26 December, 2013

Timebound (Chronos Files #1)

Title: Timebound (Chronos Files, tập 1)
Author: Rysa Walker
---------------------------------------

Đây là quyển đầu tiên trong bộ Chronos Files (thực ra tui đọc xong quyển này mới biết, hic). Vẫn là chủ đề du hành vượt thời gian, nhưng đây là truyện hướng tới đối tượng trẻ tuổi và giải trí chứ không phải là khoa học viễn tưởng.

Câu chuyện xoay quanh cô bé Kate, 17 tuổi, có khả năng du hành qua thời gian và không gian. Cùng với sự hỗ trợ của một vài nhân vật khác, cô phải tìm cách chống lại âm mưu thống trị thế giới của Saul, ông ngoại cô. Tuy nhiên hầu hết quyển đầu tiên là dành thiết lập nền tảng cho các diễn biến tiếp theo: giải thích hệ thống Chronos cho phép các nhà nghiên cứu trở về quá khứ, những sự kiện quái lạ xảy ra xung quanh Kate dẫn cô đến khả năng đặc biệt của mình… Phần nửa sau của quyển này là chuyến du hành của Kate về quá khứ để ngăn chặn âm mưu giết bà ngoại của mình.

Là một cây bút mới (đây là tác phẩm đầu tay của cô) nhưng tác giả đã thử thách bản thân với một bộ truyện nhiều tập. Tuy nhiên cô đã rất thành công! Mặc dù là truyện nhiều tập nhưng không vì thế mà diễn biến câu chuyện trở nên lề mề nặng nề. Ngược lại, tình tiết diễn ra rất nhanh, dồn dập khiến độc giả nhiều lúc phát ngộp và phải khựng lại để suy ngẫm dần. Đặc biệt, các chi tiết trong truyện đều gắn kết với nhau, bằng cách này hoặc cách khác. Đồng thời, vì các nhân vật có thể thay đổi quá khứ nên tình huống truyện thay đổi rất nhanh, rất khó đoán trước, và vì thế khiến nội dung truyện cực kỳ hấp dẫn.

Khung cảnh và diễn biến trong truyện diễn ra như một bộ phim: chiếc chìa khóa Chronos tỏa ánh sáng xanh dịu, các nhân vật kéo “màn hình ánh sáng” khi chuẩn bị du hành vượt thời gian, cảnh ngày hội Expo ở Chicago náo nhiệt tưng bừng với hàng trăm ngàn người đổ xô đến tham quan, mê cung tối tăm trong khách sạn của gã bác sĩ bệnh hoạn… Cảm xúc các nhân vật cũng rất tự nhiên như tính bướng bỉnh và bồng bột của Kate, sự ghen tuông của Trey và Kiernan, tính thô cộc của Connor, tính bảo thủ của Katherine,…

Đối với những độc giả chưa quen với nội dung phức tạp thì quyển này sẽ khiến bạn đau đầu. Một phần vì set-up của câu chuyện khá nhập nhằng. Vẫn còn nhiều chi tiết trong truyện mà tui chưa hiểu được. Một chỗ mà tui chưa ưng ý lắm là truyện này có hơi tí thiên về phụ nữ: hầu hết các nhân vật thường xuyên xuất hiện là nữ (Kate, Katherine, Prudence) và họ dành quá nhiều thời gian để nói chuyện, tranh luận, hăm dọa hơn là hành động. Có lẽ vì tác giả là nữ chăng???

Dẫu sao, một quyển truyện tiếng Anh khá dài (370 trang) đã khiến tui đọc hết trong vòng một tháng thì chắc chắn có một sức hút lớn. Hi vọng các bạn sẽ thích thú quyển này và các tập tiếp theo.

Ghi chú: Quyển này sẽ được xuất bản vào ngày 1/1/2014, tức là một tuần sau. (Phiên bản cũ, Time’s twisted arrow, được tung ra vào tháng 9/2012).

