23 November, 2015

Khói trời lộng lẫy–Nguyễn Ngọc Tư

Khói Trời Lộng LẫyKhói Trời Lộng Lẫy by Nguyễn Ngọc Tư
My rating: 4 of 5 stars

Nhận xét chung:
So với các tập truyện trước của cùng tác giả Nguyễn Ngọc Tư thì những truyện ngắn này cho thấy sự phát triển, trưởng thành trong tư duy, cách xây dựng truyện, nhân vật và văn phong.

Nhà văn mô tả cuộc sống và con người ở quê chân thực, gần gũi hơn, ít mang hơi hướng của trào lưu "ca ngợi bần cố nông" như trước. Chị Tư nhìn nhận cái tốt cái xấu của làng quê, người quê một cách đầy cảm thông và yêu mến. Câu văn tuy ngắn như dùng từ rất gợi hình gợi cảm, đặc biệt lồng vào rất nhiều từ địa phương tạo cảm giác gần gũi. Giọng văn tự nhiên, trầm bổng như thơ, rất điêu luyện. So với các tác phẩm trước thì nhà văn ít bị lỗi điệp từ (dùng một vài từ quá nhiều lần).

Về xây dựng cốt truyện: Đa phần các câu chuyện đều nhẹ nhàng, tuy nhiên vài chỗ quá lâm li bi đát một cách không cần thiết. Diễn biến câu chuyện khá nhanh, nếu nhà văn chịu viết dài hơn một tí thì có vẻ tự nhiên hơn. Một số truyện có tình tiết hoặc nhân vật hơi gượng ép, cầu kỳ.

Các nhân vật phụ trong truyện đều mang đậm chất quê, trừ nhân vật chính ra. Không biết nhà văn có bị lậm các tác phẩm kinh điển của Tây phương quá không, nhưng nhân vật chính ở hầu hết các truyện đều không mang dáng dấp một người nhà quê, ngược lại có những suy nghĩ và hành động rất phóng khoáng, lãng mạn, quý phái, như một công chúa tóc vàng hơn là một con bé đen đủi quê mùa.

Nhận xét riêng cho vài truyện ngắn trong tuyển tập:
Thềm nắng sau lưng: Rất ấn tượng vì một nữ nhà văn có thể thấu hiểu và diễn tả được nội tâm của những gã (mang dòng máu) giang hồ. Truyện tuy nhẹ nhàng nhưng chứa đựng một sự cảm thông hết sức sâu sắc.

Có con thuyền đã buông bờ: Câu chuyện tự nhiên, dễ thương, có phần lậm bài hát "Đôi mắt người xưa" thì phải. Nhân vật chính hiện ra rất thực và rất đẹp.

Rượu trắng: Ý tưởng viết về rượu và những người đàn bà nấu rượu rất hay, lột tả được hai mặt của con người, của cuộc sống.

Nước như nước mắt: Câu chuyện có lẽ hay, nếu không vì cái kết quá lãng nhách, rập khuôn các bi kịch trong các tác phẩm Tây. Nhà văn còn cố tình tỏ ra mập mờ về cái kết để thêm phần ly kỳ. Mặc dù cách kể chuyện rất hay, nhưng diễn biến thì giống kịch bản phim hơn.

Cảm giác trên dây: Dở ẹt! Đề tài người phụ nữ có gia đình êm ấm nhưng bị "say nắng" bởi trai tơ đã xưa như Trái Đất. Nhân vật khá cực đoan, một bên thì toàn vẹn mọi thứ, bên kia là trùm băng đảng có hoàn cảnh gia đình éo le. Kết cục cũng hụt hẫng, không nói lên ý nghĩa gì.

