14 July, 2012

Mật mã - Từ cổ điển đến lượng tử


Tiêu đề: Mật mã (tiếng Việt); The Code Book (tiếng Anh).
Tác giả: Simon Singh
Dịch giả: Phạm Văn Thiều, Phạm Thu Hằng
Thể loại: Khoa học
NXB: NXB Trẻ - 2009
*************************


Cuốn sách này có tên đầy đủ là Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử (The code book - The science of secrecy from ancient Egypt to quantum cryptography), do Simon Singh viết. Tác giả là một người nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục khoa học và truyền hình. Thực ra sau khi đọc cuốn sách này mình mới bắt đầu tìm hiểu về Simon Singh và biết ông đã nổi tiếng như thế nào, hóa ra ông chính là đạo diễn bộ phim tài liệu hấp dẫn mà mình đã từng xem "Định lý cuối cùng của Fermat" (Fermat's last Theorem). Thật tình là khi xem phim mình ít để ý đạo diễn mà chỉ quan tâm đến nội dung và diễn viên... nữ :D.


Trở lại với cuốn sách, đây là một tài liệu hết sức bổ ích cho những ai đam mê khoa học mật mã, toán học, máy tính hay thậm chí cả văn hóa và lịch sử. Xuyên suốt cuốn sách là một chuỗi liên tục các cuộc hành trình khám phá những điều bí ẩn về mã hóa và giải mã, từ thời cổ đại cho đến tận hôm nay. Các bức mật mã chứa đựng trong nó những âm mưu, thủ đoạn, sự toan tính và nghệ thuật kích thích niềm đam mê. Khoa học mật mã như là môt điểm mấu chốt, cốt lõi sâu xa nhất quyết định sự thành bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn của cá nhân một con người, hay liên quan tới vận mệnh một triều đại, một quốc gia, một dân tộc. Thậm chí, có những khám phá về mật mã đã đưa đến sự thay đổi cả lịch sử nhân loại. Tất cả những gì sôi động ấy chỉ gói gọn trong hơn 450 trang sách, thật là tài tình!


Mở đầu bằng vụ án về nữ hoàng Mary xứ Scotland vào thế kỷ thứ XVI , tác giả đã trở về thời quá khứ từ giai đoạn của Julius Caesar, các nhà mã hóa Ai Cập cổ đại, lịch sử đạo Hồi, sự phục hưng của châu Âu... đến thế chiến thứ I và thế chiến thứ II và sau cùng là mật mã hiện đại có sự tham gia của máy tính và vật lý lượng tử. Ngoài việc phân tích các kỹ thuật mã hóa và giải mã, tác giả cũng đã miêu tả các quá trình khám phá các bí mật về ngôn ngữ cổ để có thể giúp con người hiện đại ngày nay hiểu được những gì tổ tiên xa xưa đã nói. Một số nội dung mà mình thích nhất đó mà mật mã dịch chuyển Casesar, mật mã Vigenère, máy Enigma, phương pháp phân tích tần suất, và khóa mã công khai bởi sự giản đơn và dể hiểu. Riêng phần cuối cùng của cuốn sách trình bày về mật mã lượng tử, quả là một thách thức lớn nhất (riêng về vật lý lượng tử đã là một điều khó nuốt trôi rồi), nhưng "tiền nào của nấy", đó cũng là kỹ thuật có nội công thâm hậu nhất, hứa hẹn tạo ra một loại mật mã không thể nào giải nổi. Ấy, nhưng biết đâu, khoa học ngày một phát triển, các kỹ thuật hậu lượng tử sẽ giải quyết được bài toán này. Chẳng phải các kỹ thuật trước đây cũng đã từng có bước khởi đầu gian nan hay sao?


Trong mỗi phần kể chuyện về các phương pháp giải mã, tác giả thỉnh thoảng cũng có những chi tiết bên lề hết sức thú vị. Ví dụ như lúc nói đến phương pháp phân tích tần suất, một phương pháp dựa vào tính chất "thường lặp lại" của một ký tự trong một ngôn ngữ (ví dụ, trong tiếng Anh thì e là chữ cái thông dụng nhất, tiếp theo là t, a), có câu chuyện rằng, mình xin trích nguyên văn, "Năm 1969, môt tác giả người Pháp tên là Georges Perec đã viết cuốn La Disparition (Sự biến mất), một cuốn tiểu thuyết dày 200 trang mà trong đó không hề có từ nào chứa chữ cái e. Đáng kể hơn nữa là tiểu thuyết gia và nhà phê bình người Anh Gilbert Adair đã thành công trong việc dịch cuốn La Disparition sang tiếng Anh mà vẫn tuân thủ việc chừa ra chữ cái e của Perec. Bản dịch có tựa đề A Void, môt bản dịch rất đáng đọc..."