25 November, 2013

Roots of Human Behavior

Author: Viktor Reinhardt
Publisher: Animal Welfare Institute

===============

Ý tưởng của quyển sách này rất đơn giản: Sự tương đồng giữa hành vi con người và các loài động vật khác, đặc biệt loài linh trưởng như vượn, chó mèo. Chúng ta sẽ thấy động tác gãi đầu bứt tai khi gặp vấn đề nan giải, sự khóc lóc sợ hãi, động thái cúi rạp người bái phục, những cái ôm cảm thông,… đều có nguồn gốc sâu xa từ thủy tổ của chúng ta: loài vượn, và cùng chung đặc điểm với nhiều loài vật khác.

Sách chủ yếu là hình chụp các hành vi của con người và những hành vi tương tự ở động vật khác, kèm theo một vài giải thích cực kỳ ngắn gọn, nhiều khi khá trẻ con. Mặc dù ý tưởng viết rất hay nhưng bạn sẽ hơi tiếc tiền khi mua quyển sách này vì bạn sẽ đọc hết trong vòng … nửa tiếng đồng hồ. Nhiều hình chụp khá nghiệp dư, không thật đặc sắc và tiêu biểu khiến quyển sách có vẻ hơi sơ sài, thiếu sự đầu tư kỹ lưỡng.

21 September, 2013

“Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa–tập 2

Nguyên tác: Starring Tracy Beaker (1991)
Tác giả: Jacqueline Wilson

Bản dịch: “Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa – Tỏa Sáng
Người dịch: Mèo Ú
NXB Dân Trí (2013)

=========================

Tracy Cốc Nhựa, cô con gái yêu của minh tinh màn bạc nổi tiếng Hollywood, đã giành được cơ hội để chứng tỏ tài năng kế thừa của mẹ trong vở diễn “Giáng sinh yêu thương” của trường. Hơn thế nữa, cô bé sẽ vào vai diễn khó nhất mà nhiều diễn viên tài ba khác không thể đảm đương nổi. Nhưng … chỉ vài giờ trước buổi diễn, Tracy đã không nhớ nổi một lời thoại nào! Bản tính quạu cọ, hung hãn, chây lì có thể “giúp” nổi Tracy diễn xuất hòa thuận với các bạn diễn khác không? Liệu mẹ cô nhóc có đến xem màn “tỏa sáng” của Tracy không?

Một lần nữa bạn sẽ được dẫn qua nhiều tình tiết lôi cuốn, đầy bất ngờ với các nhân vật nhí hiện ra cực kỳ cá tính, rõ nét và đáng yêu. Bạn sẽ gặp lại Peter hay-tè-dầm, Justine Que Củi thiểu-năng-tự-mãn, cô Cam bê-bối-luộm-thuộm; và tất nhiên là một Tracy Cốc Nhựa tài ba xuất chúng phi phàm, một nhà văn tài hoa, diễn viên lừng danh đồng thời còn là họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng … trong tương lai nữa.

Không đơn thuần là một câu chuyện để giải trí. Rất rất nhiều tình huống mang tính giáo dục và diễn tả tâm lý thiếu nhi (và cả người lớn) được lồng vào truyện một cách hết sức tự nhiên khiến người đọc không hề có cảm giác gượng ép hay thiếu thực tế. Bạn sẽ không khỏi trầm trồ khả năng quan sát, thấu hiểu trẻ em và tài năng xây dựng tình tiết và nhân vật của tác giả. Tất nhiên một đóng góp to lớn vào sự thành công của tác phẩm là những hình minh họa hết sức dễ thương ngộ nghĩnh.

Tôi đọc hết những dòng cuối của quyển sách này vào lúc 2h khuya, mặc dù đêm hôm trước đã ngồi làm việc đến 4h sáng, sáng dậy sớm làm việc tiếp, người đờ đẫn, mắt ríu lại vì thiếu ngủ, nhưng lỡ lật quyển “tự truyện” của Tracy Cốc Nhựa ra là y như rằng không thể nào ngừng đọc được.