Khói trời lộng lẫy: Truyện dài nhất, bằng 1/3 cả tập truyện, và được chọn làm tiêu đề của cả tập truyện. Khổ nỗi lại lê thê, chắp vá, lan man. Ý tưởng viết về cái đẹp và sự mất mát rất hay, tuy nhiên đề tài này rất trừu tượng và cần sự đầu tư nghiêm túc hơn.
Nhà văn chọn cách kể đan xen các bối cảnh. Cách kể này có hiệu quả khi các tình tiết có sự liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên các nội dung trong truyện này rất chắp vá, không gắn kết với nhau. Thí dụ nhân vật Nhứt xuất hiện trong một đoạn, rồi biến mất luôn không để lại tăm hơi gì. Nhân vật Lam cũng thế. Ngay cả ông Sáu Câu, rồi nhân vật xuất hiện nhiều nhất là Anh (người tình của nhân vật chính) đến phần kết cũng không thấy bóng dáng đâu.
Đọc xong không hiểu cốt truyện là gì! Cứ tưởng là câu chuyện tình giữa nhân vật "Tôi" và Anh, đến cuối truyện mới té ngửa hóa ra không phải! Nhân vật chủ chốt là Phiên, ngặt nỗi nó chẳng liên quan gì tới các nhân vật khác cả, và câu chuyện xoay quanh nó rất ngắn.
Nhân vật "Tôi" có tính cách rất khó hiểu: Luôn là một người đầy tâm tư, lại rất hiểu biết về con người, cao ngạo, phán xét mọi thứ như thánh, nhưng lại có những hành động chẳng ra gì, thí dụ nói đùa "Em có thai rồi" xong chia tay. Sau lại bắt cóc em trai mình, đến khi nó hiểu ra sự thật thì "Tôi" chọn giải pháp tự thiêu. Trong khi các nhân vật các đều khá rập khuôn thì nhân vật "Tôi" khác biệt, nổi trội hẳn, có lẽ là hình ảnh tưởng tượng của chính tác giả chăng?
Ngẫm kỹ thì thấy dụng ý của tác giả là liệt kê các mất mát trong cuộc đời của "Tôi", từ đó dẫn tới vụ tự thiêu. Ý tưởng thì tốt, nhưng cách kết nối sự kiện như thế e là chưa đạt.

View all my reviews

31 October, 2015

Cung Oán Ngâm Khúc

Cung Oán Ngâm Khúc chú giảiCung Oán Ngâm Khúc chú giải by Nguyễn Gia Thiều
My rating: 5 of 5 stars

Tiếng Việt, thơ Việt khó lòng đẹp hơn thế!

Phần nhận xét dành cho tác phẩm "Cung Oán Ngâm Khúc" của Nguyễn Gia Thiều:

Bài ngâm song thất lục bát chỉ dài 356 câu, xoay quanh nỗi chán chường, thất vọng, oán hận của một người cung phi đã từng được vua sủng ái nay bị bỏ quên trong cung cấm. Nội dung chỉ đơn giản có vậy! Toàn bài thơ không hề có diễn biến gì, chỉ đơn thuần tả cảnh tả tình, giống như một tập tranh: Bức tranh đầu tiên là một đêm thu vắng vẻ gió lạnh, người cung phi một mình thui thủi xót xa phận mình. Bức thứ hai là thời con gái của nàng, một thiếu nữ kiều diễm tài hoa kiêu hãnh. Bức thứ ba, có vẻ không liên quan đến cung phi cho lắm, tả cuộc đời trần ai lắm khổ đau, phù du như giấc mộng. Bức thứ tư là những tháng ngày nàng được vua sủng hạnh, những sớm trưa chầu chực bên vua. Bức tranh thứ năm lại là những ngày u tối buồn bã mong mỏi oán hận trong cung cấm khi nàng bị vua quên lãng. Sau cùng chúng ta được trở lại bức tranh thứ nhất, nàng chưa kịp chợp mắt thì trời đã sáng, nàng nghĩ về những ngày còn lại của đời mình.

