31 October, 2015

Cung Oán Ngâm Khúc

Cung Oán Ngâm Khúc chú giảiCung Oán Ngâm Khúc chú giải by Nguyễn Gia Thiều
My rating: 5 of 5 stars

Tiếng Việt, thơ Việt khó lòng đẹp hơn thế!

Phần nhận xét dành cho tác phẩm "Cung Oán Ngâm Khúc" của Nguyễn Gia Thiều:

Bài ngâm song thất lục bát chỉ dài 356 câu, xoay quanh nỗi chán chường, thất vọng, oán hận của một người cung phi đã từng được vua sủng ái nay bị bỏ quên trong cung cấm. Nội dung chỉ đơn giản có vậy! Toàn bài thơ không hề có diễn biến gì, chỉ đơn thuần tả cảnh tả tình, giống như một tập tranh: Bức tranh đầu tiên là một đêm thu vắng vẻ gió lạnh, người cung phi một mình thui thủi xót xa phận mình. Bức thứ hai là thời con gái của nàng, một thiếu nữ kiều diễm tài hoa kiêu hãnh. Bức thứ ba, có vẻ không liên quan đến cung phi cho lắm, tả cuộc đời trần ai lắm khổ đau, phù du như giấc mộng. Bức thứ tư là những tháng ngày nàng được vua sủng hạnh, những sớm trưa chầu chực bên vua. Bức tranh thứ năm lại là những ngày u tối buồn bã mong mỏi oán hận trong cung cấm khi nàng bị vua quên lãng. Sau cùng chúng ta được trở lại bức tranh thứ nhất, nàng chưa kịp chợp mắt thì trời đã sáng, nàng nghĩ về những ngày còn lại của đời mình.

Bài ngâm thuần tả tình (tả cảnh cũng chỉ nhằm mục đích tả tình), xuất phát từ thân phận bị phũ phàng, cung nữ giãi bày mọi ngóc ngách trong cõi lòng mình. Mọi thang bậc cảm xúc, mọi khía cạnh của tâm hồn đều được khai thác triệt để, thật tài tình!

Đáng nói hơn là về bút pháp. Cách dùng từ đặt câu rất kiểu cách nên khó hiểu, nếu không nhờ chú giải cặn kẽ e là không hiểu được hoặc hiểu nhầm ý. Một khi đã hiểu ý nghĩa câu thơ, ta sẽ thấy tài nghệ của nhà thơ thật cao thâm! Hãy lấy thí dụ bằng hai câu thơ sau:

"Lầu đãi-nguyệt đứng ngồi dạ-vũ,
Gác thừa-lương thức ngủ thu-phong"

"Đãi-nguyệt" là chờ ngắm trăng, "dạ-vũ" tức đêm mưa. Trong một đêm mưa (tức không thể thấy trăng) mà cung phi lủi thủi ra lầu đãi-nguyệt, hết đứng rồi lại ngồi. Chắc hẳn không phải là để ngắm trăng mà vì tưởng nhớ những ngày cùng vua ngồi ngắm trăng ở chốn này, nay nhớ vua quá nên một mình ra ngồi trông ngóng (trong tuyệt vọng). "Thừa-lương" là hóng gió mát, "thu-phong" là gió (lạnh) mùa thu. Đang cơn gió lạnh mà cung phi một mình ra gác thừa-lương, hết thức rồi lại ngủ, chắc không phải để hóng gió lạnh, mà vì nhớ những ngày cùng vua hóng gió nơi này nên một mình ra trông ngóng tìm lại cảm giác xưa. Chỉ bằng hai câu thơ mà tác giả diễn tả được một nỗi nhớ nhung, tha thiết, mong đợi và tuyệt vọng đến điên dại. Ấy là chưa kể hai câu thơ đối rất cân với nhau, đồng thời "dạ-vũ" và "thức ngủ" lại vần với nhau nữa. Thật là đẹp!

Hoặc tả cảnh đêm thu hiu quạnh

"Giọt ba-tiêu thánh thót cầm canh
Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh
Vách sương nghi ngút, đèn xanh lờ mờ"

Bên ngoài mưa rả rích, nước đọng trên lá (chuối) ba-tiêu thỉnh thoảng rơi xuống tạo ra tiếng "cầm canh", chứng tỏ đêm mưa vắng vẻ hiu quạnh ghê lắm. Bờ tường thì sương phủ kín, mờ mờ ảo ảo, lại có thêm ánh đom đóm lập lòe, trong phòng thì đèn ngọn xanh lờ mờ. Tả căn phòng cô quạnh của cung phi mà ta có cảm giác như tả cảnh ngoài nghĩa trang, thật không gì u ám sầu não hơn.

Nhận xét dành cho phần chú giải của Lê Văn Hòe:

Quả thực nếu không được chú giải tỉ mỉ cẩn thận e là tác phẩm này khó đến được với người đọc bình dân. Sách chú giải từng chữ từng từ, giảng giải các điển tích liên quan, liên kết với bối cảnh và thân thế của nhà thơ, giúp người đọc có hiểu biết cụ thể, rõ ràng về ý nghĩa của câu thơ. Lê Văn Hòe còn so sánh và phê bình những cách hiểu khác mà theo ông là không hợp lý.

Điểm nổi bật trong cách chú giải của Lê Văn Hòe là ông kết nối ý của nhiều câu với nhau để tìm ra ý chung, từ đó mới đi tìm hiểu chi tiết từng từ từng câu một, như vậy đảm bảo cách hiểu bám chặt lấy nội dung chính của cả đoạn, cho nên nội dung chú giải rất nhất quán, trôi chảy và hợp lý.

Bài ngâm dài 356 câu, sách dầy 290 trang, trung bình mỗi câu thơ được dành ra gần một trang để chú giải. Thật là công phu! Chính nhờ phần chú giải mà người đọc học hỏi được nhiều hơn về tiếng Việt và thơ Việt.

View all my reviews

Trước khi kết bài, xin giới thiệu một bản nhạc bày tỏ cùng nỗi lòng với nàng cung phi đáng thương của chúng ta. Đó là bản “Memory” trong vở nhạc kịch “Cats” bởi nhà soạn nhạc lừng danh Andrew Lloyd Webber.