26 June, 2020

Leaving China

Tiêu đề: Leaving China
Tác giả: James McMullan
Xuất bản: Algonguin Books (a division of Workman Publishing)
Năm xuất bản: 2014.
--------------------------------------------------

Trang bìa cuốn sách Leaving China

Leaving China là hồi ức (a memoir in paintings and words) về gia đình và thời thơ ấu của chính tác giả, họa sĩ James McMullan, trọng tâm là giai đoạn từ khi thế chiến thứ 2 bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc.

Ông bà nội của tác giả, James và Lily McMullan, từ Ireland và England đến Trung Quốc để truyền đạo và gặp nhau tại Yangchow (Dương Châu?) vào năm 1887. Sau đó họ chuyển đến thị trấn Cheefoo với hai bàn tay trắng và phải tự tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người, trong khi vẫn phải luôn đảm bảo nhiệm vụ chính của mình. Sau những nổ lực không ngừng nghỉ và nhờ vào sự tháo vát của hai vợ chồng, họ đã gầy dựng nên được một cơ ngơi to lớn với việc xây dựng trại mồ côi, xây trường học, lập nên tổ chức Cheefoo Industrial Mission và sau này là công ty James McMullan Company. Họ có bốn người con và đều thành đạt. Trong đó James Jr. là người con thứ 3 sau này đã đi Canada học đại học về âm nhạc rồi trở về cùng cô dâu Rose Fenwick và… hai người con riêng của cô ấy. James Jr và Rose chính là cha và mẹ của cậu bé James McMullan, người sau đó được sinh ra tại thị trấn Cheefoo này. Dĩ nhiên với một gia thế như vậy, James hoàn toàn “sống trong nhung lụa” với một bà vú nuôi người Trung Quốc, một tài xế đưa đón khi đến trường và nhiều người hầu khác trong gia đình.

Tác giả và mẹ, Rose, lúc còn ở Cheefoo (China) khoảng năm 1937
(source: http://artpulsemagazine.com/an-interview-with-james-mcmullan)

Có một chi tiết quan trọng đó là, chính trong giai đoạn này niềm đam mê hội họa trong cậu bé James được hình thành. Cụ thể hơn, chính những bức tranh thủy mặc treo trên tường nhà đã mang lại cho cậu bé sự tò mò và tưởng tượng. Màu sắc của núi non, sương mây mờ ảo và thấp thoáng đâu đó bóng dáng ông lão đang ngồi thưởng trà dưới gội tùng gội bách chính là sự sống động của thiên nhiên đã để lại trong James nhiều ấn tượng sâu sắc.


Một vài hình ảnh trong sách


Thế chiến thứ 2 bùng nổ. Thị trấn Cheefoo thuộc hoàn toàn quyền kiểm soát của đế quốc Nhật. Đại gia đình McMullan cũng như nhiều người tây phương thuộc tầng lớp thượng lưu tại đây cảm thấy rất bức xúc trước sự cai trị và áp chế của binh lính và sĩ quan Nhật. Cha của tác giả quyết định tham gia vào lực lượng quân đội Anh quốc, thuộc phe đồng minh, và trở thành sĩ quan cấp cao trong cục tình báo quân sự tại Trung Quốc. Ông quyết định để hai mẹ con tác giả trở về quê ngoại (Canada) và đó là khởi nguồn của hành trình vòng quanh thế giới của hai mẹ con, từ Mỹ, Canada rồi quay về Ấn Độ, Trung Quốc, đến khắp mọi nơi để lánh nạn chiến sự, cuối cùng quay lại hội ngộ với người cha. Tuy nhiên, cậu bé James chỉ được gặp lại cha một lần duy nhất tại Darjeeling (Ấn Độ) mà thôi. Người sĩ quan ấy về sau đã hi sinh trong một tai nạn máy bay khi đang trên đường trở về đơn vị từ chuyến công tác tại trại tù binh Nhật. Lúc bấy giờ thế chiến thứ 2 cũng chỉ vừa kết thúc chưa được bao lâu. James được người đồng đội của cha, cũng là người đến báo hung tin, đưa về Chungking (Trung Quốc) nơi mẹ cậu đang đợi. Hai mẹ con sau đó chuyển đến Thượng Hải sinh sống. Một thời gian sau, khi quân đội Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đang dần chiếm ưu thế và sự rút lui của Tưởng Giới Thạch chỉ còn là vấn đề thời gian, hai mẹ con đã quyết định trở về quê ngoại ở Salt Spring Island (Canada). Đó cũng chính là mong muốn của cậu bé James.

Trong suốt hành trình của hai mẹ con tác giả, chúng ta không hề thấy hình ảnh đại loại “con nhà nghèo vượt khó” theo kiểu lấy nước mắt người đọc. Ngược lại, ta càng thấy rõ rằng, tác giả là tầng lớp “con ông cháu cha,” gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Thêm nữa là nhờ vào tài xoay sở, lanh lẹ của người mẹ (người mà chính tác giả nhận xét là cực giỏi tận dụng các mối quan hệ) mà hành trình của hai mẹ con hầu như khá êm đẹp (dù có lúc cũng gặp những tai nạn như bị té giường trong đêm trên tàu hỏa tại Ấn Độ) khi có được sự giúp đỡ của họ hàng, người quen và cả những nhà chức trách địa phương. Bên cạnh đó, người đọc cũng không bị áp đảo bởi những hình ảnh từ ngữ “đao to búa lớn.” Toàn bộ cuốn sách là một giọng văn nhẹ nhàng, đều đều như đúng bản chất của tác phẩm: kể lại hồi ức của tuổi thơ từ một người họa sĩ già lúc này đã hơn 70 tuổi. Sự hấp dẫn trong từng câu chuyện của tác giả ấy chính là hình ảnh về con người và cuộc sống qua cái nhìn rất thực, rất dễ thương của nhân vật cậu bé James. Những kỉ niệm về tình cha-con, mẹ-con, những người bạn thân gặp được trong mỗi lần bôn ba làm cho người đọc cảm động, hoài niệm. Bởi trong những câu chuyện của tác giả, ai đó có thể sẽ nhớ lại những suy nghĩ trẻ thơ của chính bản thân mình.