Bài ngâm thuần tả tình (tả cảnh cũng chỉ nhằm mục đích tả tình), xuất phát từ thân phận bị phũ phàng, cung nữ giãi bày mọi ngóc ngách trong cõi lòng mình. Mọi thang bậc cảm xúc, mọi khía cạnh của tâm hồn đều được khai thác triệt để, thật tài tình!

Đáng nói hơn là về bút pháp. Cách dùng từ đặt câu rất kiểu cách nên khó hiểu, nếu không nhờ chú giải cặn kẽ e là không hiểu được hoặc hiểu nhầm ý. Một khi đã hiểu ý nghĩa câu thơ, ta sẽ thấy tài nghệ của nhà thơ thật cao thâm! Hãy lấy thí dụ bằng hai câu thơ sau:

"Lầu đãi-nguyệt đứng ngồi dạ-vũ,
Gác thừa-lương thức ngủ thu-phong"

"Đãi-nguyệt" là chờ ngắm trăng, "dạ-vũ" tức đêm mưa. Trong một đêm mưa (tức không thể thấy trăng) mà cung phi lủi thủi ra lầu đãi-nguyệt, hết đứng rồi lại ngồi. Chắc hẳn không phải là để ngắm trăng mà vì tưởng nhớ những ngày cùng vua ngồi ngắm trăng ở chốn này, nay nhớ vua quá nên một mình ra ngồi trông ngóng (trong tuyệt vọng). "Thừa-lương" là hóng gió mát, "thu-phong" là gió (lạnh) mùa thu. Đang cơn gió lạnh mà cung phi một mình ra gác thừa-lương, hết thức rồi lại ngủ, chắc không phải để hóng gió lạnh, mà vì nhớ những ngày cùng vua hóng gió nơi này nên một mình ra trông ngóng tìm lại cảm giác xưa. Chỉ bằng hai câu thơ mà tác giả diễn tả được một nỗi nhớ nhung, tha thiết, mong đợi và tuyệt vọng đến điên dại. Ấy là chưa kể hai câu thơ đối rất cân với nhau, đồng thời "dạ-vũ" và "thức ngủ" lại vần với nhau nữa. Thật là đẹp!

Hoặc tả cảnh đêm thu hiu quạnh

"Giọt ba-tiêu thánh thót cầm canh
Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh
Vách sương nghi ngút, đèn xanh lờ mờ"

Bên ngoài mưa rả rích, nước đọng trên lá (chuối) ba-tiêu thỉnh thoảng rơi xuống tạo ra tiếng "cầm canh", chứng tỏ đêm mưa vắng vẻ hiu quạnh ghê lắm. Bờ tường thì sương phủ kín, mờ mờ ảo ảo, lại có thêm ánh đom đóm lập lòe, trong phòng thì đèn ngọn xanh lờ mờ. Tả căn phòng cô quạnh của cung phi mà ta có cảm giác như tả cảnh ngoài nghĩa trang, thật không gì u ám sầu não hơn.

Nhận xét dành cho phần chú giải của Lê Văn Hòe:

Quả thực nếu không được chú giải tỉ mỉ cẩn thận e là tác phẩm này khó đến được với người đọc bình dân. Sách chú giải từng chữ từng từ, giảng giải các điển tích liên quan, liên kết với bối cảnh và thân thế của nhà thơ, giúp người đọc có hiểu biết cụ thể, rõ ràng về ý nghĩa của câu thơ. Lê Văn Hòe còn so sánh và phê bình những cách hiểu khác mà theo ông là không hợp lý.

Điểm nổi bật trong cách chú giải của Lê Văn Hòe là ông kết nối ý của nhiều câu với nhau để tìm ra ý chung, từ đó mới đi tìm hiểu chi tiết từng từ từng câu một, như vậy đảm bảo cách hiểu bám chặt lấy nội dung chính của cả đoạn, cho nên nội dung chú giải rất nhất quán, trôi chảy và hợp lý.

