, Tracy đã không nhớ nổi một lời thoại nào! Bản tính quạu cọ, hung hãn, chây lì có thể “giúp” nổi Tracy diễn xuất hòa thuận với các bạn diễn khác không? Liệu mẹ cô nhóc có đến xem màn “tỏa sáng” của Tracy không?

Một lần nữa bạn sẽ được dẫn qua nhiều tình tiết lôi cuốn, đầy bất ngờ với các nhân vật nhí hiện ra cực kỳ cá tính, rõ nét và đáng yêu. Bạn sẽ gặp lại Peter hay-tè-dầm, Justine Que Củi thiểu-năng-tự-mãn, cô Cam bê-bối-luộm-thuộm; và tất nhiên là một Tracy Cốc Nhựa tài ba xuất chúng phi phàm, một nhà văn tài hoa, diễn viên lừng danh đồng thời còn là họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng … trong tương lai nữa.

Không đơn thuần là một câu chuyện để giải trí. Rất rất nhiều tình huống mang tính giáo dục và diễn tả tâm lý thiếu nhi (và cả người lớn) được lồng vào truyện một cách hết sức tự nhiên khiến người đọc không hề có cảm giác gượng ép hay thiếu thực tế. Bạn sẽ không khỏi trầm trồ khả năng quan sát, thấu hiểu trẻ em và tài năng xây dựng tình tiết và nhân vật của tác giả. Tất nhiên một đóng góp to lớn vào sự thành công của tác phẩm là những hình minh họa hết sức dễ thương ngộ nghĩnh.

Tôi đọc hết những dòng cuối của quyển sách này vào lúc 2h khuya, mặc dù đêm hôm trước đã ngồi làm việc đến 4h sáng, sáng dậy sớm làm việc tiếp, người đờ đẫn, mắt ríu lại vì thiếu ngủ, nhưng lỡ lật quyển “tự truyện” của Tracy Cốc Nhựa ra là y như rằng không thể nào ngừng đọc được.

17 September, 2013

Confessions of an Economic Hit Man

Title: Confessions of an Economic Hit Man (2004)
Author: John Perkins
-----------------------------------------------------


Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy sự nghi hoặc. Từ nhỏ chúng ta được dạy phải tin rằng thế giới vận động dựa trên công lý, bình đẳng, nhân đạo. Chúng ta tin tưởng vào các hiệp ước quốc tế, các quyết định của Liên Hiệp Quốc, của các cường quốc như Mỹ Nhật. Nhưng thời nay chúng ta có quá nhiều câu hỏi để nghi ngờ niềm tin của chúng ta: Tại sao Mỹ đánh Iraq, Panama, etc, thì không gọi là khủng bố và không bị trừng phạt? Mỹ đòi đánh Syria vì sử dụng vũ khí hóa học, trong khi Mỹ rải chất độc màu da cam xuống VN. Tại sao Mỹ và châu Âu kêu gọi bảo vệ môi trường trong khi Mỹ không chịu ký tên vào Hiệp ước Kyoto?

Có nhiều cách giải thích cơ chế vận hành chính trị thế giới. Một lý thuyết được nhiều người theo đuổi và ngày càng phổ biến, gọi nôm na là Conspiracy Theory, cho rằng thế giới bị kiểm soát bởi một thiểu số ông chủ ngân hàng. Vì đa số con người làm việc vì tiền, nên ai quản lý được nguồn tài chính thì điều khiển được cả thế giới. Lý thuyết này có cơ sở nằm ở cơ chế in và cho vay tiền của các ngân hàng trung ương, đặc biệt ngân hàng trung ương Mỹ được phép in đô-la (Hãy nghĩ xem thế giới sẽ như thế nào nếu bạn cũng sở hữu một cái máy in tiền và giấy phép in tiền). Tuy nhiên theo ý tui thì lý thuyết này có phần cực đoan và chưa đầy đủ.