17 September, 2013

Confessions of an Economic Hit Man

Title: Confessions of an Economic Hit Man (2004)
Author: John Perkins
-----------------------------------------------------


Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy sự nghi hoặc. Từ nhỏ chúng ta được dạy phải tin rằng thế giới vận động dựa trên công lý, bình đẳng, nhân đạo. Chúng ta tin tưởng vào các hiệp ước quốc tế, các quyết định của Liên Hiệp Quốc, của các cường quốc như Mỹ Nhật. Nhưng thời nay chúng ta có quá nhiều câu hỏi để nghi ngờ niềm tin của chúng ta: Tại sao Mỹ đánh Iraq, Panama, etc, thì không gọi là khủng bố và không bị trừng phạt? Mỹ đòi đánh Syria vì sử dụng vũ khí hóa học, trong khi Mỹ rải chất độc màu da cam xuống VN. Tại sao Mỹ và châu Âu kêu gọi bảo vệ môi trường trong khi Mỹ không chịu ký tên vào Hiệp ước Kyoto?

Có nhiều cách giải thích cơ chế vận hành chính trị thế giới. Một lý thuyết được nhiều người theo đuổi và ngày càng phổ biến, gọi nôm na là Conspiracy Theory, cho rằng thế giới bị kiểm soát bởi một thiểu số ông chủ ngân hàng. Vì đa số con người làm việc vì tiền, nên ai quản lý được nguồn tài chính thì điều khiển được cả thế giới. Lý thuyết này có cơ sở nằm ở cơ chế in và cho vay tiền của các ngân hàng trung ương, đặc biệt ngân hàng trung ương Mỹ được phép in đô-la (Hãy nghĩ xem thế giới sẽ như thế nào nếu bạn cũng sở hữu một cái máy in tiền và giấy phép in tiền). Tuy nhiên theo ý tui thì lý thuyết này có phần cực đoan và chưa đầy đủ.

John Perkins đưa ra một cách nhìn mới hơn về chính trị thế giới (nói “mới” vậy chứ quyển sách này ra đời cách đây gần 10 năm rồi). Ông ta cho rằng thế giới “lộn xộn” như ngày nay là do mỗi cá nhân chúng ta đều (muốn) tham gia vào một hệ thống, ông ta gọi là corporatocracy, gồm những tập đoàn lớn, ngân hàng và chính phủ. Hệ thống này tìm cách bóc lột sức lao động rẻ bèo, vơ vét tài nguyên của các quốc gia khác để tồn tại và hưng thịnh. Để làm được điều đó, họ mua chuộc lãnh đạo các nước nghèo để ký kết các dự án khổng lồ đem lại lợi ích cho họ và một thiểu số lãnh đạo. Phần dân đen còn lại phải sống cảnh nô lệ, bị bóc lột, sống đói kém nghèo khổ. Đây là kịch bản được các đế quốc sử dụng khi xâm lược thuộc địa từ thời xa xưa, nay chỉ viết lại bằng ngôn ngữ, hình thức mới. Tại sao John Perkins biết được điều đó? Vì ông ta đã từng là “sát thủ kinh tế”, kẻ đã thuyết phục nguyên thủ của nhiều quốc gia cấu kết với Mỹ để bóc lột chính đất nước họ. Và đây là quyển “thú tội” của ông ta.

Quan điểm của ông Perkins linh động hơn vững chãi hơn Conspiracy Theory ở nhiều mặt. Nó giải thích được nhiều sự kiện lớn trên thế giới, thậm chí có thể đoán được tương lai nữa. Nó dựa trên tâm lý thông thường của con người (ham lương cao, địa vị, thích bổng lộc), lịch sử và thủ đoạn xâm lược của đế quốc (xây dựng chính quyền địa phương bù nhìn). Nó có động lực kinh tế (tìm kiếm thị trường). Và đặc biệt nó chỉ ra lý lẽ của hệ thống corporatocracy dùng để “ngụy biện” cho việc làm của họ. Những năm gần đây, hàng loạt quyển sách mới ra đời hỗ trợ cho quan điểm này, phê phán chủ nghĩa thực dân của (các tập đoàn) Mỹ.