Một trang kép trong Leaving China với bên trái là câu chuyện và bên phải là hình minh họa


Sách không dày, chỉ 120 trang, được trình bày theo dạng mỗi trang bên trái là chuyện và mỗi trang bên phải là hình minh họa do chính tác giả thể hiện. Tôi thực sự ấn tượng với từng bức vẽ của ông bởi trông nó không chỉ là một bức tranh mà là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ với nhiều tâm huyết. Nó thường làm cho tôi phải chiêm ngưỡng rất lâu và tưởng tượng ra cả một cuốn phim xưa cũ trong đó vậy. Những gam màu sẫm, bao gồm vàng, lam, lục, và tím gợi lên một cảm giác xa xưa phù hợp cho việc mô tả những khung cảnh của cuộc sống đầu thế kỉ 20.

Cheefoo trong hồi ức của tác giả


Vài suy nghĩ riêng:

Leaving China làm tôi liên tưởng đến hoàn cảnh gia đình mình, cũng là những kẻ tha hương với những đứa con được sinh ra trên đất khách. Tôi nghĩ đến sự ra đi, xây dựng sự nghiệp của những di dân từ xưa đến nay. Tôi nghĩ đến sự gìn giữ sợi dây ràng buộc giữa các thế hệ trước và sau trong những gia đình ấy trước ảnh hưởng mạnh mẽ và trực diện của cuộc sống hiện tại. Tôi cho rằng với mỗi con người, dù là đông hay tây, thì tình thân vẫn luôn là một điều thiêng liêng nhất, trong đó có sự hi sinh và lòng biết ơn.

Tôi không biết có phải mình đã quá lãng mạn hay không khi (có vẻ như) đang suy diễn hơi nhiều về những câu chuyện giản đơn trong Leaving China. Nhưng tôi tin rằng mình vẫn chưa thể nhìn thấy hết được các tầng ý nghĩa sâu xa ẩn mình trong từng kí ức mà tác giả đã kể lại một cách sống động. Cũng giống như khi nghe một bản giao hưởng trứ danh, thường tôi chỉ đủ sức để cảm thấy thích thú bởi giai điệu vang lên làm đẹp cho cảm xúc, chứ chưa thể biết hết cái hay trong từng bước đi của nốt nhạc.

Sau khi đọc xong Leaving China, tôi đã vì ấn tượng mạnh mẽ của câu chuyện mà đã đi tìm hiểu thêm những chi tiết “ngoại truyện” của nó. Tôi được biết tác giả cuốn sách là một họa sĩ tài danh, thuộc hàng bestselling của New York Times, đặc biệt là trong lĩnh vực vẽ minh họa. Riêng về cuốn Leaving China thì chỉ vừa cách đây vài tuần khi bài viết này được viết xong, đã có hẳn một cuộc triển lãm về nó tại bảo tàng Norman Rockwell Museum (MA, USA). Đó là dịp để chúng ta nghe chính tác giả chia sẻ thêm nhiều chi tiết liên quan đến cuốn sách cũng như ký ức thời thơ ấu của mình.

Tôi cũng cố gắng đi tìm hiểu xem những địa danh nêu trong sách để biết nó ở đâu. Ví dụ, thị trấn cảng Cheefoo chính là thị trấn (quận) Chi Phù (Zhifu - 芝罘区), đó là một bán đảo thuộc thành phố Yên Đài (Yantai - 烟台市), tỉnh Sơn Đông (Shandong - 山东省). Tôi chợt nhớ tới những người thuộc tỉnh Sơn Đông mà tôi có dịp tiếp xúc. Ấn tượng của tôi về họ đó là cách nói uốn lưỡi đặc trưng cùng giọng địa phương rất nặng phải chú ý lắm mới có thể nghe và hiểu được (chi tiết này cũng được chính tác giả đề cập trong sách).

Câu chuyện thứ tư trong sách kể về một việc đau lòng. Rằng khi ông bà nội của tác giả tới thị trấn Cheefoo thì phát hiện ra tại nghĩa trang địa phương người ta xây một cái tháp hình vuông với bốn bức vách khá cao, chỉ để chừa một cái cổng nhỏ để ra vào. Thông thường những gia đình (đã) nghèo khó (mà) "lỡ" sinh ra một đứa con gái thì sẽ đem bỏ đứa trẻ sơ sinh đó vào trong lòng tháp để… quên đi. Tôi thật sự sốc khi đọc tới chi tiết này. Nó làm tôi nhớ tới cái bánh bao nhuộm máu người trong “Thuốc” của Lỗ Tấn, hay hình ảnh cái tháp cao trên đỉnh khu nhà tổ nơi hành hình những thành viên gia tộc mắc tội trong phim “Đèn lồng đỏ treo cao” của Trương Nghệ Mưu. Những thứ ấy cho thấy xã hội Trung Quốc thời bấy giờ nó mới tăm tối và lạc hậu, thậm chí dã man làm sao (ấy vậy mà ông Kim Dung cứ mượn mấy cái truyện kiếm hiệp để gọi người khác là mọi này rợ nọ). Rất may mắn là ông bà McMullan đã có được một giải pháp hữu hiệu để cứu những đứa trẻ sơ sinh ấy và dần dần cái sự việc đau lòng đó đã không còn tiếp diễn nữa.