Bài ngâm dài 356 câu, sách dầy 290 trang, trung bình mỗi câu thơ được dành ra gần một trang để chú giải. Thật là công phu! Chính nhờ phần chú giải mà người đọc học hỏi được nhiều hơn về tiếng Việt và thơ Việt.

View all my reviews

Trước khi kết bài, xin giới thiệu một bản nhạc bày tỏ cùng nỗi lòng với nàng cung phi đáng thương của chúng ta. Đó là bản “Memory” trong vở nhạc kịch “Cats” bởi nhà soạn nhạc lừng danh Andrew Lloyd Webber.

03 September, 2015

42 năm làm ăn tại Mỹ và TQ

42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc by Alan Phan
My rating: 4 of 5 stars

Đây không phải là bút ký/hồi ký, cũng không phải là sách bình luận về kinh tế vĩ mô của Mỹ và Trung Quốc (TQ), mà là sự pha trộn của cả hai. Thật khó có thể xếp loại sách vì tác giả trình bày nhận định của mình về vấn đề làm ăn, kinh doanh ở Mỹ và TQ, dựa vào kinh nghiệm thực tế lẫn thông tin của báo đài.

Dẫu sao tôi vẫn cho rằng đây là một quyển sách hay:

- Sự chân thực: Tác giả không chỉ nói về những thành tựu của bản thân mà kể luôn cả những thất bại, những bài học đau đớn. Rất ít tác giả khi viết về bản thân làm được điều này.

- Tính khách quan: Rất nhiều sách về kinh doanh cho những doanh nhân thành đạt ở một mức độ nào đó viết chỉ huyên thuyên nói về bí quyết kinh doanh, làm như thể đó là quy luật chung đúng đắn cho mọi nền kinh tế và việc kinh doanh nghe có vẻ rất dễ dàng. Quyển sách này nổi bật hơn ở chỗ phân tích những yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp để cho thấy sự khó khăn và phức tạp của vấn đề. Ngoài ra khi so sánh hai văn hóa kinh doanh ở Mỹ vả TQ, sách còn cho thấy việc làm ăn cũng tùy "thiên thời địa lợi nhân hòa", doanh nhân phải tùy cơ ứng biến chứ không hề có "bí quyết làm giàu" nào chung cả.

- Góc nhìn mới: Đã có nhiều doanh nhân viết về văn hóa làm ăn của TQ, nhưng phần nhiều là người phương Tây nên có cách nhìn có thể hơi khác với người Á Đông. Vì tác giả là người Việt nhưng sinh sống lâu năm tại Mỹ nên có cách nhìn gần gũi hơn, đồng thời có thể so sánh trực tiếp những sự tương đồng hay khác biệt với thế giới phương Tây.

Lẽ ra quyển sách có thể hay hơn nếu tác giả chỉ dựa vào trải nghiệm cá nhân mà thôi, thay vì dẫn chứng những sự kiện trên báo đài mà nhiều khi không thật tiêu biểu. Tóm lại, một quyển sách nhỏ nhưng thú vị dành cho những ai quan tâm đến việc kinh doanh ở Mỹ, TQ và thậm chí ở VN.

View all my reviews

11 August, 2015

Một cơn gió bụi–Trần Trọng Kim

Một cơn gió bụiMột cơn gió bụi by Trần Trọng Kim
My rating: 5 of 5 stars

Quyển sách nhỏ này là những ghi chép của cụ Trần Trọng Kim về quãng thời gian 1943-1948 khi cụ tham gia vào các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Dành cho những ai chưa quên tên cụ, xin nói thêm rằng cụ Trần Trọng Kim là một nhà Nho, sử gia và sau cùng vì hoàn cảnh đưa đẩy cụ trở thành chính trị gia bắt đắc dĩ. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, cụ được vua Bảo Đại mời làm Tổng trưởng Nội các của chính phủ mới (tức Thủ tướng), nhưng chưa đầy năm thì Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, chính phủ Trần Trọng Kim phải giải tán, vua Bảo Đại thoái vị.