Quyển sách đi nhiều vào concept (khái niệm) hơn là chi tiết, có lẽ tác giả muốn nhắm đến các độc giả phổ thông để họ hiểu và chung tay hành động. Nếu cần chi tiết hơn thì có thể tham khảo những quyển sách xuất bản sau này. Có khá nhiều chi tiết lấp lửng, không rõ ràng và không chặt chẽ mấy, hầu hết chỉ được đưa ra để bổ sung ý chính của tác giả chứ không phải để tranh luận. Do đó khi đọc khó tránh khỏi cảm giác bị áp đặt một chiều. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây là quyển sách tiên phong đề cập đến vấn đề to lớn này, ta nên xem nó như một lời mào đầu kiểu “phổ cập” hơn là một quyển sách khảo cứu kỹ lưỡng.

Quyển sách mang nhiều dấu ấn cá nhân, đúng kiểu của một quyển “tự bạch”. Điều này có ích để tăng tính thuyết phục của quyển sách, một khi độc giả hiểu rõ về tác giả, về quá trình ông ta gia nhập “sát thủ kinh tế”, về cảm nghĩ của ông ta qua từng phi vụ. Đặc biệt tác giả muốn thông qua việc kể về bản thân để khuyến khích độc giả cũng tự nghĩ về cuộc đời, tương lai của mình và con cái để cùng chung tay hành động. Tuy nhiên có lẽ cũng vì thế mà nhiều chỗ có vẻ phóng đại, hoặc có thể một phần do cảm xúc của tác giả bị lẫn lộn với bối cảnh lộn xộn của chính trị thế giới nên nó có vẻ không được tự nhiên. Khi tui đọc quyển này thì chỉ tập trung phần sự kiện và đọc sơ lược những đoạn tình cảm cá nhân.

Tui nghĩ đây là một quyển sách rất đáng đọc, và nhất định phải đọc nếu bạn quan tâm nhiều đến tương lai của bản thân và con cái. Tất nhiên sau khi đọc xong rồi chúng ta vẫn tiếp tục hướng tới làm việc cho các tập đoàn xuyên quốc gia, cho các ngân hàng hay cơ quan chính phủ, tiếp tục tìm kiếm sự sung sướng vật chất, tuy nhiên nhận thức được ý nghĩa việc mình đang làm cũng đã là một thành quả to lớn, trong thời đại xáo trộn mọi giá trị luận lý và nhân đạo ngày nay.

02 September, 2013

“Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa–tập 1

Nguyên tác: The story of Tracy Beaker (1991)Bia sach Sieu Quau Co
Tác giả: Jacqueline Wilson

Bản dịch: “Chuyện đời” của Tracy Cốc Nhựa – Siêu quạu cọ
Người dịch: Crimson Mai – Phương Văn
NXB Dân Trí (2013)

=========================

Tôi ít đọc sách cho con nít. Có lẽ vì tôi có thành kiến không hay lắm với các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có thời tôi mê đọc “Cô tiên xanh” và “Tâm hồn cao thượng”, thực tình là vì tôi mê truyện tranh nói chung chứ hai bộ truyện ấy chẳng có gì ấn tượng, giờ tôi chẳng nhớ nổi một mẩu chuyện nào. Bởi lẽ cái đầu của tôi không hợp với nghệ thuật. Có thể các nhân vật trong “Cô tiên xanh” hay “Tâm hồn cao thượng” được yêu thích bởi rất nhiều người, nhưng với tôi thì chúng không hợp lý chút nào, toàn là bịa đặt phi lý, thật nhàm chán. Từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng tin có những đứa trẻ nào hồi bé xíu đã hòa đồng, nhân ái, rộng lượng … hơn tôi !!!

