31 May, 2013

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi–Tập 1

Nguyên tác: Being Happy!IMG_1262
Tác giả: Andrew Matthews

Tên bản dịch: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – tập 1
Người dịch: Dũng Tiến – Thúy Nga
NXB: NXB Trẻ

--------------------------------------------

Đây là quyển sách đầu tiên trong bộ 5 quyển “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” cùng tác giả của Nhà xuất bản Trẻ. Tôi mua 4 quyển đầu do Dũng Tiến – Thúy Nga dịch. Còn quyển thứ 5 do người khác dịch, nhìn sơ qua nội dung và hình thức không hay lắm. Lưu ý là sau sự thành công của loạt sách này có rất nhiều “hàng nháI’, khi mua nên kiểm tra cẩn thận tác giả tác phẩm và người dịch.

Trong series sách về lối sống, có lẽ đây là quyển hay nhất của Andrew Matthews. Mọi thứ bạn cần biết để làm chủ được cuộc sống đều nằm trong quyển sách này: những nguyên tắc xây dựng nên thói quen tốt, những sai lầm phổ biến, cách nhìn nhận vấn đề và cải thiện tình hình. Triết lý cơ bản của quyển sách khá thú vị: muốn thay đổi cuộc sống của bạn, trước hết phải thay đổi chính bản thân bạn đã. Người có thói quen “rỗng túi” sau khi trúng vé số một thời gian sẽ lại trở về tình trạng rỗng túi ban đầu. Dân gian ta cũng có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” ủng hộ triết lý rằng cuộc sống của chúng ta là do chính chúng ta xây dựng nên, chứ không phải do số phận hay may rủi.

Dù bắt đầu đọc quyển sách này từ lúc bước chân vào đại học, và luôn giữ nó trên kệ sách, nhưng mãi đến 10 năm sau (sáng nay) tui mới đọc hết nó. Tui thường lật quyển “bí kíp” này ra mỗi khi cảm thấy bế tắc, nhưng chỉ cần đọc một hai chương là cảm thấy được “khai sáng” ngay, các vấn đề tự nhiên biến mất. Dạo gần đây tui ráng đọc cho hết chỉ vì tò mò, nhưng cũng thu gặt được rất nhiều điều hay ở nửa sau của sách.

Cũng có nhiều quyển về lối sống và có tư tưởng na ná như quyển này, nhưng Andrew Matthews đã nổi trội hơn hẳn nhờ nguồn tư liệu phong phú, dẫn chứng thú vị và sáng tạo, kèm theo nhiều hình minh họa hài hước của chính tác giả (ông vốn là họa sĩ). Trong khi nhiều quyển khác chỉ đơn thuần là lý lẽ suông, lời lẽ sáo rỗng, lê thê như tụng kinh.

Andrew không đi sâu vào lý luận, thậm chí ông ta quan niệm cứ tiến hành đã rồi tìm hiểu nguyên nhân sau. Quyển sách này có tính thực tiễn cao, rất sát với đời sống của chúng ta. Thí dụ trong chương đầu ông ta đưa ra những mẫu người “bao giờ cũng trễ hẹn” và “luôn thay đổi công việc”. Tui có những người bạn y chang như thế, và họ chẳng bao giờ ý thức được thói quen xấu đó của họ nên chẳng để tâm sửa chữa.

Một thí dụ khác, tác giả cho rằng nên viết ra những mục tiêu của mình. Tui có đọc ở chỗ khác khuyên rằng nên nói mục tiêu của mình cho người khác biết. Tác dụng là khiến ta có áp lực phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu, mà như Andrew giải thích, ta càng nghĩ nhiều về nó, ta càng tiến gần đến nó. Tui cũng quan sát thấy rằng những người ngại công khai mục tiêu của mình thường không tiến xa.

Để kết thúc, xin chép ra một đoạn trong “Lời nói đầu” của NXB Trẻ:

Một người đàn ông đang thất vọng cùng cực nói với một học giả: “Thế là hết! Tôi xong đời rồi! Tất cả tiền đã hết! Tôi đã mất tất cả!”. Nhà học giả hỏi: “Thế anh vẫn còn nhìn thấy, nghe thấy, đi lại … được đấy chứ?”. Người đàn ông đáp “Vâng”. Nhà học giả nói: “Vậy thì tôi cho là cái gì anh cũng còn, chỉ có tiền là mất!”.