26 May, 2014

Mistakes were made (but not by me)

Mistakes Were Made (But Not by Me): Why We Justify Foolish Beliefs, Bad Decisions, and Hurtful Acts

Title: Mistakes were made (but not by me)
Authors: C.Tavris & E.Aronson


Hai nhà tâm lý học C.Tavris và E.Aronson dành trọn một quyển sách để bàn luận về một trong những hành động khó thực hiện nhất của con người: nhận lỗi! Cũng từ việc không thể nhận ra những sai sót của bản thân nên sinh ra biết bao rắc rối và đau khổ, từ chuyện nhỏ nhặt như cãi vã nhau đến cả chiến tranh.

Phần đầu của quyển sách sơ lược về lý thuyết “cognitive dissonance” mà hệ quả của nó là “self-justification” (tự bào chữa). Não bộ của chúng ta luôn có nhu cầu phải nhất quán mọi sự kiện, do đó tìm cách sửa đổi thông tin, tức cách chúng ta nhìn nhận và ghi nhớ sự kiện, sao cho có lợi cho mình nhất. Kết quả ai cũng nghĩ mình làm những điều đúng, bản thân ta là người tốt. Vậy ai là thủ phạm của mọi điều xấu xa?

Một sự thật kinh hoàng được bàn luận rất kỹ là trí nhớ của chúng ta không phải là nơi lưu trữ thông tin đáng tin cậy. Thực tế là trí nhớ bị sửa đổi, tẩy xóa rất nhiều lần tùy thuộc vào quan điểm mới của chúng ta. Thậm chí sự tồn tại của “trí nhớ giả” (false memory) lại rất phổ biến, người ta có thể “nhớ lại” những sự việc chưa hề xảy ra!

Phần sau của quyển sách vận dụng hai tính chất của bộ não ở trên để đi sâu vào vài thí dụ điển hình: Những người bị “trí nhớ giả” làm nhân chứng trong tòa án, thậm chí chính họ “tự thú” những tội ác họ không hề làm; cảnh sát ép cung nghi can; tòa án phán xét sai lầm; vợ chồng cãi nhau đến nỗi ly dị; xung đột giữa các nhóm người và chiến tranh. Tất cả đều có một điểm chung là sự bảo thủ, niềm tin tuyệt đối vào một giả thuyết mà ngay cả khi hậu quả xảy ra cũng không ai nhận ra mình đã sai. Hai trường hợp sau (hôn nhân và chính trị) thì tôi nghĩ rằng tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết “cognitive dissonance” hơi thái quá vì thực chất hai trường hợp này đều phức tạp hơn nhiều chứ không đơn thuần do người ta cố chấp mà ra.

Sách viết rất dễ hiểu và lôi cuốn với nhiều minh họa bằng những kết quả nghiên cứu nghiêm túc, những sự kiện có thật và nổi bật. Sau cùng, quyển sách thực sự rất bổ ích giúp chúng ta có cái nhìn khắt khe hơn với những niềm tin cố hữu của bản thân, tự chất vấn bản thân và có thể nhận ra sai sót để sửa chữa. Tất nhiên việc nhận ra sai lầm không phải là dễ dàng gì, nhưng ít ra biết được cơ chế của ngụy biện và bảo thủ sẽ giúp chúng ta cảnh giác với chúng hơn rất nhiều. Tôi cũng đã qua cái thời thích đọc một câu chuyện nhỏ rút ra một (vài) bài học lớn, bây giờ tôi thích đọc một quyển sách dày nhưng chỉ tập trung vào một bài học nhỏ thôi, và đây là một quyển như thế.