Qua thời cấp ba, chỉ có một nhân vật thiếu nhi mà tôi thích, đó là Tom Sawyer của ông Mark Twain. Mặc dù tác giả không phải trẻ trung gì nữa, nhưng thằng nhóc Tom đó thể hiện đúng cái bản chất con nít của nó, khác xa mấy “ông bà cụ non” trong mấy sách giáo dục công dân. Và tôi tự hỏi tại sao người lớn cứ kỳ vọng, và cố nhào nặn, lũ con nít cho giống họ. Người lớn lúc nào cũng hô hào “hãy là chính mình”, nhưng chẳng mấy khi họ cho phép người khác, đặc biệt là con nít, có cái đặc ân như họ tự ban cho chính bản thân. Tôi tìm thấy ở Tom một sự tự do, và ngược lại, thấy những người lớn xung quanh đang bị những sợi chỉ vô hình trói buộc, và họ tự hào bị như thế.

Nếu bạn đã từng thích thú với những mẩu chuyện về Tom Sawyer thì tôi dám chắc rằng bạn sẽ càng yêu quý cô bé Tracy Cốc Nhựa, một “Siêu quạu cọ”. Chỉ mới 10 tuổi nhưng cô bé thông minh cứng cáp này đã tự viết truyện về mình đấy, theo đúng văn phong của một nhà văn nhí (còn nhà văn thật thì thực ra chỉ mượn lại quyển nhật ký của cô bé rồi cho in thôi), lại có thêm nhiều hình tự minh họa ngộ nghĩnh. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống và những lần “quạu cọ” của Tracy trong Bãi Thải, nơi nuôi nấng những trẻ em mồ côi. Qua những câu chuyện tự kể, Tracy hiện lên như một ngôi sao sáng chói, một cô bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn, can đảm, lại tốt bụng thương người,… chỉ có điều là rất giỏi bịa chuyện thôi, hị hị.

Mạch truyện rất dồn dập, liên tục, không có chỗ ngắt cho bạn nghỉ mắt, mà nếu có thì chắc bạn cũng không muốn ngưng dòng cảm hứng. Các nhân vật đều rất dễ thương, hành vi của họ rất tự nhiên. Chỉ trừ Tracy Cốc Nhựa của chúng ta ra, bạn không thể đoán được trong vài dòng tới cô ấy sẽ làm gì, viết gì, rồi bạn sẽ lại thốt lên “Bó tay chấm cơm chấm canh với cô nhóc này!”. Thật đấy!

Sau cùng, tôi không cho rằng truyện này chỉ dành cho con nít, mặc dù hầu hết nhân vật trong truyện toàn là lũ con nít tè dầm khóc nhè chảy nước mũi. Tôi nghĩ nó cũng có ích cho các bậc cha mẹ trong việc thấu hiểu tâm tính con cái mình. Tôi mong nó sẽ giúp tất cả các bạn, cũng như nó đã giúp tôi, tìm lại quá khứ và củng cố tương lai của mình.

Tóm lại, một quyển sách rất đáng đọc!

22 July, 2013

Tương lai trong tay ta

Tiêu đề: Tương lai trong tay ta (1961)IMG_1418
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
NXB: Văn Hóa Thông Tin (ấn bản 2011)

---------------------------------------------

Tuần rồi tui thực hiện một quyết định quan trọng, ảnh hưởng cả cuộc đời của tui … sau khi chết! Đó là đăng ký hiến xác nhân đạo cho y tế và khoa học. Sau khi tui die thì bang New York sẽ tùy ý sử dụng những bộ phận trên cơ thể vào mục đích y tế và nghiên cứu, và lo phần mai táng giùm luôn cho gia đình. Quyết định này một phần do ảnh hưởng của một người đi trước là cô bạn Diana, phần lớn là kết quả của quyển sách “Tương lai trong tay ta” của nhà nho Nguyễn Hiến Lê mà tui vừa đọc xong.

Tui vẫn luyến tiếc đã không tìm thấy và đọc quyển này sớm hơn, ít nhất là trước khi … lấy vợ, hi hi. Đây là toàn bộ những lời khuyên từ kinh nghiệm cuộc sống 50 năm của tác giả dành cho các bạn trẻ khoảng 25 tuổi. Ông Nguyễn Hiến Lê (chắc các bạn đều biết tên biết tiếng) viết quyển này năm 1961, một số chỗ không còn hợp thời, nhưng phần lớn vẫn là những quan niệm rất hay và mới mẻ ngay cả thời điểm hiện nay.