Phần phụ lục của cuốn sách khá nhiều. Trong đó nêu đầy đủ các thông tin có liên quan và các nguồn tham khảo dành cho những người bị mê hoặc bởi nội dung cuốn sách. Từ đây, các bạn có thể bắt đầu cho công cuộc khám phá bí mật của mật mã bằng việc tham gia cuộc thi "Mười bước tiến đến 15 ngàn đô-la" do tác giả cuốn sách tổ chức (thực ra nó vừa hết hạn vào ngày 1/1/2010, :D), hoặc tham gia vào việc giải mã bức thư nói về vị trí của kho báu của Beale ở bên Mỹ (cái này tới nay chưa ai làm được), hoặc tìm hiểu thêm một vài mật mã giản đơn có thể áp dụng như những trò chơi nhỏ trong sinh hoạt cộng đồng...


Cuốn sách được trình bày thật rõ ràng và dễ hiểu. Các lý thuyết mã hóa phức tạp đã được tác giả đơn giản hóa bằng những ví dụ thực tế, trực quan hay các hình vẽ minh họa. Vì vậy người đọc ít nhất cũng có thể thu thập cho mình những kiến thức cơ bản về mã hóa, cao tay hơn còn có thể tự tạo cho mình những mật mã riêng tư để có thể trao đổi thông tin với "đối phương" hay "đối tác" gì gì đó... một cách hết sức công khai mà lại không bị ai phát hiện. À không, chính xác là bị phát hiện mà không hiểu gì hết trơn.


Dĩ nhiên một cuốn sách hay nào cũng ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo mình thì ngoài việc xây dựng một bức tranh hoàn mỹ và đầy đủ về khoa học mật mã, cuốn sách này còn là lời tri ân đến các nhà mật mã học bởi những hi sinh cao cả mà (đáng tiếc) âm thầm của họ.

03 July, 2012

Trở Lại - Nguyễn Nhật Lâm


Tựa đề: Trở lại
Tác giả: Nguyễn Nhật Lâm
Thể loại: Tự truyện
---------------------------------------------------------------------

Một cuộc sách quá đặc biệt từ chính tác giả:
"Nổi tiếng với biệt hiệu Lâm “dế” hoặc “vua dế” vì Nguyễn Nhật Lâm (sinh 1986) từng làm chủ trang trại cung cấp dế cho toàn miền Bắc ở tuổi 22. Anh cũng từng làm giám đốc Công ty Truyền thông IDV; giám đốc Công ty Thực phẩm Dế Ngon; chủ nhà hàng Trại Găng Tửu. Đùng một cái (đầu năm 2011) anh dứt áo đi lang thang khắp Đông Nam Á trong gần 1 năm, từng xin ăn ở vài nơi để viết cuốn nhật ký Trở lại, vừa được NXB Văn học ấn hành 6.000 quyển, hiện đang có những buổi ra mắt và bán sách làm từ thiện khắp cả nước." (xem thêm tại Tiki)

Một cuốn sách có quá nhiều thứ hay ho để đọc và nhận chỉ với 106 trang sách. Một phiêu lưu ký thời hiện đại.
Ngay từ phần giới thiệu sách bên trên đã cho tôi nhiều nỗi sợ hãi và sự tò mò: làm sao ta có thể một mình không một xu dính túi mà đi được 7 nước: làm sao để sống, làm sao để di chuyển, làm sao để tránh những chuyện xui rủi-va chạm dọc đường. Và rồi tác giả đã kể cho chúng ta những "sự cố" còn đáng sợ hãi hơn thế, nhưng tất cả đều trôi qua một cách tự nhiên và tác giả vẫn lành lặn trở về ...viết sách. Chỉ riêng việc tự đối chọi với nỗi sợ hãi của bản thân khi phải tự mình giải quyết mọi thứ là đã quá đủ khiến ta lao vào đọc ngấu nghiến.

Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Steve Job đã từng nói rằng quá khứ và hiện tại luôn có những sự kết nối bất ngờ, và ông dẫn chứng rằng nếu ông không học một lớp nghệ thuật chữ viết thời trẻ thì chắc rằng chúng ta sẽ không có những font chữ thông dụng trên mọi thiết bị số ngày hôm nay. "Trở lại" cũng đã chứng minh điều tương tự, gần như mọi kĩ năng và vốn sống của tác giả bỗng trở nên ăn khớp và hữu dụng một cách kì lạ trong suốt cuộc hành trình. Đó là ngoại ngữ, là khả năng am hiểu về nghệ thuật dân gian, là bơi lội, là thiền, là đóng giày, v.v... Ở mỗi tình huống, những kĩ năng ấy đều được vận dụng hiệu quả đến mức khó tin.