Về mặt nội dung, đây là một tập bút ký quan trọng. Thời kỳ trước và sau 1945 là quãng thời gian hỗn loạn ở VN, lại thêm tin tức lan truyền khó khăn chủ yếu truyền miệng nên thông tin càng thêm rối rắm, mỗi người nhìn nhận một kiểu. Ngoài việc cố vấn cho Cựu Hoàng Bảo Đại thì thực ra vai trò chính trị của cụ Trần Trọng Kim cũng không quá lớn, tuy nhiên những lời kể chân thực của cụ trong tập bút ký này đã trả lời nhiều khúc mắc của lịch sử, bác bỏ nhiều tin đồn thất thiệt và cho chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về biến chuyển của thời cuộc.

Qua quyển sách này, ta sẽ cảm nhận được độ phức tạp rối ren của tình thế lúc bấy giờ. Tất cả các quốc gia liên quan, các đảng phái và từng người đều có mưu toan riêng, không ai dám tin ai. Hứa hẹn rồi trở mặt là chuyện thường ngày, cộng vỡi nỗi khó khăn của cuộc sống thời binh loạn tạo thành một bức tranh hỗn độn, ngay cả người sáng suốt nhất cũng chẳng biết đường ra. Nhiệm vụ của người hậu thế là phải hiểu tình cảnh lúc bấy giờ, rồi sau mới đánh giá phê bình tiền nhân nếu muốn, chứ không nên kết luận vội vã. Quyển bút ký này cho ta thấy được sự bối rối và vất vả của người đương thời, từ đó gợi cho ta sự cảm thông sâu sắc.

Về văn phong thì quyển bút ký kể chuyện rất thành thực, có lẽ do tính cách của cụ đã như vậy. Khác xa với những quyển hồi ký mắc phải bệnh "lên gân" tìm mọi cách để tôn cái tôi của tác giả lên, cụ Trần Trọng Kim viết về thời kỳ "gió bụi" này với một thái độ bình thản và khiêm nhường, phản phất một nỗi buồn man mác về đất nước, con người và thế cục.

Thiết nghĩ những hậu thế hôm nay nên dành ít phút đọc lại những bút ký xưa để hiểu và đồng cảm với cha ông, cũng là một cách học hỏi từ quá khứ để đối phó với thử thách hiện tại. Sau cùng, góp ý nhỏ cho NXB, quyển tôi đọc in năm 1969 có nhiều lỗi chính tả, một vài chỗ sai năm và địa danh. Đối với sách lịch sử đây là những điểm quan trọng, nếu tác giả lỡ có chép sai cũng mong NXB chú thích thêm.

View all my reviews

01 August, 2015

Ngày xưa có một con Bò...

Once upon a Cow

Tác giả: Camilo Cruz, PhD
Bản dịch của Nguyễn Hoàng Yến Phương
NXB Trẻ ấn hành
---


Dù chỉ mới đọc được gần phân nửa cuốn sách nhưng tôi lập tức quyết định phải viết ngay lời nhận xét lên đây. Bởi vì tôi cảm thấy... thất vọng, rất rất thất vọng.

Tôi cảm thấy thất vọng bởi vì chính những điều mà cuốn sách đã nêu ra nó đúng với tôi. Tôi chợt buồn bã mà nhận ra rằng mình... thật giàu, gia tài của tôi có rất nhiều bò, toàn bò là bò, cả một đàn bò đông đúc!

Ngày xưa có một con Bò...

Mỗi con bò trong số ấy chính là một sợi dây ràng buộc ta với cuộc sống trì trệ hiện tại, nó níu giữ đôi chân ta không thể vươn tới một tương lai mới tốt đẹp hơn. Thật ra, trong thâm sâu mỗi con người, ai cũng có những ước mơ cao đẹp, những khát vọng và đỉnh cao muốn chinh phục. Vậy thì vì sao chúng ta lại vẫn chưa đạt được đến những điều ấy? Có phải chăng là bởi vì ta kém cỏi, ta không có "thiên thời", "địa lợi"? Không đâu, nguyên nhân chính vẫn là tại các con Bò mà ta đang sở hữu.