Đi từ phác họa một nhân sinh quan cho cuộc đời mình, tác giả thảo luận vấn đề sức khỏe, tự học, sự tu thân, quan niệm về tiền bạc, hạnh phúc, hôn nhân, và sau cùng là một vài lời khuyên về dự bị cho tuổi già. Trong đó ấn tượng mạnh nhất đối với tui là thuyết “Xã hội bất hủ” của Hồ Thích. Theo đó mỗi hành vi của chúng ta đều ảnh hưởng, không nhiều thì ít, đến người xung quanh, đến thế giới hiện tại và tương lai theo một cách nào đó ở một mức độ mà chính ta không thể lường trước được. Cộng với quan điểm giá trị của con người được đo ở lợi ích mà họ tạo ra cho cộng đồng, thì bổn phận của chúng ta trong cuộc đời là tự thân phải hạnh phúc và sau đó làm việc, dù lớn dù nhỏ, có ích cho đời.

Một quan điểm rất hay nữa là đạo Nhàn, mặc dù ở VN cũng có khá nhiều sách vở bàn về chuyện tìm thú vui trong cuộc sống rồi. Tuy nhiên Nguyễn Hiến Lê chỉ đưa ra đạo nhàn trong bối cảnh dùng nó để cân bằng với chí hướng muốn thành công của người trẻ, để dẫn tới một giải pháp ôn hòa là làm việc và nghỉ ngơi phải đúng mức độ.

Và còn nhiều điều hay khác nữa, các bạn thử tìm đọc xem nhé!

31 May, 2013

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi–Tập 1

Nguyên tác: Being Happy!IMG_1262
Tác giả: Andrew Matthews

Tên bản dịch: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – tập 1
Người dịch: Dũng Tiến – Thúy Nga
NXB: NXB Trẻ

--------------------------------------------

Đây là quyển sách đầu tiên trong bộ 5 quyển “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” cùng tác giả của Nhà xuất bản Trẻ. Tôi mua 4 quyển đầu do Dũng Tiến – Thúy Nga dịch. Còn quyển thứ 5 do người khác dịch, nhìn sơ qua nội dung và hình thức không hay lắm. Lưu ý là sau sự thành công của loạt sách này có rất nhiều “hàng nháI’, khi mua nên kiểm tra cẩn thận tác giả tác phẩm và người dịch.

Trong series sách về lối sống, có lẽ đây là quyển hay nhất của Andrew Matthews. Mọi thứ bạn cần biết để làm chủ được cuộc sống đều nằm trong quyển sách này: những nguyên tắc xây dựng nên thói quen tốt, những sai lầm phổ biến, cách nhìn nhận vấn đề và cải thiện tình hình. Triết lý cơ bản của quyển sách khá thú vị: muốn thay đổi cuộc sống của bạn, trước hết phải thay đổi chính bản thân bạn đã. Người có thói quen “rỗng túi” sau khi trúng vé số một thời gian sẽ lại trở về tình trạng rỗng túi ban đầu. Dân gian ta cũng có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” ủng hộ triết lý rằng cuộc sống của chúng ta là do chính chúng ta xây dựng nên, chứ không phải do số phận hay may rủi.

Dù bắt đầu đọc quyển sách này từ lúc bước chân vào đại học, và luôn giữ nó trên kệ sách, nhưng mãi đến 10 năm sau (sáng nay) tui mới đọc hết nó. Tui thường lật quyển “bí kíp” này ra mỗi khi cảm thấy bế tắc, nhưng chỉ cần đọc một hai chương là cảm thấy được “khai sáng” ngay, các vấn đề tự nhiên biến mất. Dạo gần đây tui ráng đọc cho hết chỉ vì tò mò, nhưng cũng thu gặt được rất nhiều điều hay ở nửa sau của sách.