John Perkins đưa ra một cách nhìn mới hơn về chính trị thế giới (nói “mới” vậy chứ quyển sách này ra đời cách đây gần 10 năm rồi). Ông ta cho rằng thế giới “lộn xộn” như ngày nay là do mỗi cá nhân chúng ta đều (muốn) tham gia vào một hệ thống, ông ta gọi là corporatocracy, gồm những tập đoàn lớn, ngân hàng và chính phủ. Hệ thống này tìm cách bóc lột sức lao động rẻ bèo, vơ vét tài nguyên của các quốc gia khác để tồn tại và hưng thịnh. Để làm được điều đó, họ mua chuộc lãnh đạo các nước nghèo để ký kết các dự án khổng lồ đem lại lợi ích cho họ và một thiểu số lãnh đạo. Phần dân đen còn lại phải sống cảnh nô lệ, bị bóc lột, sống đói kém nghèo khổ. Đây là kịch bản được các đế quốc sử dụng khi xâm lược thuộc địa từ thời xa xưa, nay chỉ viết lại bằng ngôn ngữ, hình thức mới. Tại sao John Perkins biết được điều đó? Vì ông ta đã từng là “sát thủ kinh tế”, kẻ đã thuyết phục nguyên thủ của nhiều quốc gia cấu kết với Mỹ để bóc lột chính đất nước họ. Và đây là quyển “thú tội” của ông ta.

Quan điểm của ông Perkins linh động hơn vững chãi hơn Conspiracy Theory ở nhiều mặt. Nó giải thích được nhiều sự kiện lớn trên thế giới, thậm chí có thể đoán được tương lai nữa. Nó dựa trên tâm lý thông thường của con người (ham lương cao, địa vị, thích bổng lộc), lịch sử và thủ đoạn xâm lược của đế quốc (xây dựng chính quyền địa phương bù nhìn). Nó có động lực kinh tế (tìm kiếm thị trường). Và đặc biệt nó chỉ ra lý lẽ của hệ thống corporatocracy dùng để “ngụy biện” cho việc làm của họ. Những năm gần đây, hàng loạt quyển sách mới ra đời hỗ trợ cho quan điểm này, phê phán chủ nghĩa thực dân của (các tập đoàn) Mỹ.

Quyển sách đi nhiều vào concept (khái niệm) hơn là chi tiết, có lẽ tác giả muốn nhắm đến các độc giả phổ thông để họ hiểu và chung tay hành động. Nếu cần chi tiết hơn thì có thể tham khảo những quyển sách xuất bản sau này. Có khá nhiều chi tiết lấp lửng, không rõ ràng và không chặt chẽ mấy, hầu hết chỉ được đưa ra để bổ sung ý chính của tác giả chứ không phải để tranh luận. Do đó khi đọc khó tránh khỏi cảm giác bị áp đặt một chiều. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây là quyển sách tiên phong đề cập đến vấn đề to lớn này, ta nên xem nó như một lời mào đầu kiểu “phổ cập” hơn là một quyển sách khảo cứu kỹ lưỡng.

Quyển sách mang nhiều dấu ấn cá nhân, đúng kiểu của một quyển “tự bạch”. Điều này có ích để tăng tính thuyết phục của quyển sách, một khi độc giả hiểu rõ về tác giả, về quá trình ông ta gia nhập “sát thủ kinh tế”, về cảm nghĩ của ông ta qua từng phi vụ. Đặc biệt tác giả muốn thông qua việc kể về bản thân để khuyến khích độc giả cũng tự nghĩ về cuộc đời, tương lai của mình và con cái để cùng chung tay hành động. Tuy nhiên có lẽ cũng vì thế mà nhiều chỗ có vẻ phóng đại, hoặc có thể một phần do cảm xúc của tác giả bị lẫn lộn với bối cảnh lộn xộn của chính trị thế giới nên nó có vẻ không được tự nhiên. Khi tui đọc quyển này thì chỉ tập trung phần sự kiện và đọc sơ lược những đoạn tình cảm cá nhân.

Tui nghĩ đây là một quyển sách rất đáng đọc, và nhất định phải đọc nếu bạn quan tâm nhiều đến tương lai của bản thân và con cái. Tất nhiên sau khi đọc xong rồi chúng ta vẫn tiếp tục hướng tới làm việc cho các tập đoàn xuyên quốc gia, cho các ngân hàng hay cơ quan chính phủ, tiếp tục tìm kiếm sự sung sướng vật chất, tuy nhiên nhận thức được ý nghĩa việc mình đang làm cũng đã là một thành quả to lớn, trong thời đại xáo trộn mọi giá trị luận lý và nhân đạo ngày nay.