Không có giới hạn nào cho bản thân chúng ta. Nguyễn Nhật Lâm đã làm rất nhiều nghề trên suốt cuộc hành trình, dù chỉ làm trong khoảng thời gian rất ngắn (chưa đến 1 tháng) nhưng nghề nào anh cũng thành công trên phương diện được người chủ hậu đãi. Anh cũng đã làm những nghề rất bình dân như đánh giầy, phụ quán, và thậm chí là ...ăn xin. Rõ ràng, không có một giới hạn nào cho chúng ta, dù là giới hạn trên nhất hoặc thấp nhất, miễn là chúng ta làm việc tốt và đat được mục đích của mình. Nhưng giới hạn ở đây thậm chí còn hơn thế nữa, đó là tác giả đã chọn một thử thách quá khó khăn và ngược lại với quan niệm về thành công của giới trẻ hiện tại, ngay cả bản thân tôi. Chắc hẳn nếu dùng từ "thành công", Nguyễn Nhật Lâm không thể được ca ngợi như ... Đặng Hồng Anh chẳng hạn (con trai của chủ tịch Sacombank), vì anh không giàu, anh cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho xã hội. Nhưng cái riêng của anh đặc sệt, anh dám làm những gì mình muốn và anh đã làm được. Đó là tiền đề để anh theo đuổi hạnh phúc chân chính. Tôi tin là như vậy.

02 July, 2012

VẬT LÝ ứng dụng trong đời sống hiện đại

Tiều đề: Vật Lý ứng dụng trong đời sống hiện đại
Tác giả: GS. Nguyễn Xuân Chánh
Thể loại: Khoa học
NXB: NXB Trẻ (2009)
==================

Một cuốn sách hay cho những người quan tâm đến kỹ thuật hiện đại. Cuốn sách bắt đầu bằng giải thích nguyên lý hoạt động của những vật dụng thường ngày như máy ảnh kỹ thuật số, truyền hình, lò vi ba, dần dần đến những kỹ thuật tiên tiến và cực kỳ mới mẻ như pin mặt trời, vật liệu chiết suất âm, vật liệu graphene.

Với 44 bài, cuốn sách giải thích cách hoạt động của rất nhiều loại kỹ thuật, hầu hết là công nghệ điện tử, trong phạm vi ứng dụng rộng rãi, kèm theo một ít thông tin về hoàn cảnh ra đời của công nghệ đó. Bạn sẽ hiểu được ống kính máy ảnh thường và máy ảnh của điện thoại di động khác nhau như thế nào, tại sao máy chụp CT hay MRI có thể cho hình ảnh 3D chi tiết của cơ thể, đặc biệt là não, thậm chí làm cách nào con tắc kè đổi màu, v.v. Những ai quan tâm đến nguyên lý của những công nghệ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống xung quanh và cả những kỹ thuật rất mới hứa hẹn đưa vào ứng dụng trong tương lai có thể tìm thấy nhiều điều bổ ích trong cuốn sách này.

Cuốn sách chuyên về các nguyên lý Vật Lý và chỉ giới thiệu sơ lược nên chỉ giúp người đọc có một cái nhìn tổng quan. Điều này có điểm lợi là ngay cả những người không chuyên vẫn có thể đọc được và có một khái niệm cơ bản về nguyên lý hoạt động của máy móc. Mặc dù vậy người đọc cũng cần một ít kiến thức cơ bản về Vật Lý (ít nhất cũng là Vật Lý ở truờng phổ thông) để có thể hiểu được.

Một nhược điểm của cuốn sách, đó là vì tác giả sưu tầm và dịch từ nhiều tài liệu nên hình minh hoạ không được đẹp và rõ ràng (vì copy từ tài liệu sưu tầm nên hình ảnh chất lượng không cao). Thứ hai là chú thích và đánh số hình rất sơ sài, nhiều thiếu sót. Sau cùng là một vài lỗi về độ lớn và đơn vị, thí dụ có chỗ tác giả chú thích 1 giga = 1 nghìn tỷ (thực tế 1 giga = 1 tỷ). Tuy nhiên những sơ suất này là khá nhỏ so với giá trị của kiến thức trình bày trong sách.