Cũng có nhiều quyển về lối sống và có tư tưởng na ná như quyển này, nhưng Andrew Matthews đã nổi trội hơn hẳn nhờ nguồn tư liệu phong phú, dẫn chứng thú vị và sáng tạo, kèm theo nhiều hình minh họa hài hước của chính tác giả (ông vốn là họa sĩ). Trong khi nhiều quyển khác chỉ đơn thuần là lý lẽ suông, lời lẽ sáo rỗng, lê thê như tụng kinh.

Andrew không đi sâu vào lý luận, thậm chí ông ta quan niệm cứ tiến hành đã rồi tìm hiểu nguyên nhân sau. Quyển sách này có tính thực tiễn cao, rất sát với đời sống của chúng ta. Thí dụ trong chương đầu ông ta đưa ra những mẫu người “bao giờ cũng trễ hẹn” và “luôn thay đổi công việc”. Tui có những người bạn y chang như thế, và họ chẳng bao giờ ý thức được thói quen xấu đó của họ nên chẳng để tâm sửa chữa.

Một thí dụ khác, tác giả cho rằng nên viết ra những mục tiêu của mình. Tui có đọc ở chỗ khác khuyên rằng nên nói mục tiêu của mình cho người khác biết. Tác dụng là khiến ta có áp lực phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu, mà như Andrew giải thích, ta càng nghĩ nhiều về nó, ta càng tiến gần đến nó. Tui cũng quan sát thấy rằng những người ngại công khai mục tiêu của mình thường không tiến xa.

Để kết thúc, xin chép ra một đoạn trong “Lời nói đầu” của NXB Trẻ:

Một người đàn ông đang thất vọng cùng cực nói với một học giả: “Thế là hết! Tôi xong đời rồi! Tất cả tiền đã hết! Tôi đã mất tất cả!”. Nhà học giả hỏi: “Thế anh vẫn còn nhìn thấy, nghe thấy, đi lại … được đấy chứ?”. Người đàn ông đáp “Vâng”. Nhà học giả nói: “Vậy thì tôi cho là cái gì anh cũng còn, chỉ có tiền là mất!”.

25 April, 2013

Cùng đọc "Người Nhật mặc áo trái"

Tiêu đề: Người Nhật mặc áo trái
Tác giả: Nguyễn Minh Hải
**************************

Phải nói là từ lúc mới nghe tin "Người Nhật mặc áo trái" (NNMAT) chính thức được phát hành, tôi đã rất háo hức và mong chờ tới ngày được thưởng thức tác phẩm đầu tay của Minh Hải. Bởi trước hết tác giả là người mà tôi rất quen biết (haha), thêm nữa là chính tựa sách đã gây cho tôi một sự tò mò. Và hơn cả mong đợi, những câu chuyện của Minh Hải đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc, có khi phấn khích, thích thú vô cùng (vừa đọc vừa cười hí hí), có khi lại là sự sâu lắng đầy suy tư. Rất ngưỡng mộ và tự hào về tác giả! Cũng bằng lối viết quen thuộc (như trên blog) xưa nay, cuốn sách đã mang đến cho người đọc nhiều chi tiết "huyền bí" về xứ sở Phù Tang, và về những kỉ niệm "hành trang đường dài" chưa từng được kể trước đây của chính tác giả.