02 September, 2013

“Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa–tập 1

Nguyên tác: The story of Tracy Beaker (1991)Bia sach Sieu Quau Co
Tác giả: Jacqueline Wilson

Bản dịch: “Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa – Siêu quạu cọ
Người dịch: Crimson Mai – Phương Văn
NXB Dân Trí (2013)

=========================

Tôi ít đọc sách cho con nít. Có lẽ vì tôi có thành kiến không hay lắm với các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có thời tôi mê đọc “Cô tiên xanh” và “Tâm hồn cao thượng”, thực tình là vì tôi mê truyện tranh nói chung chứ hai bộ truyện ấy chẳng có gì ấn tượng, giờ tôi chẳng nhớ nổi một mẩu chuyện nào. Bởi lẽ cái đầu của tôi không hợp với nghệ thuật. Có thể các nhân vật trong “Cô tiên xanh” hay “Tâm hồn cao thượng” được yêu thích bởi rất nhiều người, nhưng với tôi thì chúng không hợp lý chút nào, toàn là bịa đặt phi lý, thật nhàm chán. Từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng tin có những đứa trẻ nào hồi bé xíu đã hòa đồng, nhân ái, rộng lượng … hơn tôi !!!

Qua thời cấp ba, chỉ có một nhân vật thiếu nhi mà tôi thích, đó là Tom Sawyer của ông Mark Twain. Mặc dù tác giả không phải trẻ trung gì nữa, nhưng thằng nhóc Tom đó thể hiện đúng cái bản chất con nít của nó, khác xa mấy “ông bà cụ non” trong mấy sách giáo dục công dân. Và tôi tự hỏi tại sao người lớn cứ kỳ vọng, và cố nhào nặn, lũ con nít cho giống họ. Người lớn lúc nào cũng hô hào “hãy là chính mình”, nhưng chẳng mấy khi họ cho phép người khác, đặc biệt là con nít, có cái đặc ân như họ tự ban cho chính bản thân. Tôi tìm thấy ở Tom một sự tự do, và ngược lại, thấy những người lớn xung quanh đang bị những sợi chỉ vô hình trói buộc, và họ tự hào bị như thế.

Nếu bạn đã từng thích thú với những mẩu chuyện về Tom Sawyer thì tôi dám chắc rằng bạn sẽ càng yêu quý cô bé Tracy Cốc Nhựa, một “Siêu quạu cọ”. Chỉ mới 10 tuổi nhưng cô bé thông minh cứng cáp này đã tự viết truyện về mình đấy, theo đúng văn phong của một nhà văn nhí (còn nhà văn thật thì thực ra chỉ mượn lại quyển nhật ký của cô bé rồi cho in thôi), lại có thêm nhiều hình tự minh họa ngộ nghĩnh. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống và những lần “quạu cọ” của Tracy trong Bãi Thải, nơi nuôi nấng những trẻ em mồ côi. Qua những câu chuyện tự kể, Tracy hiện lên như một ngôi sao sáng chói, một cô bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn, can đảm, lại tốt bụng thương người,… chỉ có điều là rất giỏi bịa chuyện thôi, hị hị.

Mạch truyện rất dồn dập, liên tục, không có chỗ ngắt cho bạn nghỉ mắt, mà nếu có thì chắc bạn cũng không muốn ngưng dòng cảm hứng. Các nhân vật đều rất dễ thương, hành vi của họ rất tự nhiên. Chỉ trừ Tracy Cốc Nhựa của chúng ta ra, bạn không thể đoán được trong vài dòng tới cô ấy sẽ làm gì, viết gì, rồi bạn sẽ lại thốt lên “Bó tay chấm cơm chấm canh với cô nhóc này!”. Thật đấy!

Sau cùng, tôi không cho rằng truyện này chỉ dành cho con nít, mặc dù hầu hết nhân vật trong truyện toàn là lũ con nít tè dầm khóc nhè chảy nước mũi. Tôi nghĩ nó cũng có ích cho các bậc cha mẹ trong việc thấu hiểu tâm tính con cái mình. Tôi mong nó sẽ giúp tất cả các bạn, cũng như nó đã giúp tôi, tìm lại quá khứ và củng cố tương lai của mình.

Tóm lại, một quyển sách rất đáng đọc!