Trong NNMAT, những câu chuyện thời sinh viên được Minh Hải chọn lọc và viết lại bằng một văn phong giản dị rất riêng đã đem đến cho người đọc sự hình dung về một nước Nhật "không giống ai", hay một nước Nhật với những con người "đang mặc chiếc áo trái". Trong cảm nhận của tôi, hình ảnh "mặc áo trái" ở đây có hai ý nghĩa. Trước nhất đó là những điều khác biệt, hay khác lạ trong nét văn hóa đặc trưng của người Nhật, ví dụ như là "ở Nhật, khi gõ cửa chỉ gõ hai cái", rồi thì "người Nhật đặt giầy dép hướng ra phía ngoài cửa", hay "hiệu ứng Minna-de" rất lý thú... Nhưng có lẽ điều chính yếu nằm ở ý nghĩa thứ hai của nó, đó là những phẩm chất tốt đẹp của người dân Nhật Bản, tốt đẹp đến lạ kì và có chút gì đó... khó tin, giống như cái cảm giác sửng sốt và đầy thắc mắc khi ta nhìn thấy một ai đó đang mặc một "chiếc áo trái" vậy. Nó làm cho người đọc không khỏi hoài nghi rằng, có thật thế không, xã hội Nhật tồn tại những điều như vậy thật à, lối sống trật tự, ý thức cộng đồng cao, sự nhẫn nại, giỏi giang mà luôn luôn khiêm tốn...? Ngạc nhiên cũng đúng, bởi lẽ những điều tốt đẹp ấy xưa nay vẫn chính là "kim chỉ nam cho hành động" mà xã hội chúng ta (có lẽ không riêng gì Việt Nam) vẫn luôn mong muốn hướng đến (mà chưa có đạt được!). Những câu chuyện về các hoạt động học thuật, nghiên cứu ở Nhật cũng mang lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt là chi tiết kể rằng giáo sư Sawada (thầy hướng dẫn của Minh Hải) đã tự tay làm ra chiếc máy đông lạnh đến hơn âm 273 độ C nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu làm cho tôi hết sức thích thú và ngưỡng mộ. Những câu chuyện khác trên giảng đường của tác giả không chỉ khiến tôi nhớ lại thời đi học của mình mà còn đặt ra nhiều suy nghĩ, ưu tư. Cách dạy và học bên ấy thật khác với đất nước chúng ta, và để biết hiệu quả của nó thế nào thì chỉ cần nhìn vào những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật mà Nhật Bản đạt được cho tới nay sẽ rõ. Tuy vẫn biết rằng "trong dương có âm", nhưng những gì mà người dân xứ sở mặt trời mọc đã làm được thật khiến cho con người ta phải thán phục và ngưỡng mộ!

Tôi muốn đặc biệt chia sẻ cảm xúc của mình về chương V - "Câu lạc bộ ghita cổ điển." Đây có thể nói là chương mang lại cho tôi xúc động nhất. Có cảm giác như người đọc đang được xem một bộ phim ngắn đầy cảm xúc về tình đoàn kết, sự nổ lực và tính chuyên nghiệp của các bạn sinh viên Nhật Bản trong việc phấn đấu vì mục đích chung. Mạch cảm xúc cứ lặng im trôi treo từng trang giấy, có lúc gấp gáp, khi lại êm đềm, lôi cuốn sự theo dõi của người đọc cho tới tận gần cuối chương khi niềm hạnh phúc vỡ òa trong những tràng pháo tay vang dội dành cho thành công của đêm biểu diễn của câu lạc bộ ghita cổ điển mà Minh Hải là một thành viên. Trong sự thành công ấy có vị mặn chát của mồ hôi, nước mắt của sự khổ luyện, và còn có vị ngọt ngào của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa những người bạn trong một tập thể. Cuối chương, tất cả lại lặng im thanh bình mà đầy quyết liệt trong suốt 14 tiếng đồng hồ ngồi bên bàn học của tác giả nhằm chuẩn bị cho kì thi vào ngày hôm sau. Tôi cảm nhận rằng, đây là chương viết được Minh Hải dành cho nhiều tình cảm nhất, và đó phải là những tình cảm rất sâu đậm, rất chân thật.

Có lẽ tác giả đã phải rất trăn trở khi lựa chọn những câu chuyện đặc sắc nhất để kể với chúng ta về một nước Nhật "mặc áo trái", bởi lẽ quãng thời gian ở Nhật của Minh Hải lên đến 7 năm, có biết bao điều muốn nói, muốn viết. Qua NNMAT, với lối viết chân phương, gần gũi, và bằng những câu chuyện được chọn lọc phải nói là rất đắt, Minh Hải đã thành công trong việc khắc họa một cách đặc sắc hình ảnh một nước Nhật với bao điều "kì lạ" và "kì diệu", đồng thời tác giả cũng đã giữ được cho riêng mình những kỉ niệm đẹp về quãng đời sinh viên sôi nổi nơi xứ người.