Cuốn sách của Cruz ngoài việc chỉ ra rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có ít nhiều những con bò, còn nêu rõ đó là những con bò gì. Trước nhất đó là con bò "tự bằng lòng với hiện tại", cho rằng ta như thế là OK rồi", "khối người muốn như ta mà còn không được"... Thêm nữa, còn có con bò "biện hộ", rằng tại vì thế này, tại vì thế kia, chứ không bao giờ là tại vì nơi bản thân mình hết. "Tôi thật sự rất bận", đó chính là câu cửa miệng mà rất nhiều người thốt ra, "tôi không có đủ thời gian thật mà." hay "tôi không thăng tiến vì tôi đang làm việc cho một ông sếp tồi, không biết đánh giá năng lực nhân viên," thậm chí đó còn là "tôi đã làm đúng như vậy rồi mà."...

Tác giả, ở phần lớn cuốn sách, đã phân tích sâu thêm cho mỗi trường hợp Bò. Ông dành nhiều trang giấy nêu bật nguồn gốc chúng ở đâu ra, và làm sao để ta có thể loại bỏ bất kỳ còn bò nào, hoặc là hãy cố gắng đừng để nhận thêm bò từ khác ban tặng...

Xin nói thêm, tôi không biết có phải hình ảnh con Bò trong văn hóa phương Tây là một điều gì đó tồi tệ hay không, nhưng những gì không hay ho, người ta đều gán cho nó chữ "con bò". Ví dụ như ở cuốn sách này, hoặc hình ảnh "cứt bò" (bullshit) mà triết gia Harry Frankfurt đã nêu ra và được Mr H diễn giải ở đây: http://xe-dap.blogspot.tw/2015/06/cut-bo-1.html.

Gì thì gì, tôi cũng đã nhận ra nguyên nhân mình đang dậm chân tại chỗ, hay nói đúng hơn là đang thất bại. Tuy nhiên, tôi có dám giết đàn bò của mình hay không thì tôi không chắc nữa. Tôi đang cưỡi trên con bò "do dự" của mình và sẽ rất mỏi chân đi bộ nếu không có nó.

17 May, 2015

Bad Science

Bad Science by Ben GoldacreBadScience


Cách đây vài năm trên một chương trình gameshow ở VN có câu hỏi “Khi uống nước nên đứng hay nên ngồi?”. Đáp án của chương trình là “nên ngồi” và người MC giải thích như sau: Khi đứng uống nước thì nước sẽ bị dồn xuống chân cả nên kém hiệu quả, “đây là kiến thức mới rất ít người biết”! Người MC (và người đề ra câu hỏi lẫn đáp án) quên mất sự tồn tại của … dạ dày, hệ tiêu hóa và thận. Họ hình dung cơ thể người như cái bọc ny lông, đổ nước vào thì nước tuột xuống chân cả!

Khoảng 2 năm trước tôi đọc một tin trên báo mạng bày cách giảm cân bằng cách uống một ít nước trước khi ăn, được giải thích như sau: Nước làm loãng dịch dạ dày do đó làm hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả và hấp thụ ít năng lượng từ thức ăn hơn. Vài hôm sau có người bạn gửi cho tôi một số tác dụng tích cực của nước, trong đó có đoạn “Uống một ít nước trước khi ăn giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn”. Hai “bí quyết” này, cái nào đúng, cái nào sai?

Tuần vừa qua có vài người bạn chia sẻ vài mẩu tin sức khỏe trên facebook như sau: Trẻ sơ sinh nặng 3kg là “thông minh nhất”; Đánh vào mông trẻ gây tổn thương não; Những tác hại của việc uống sữa động vật. Tất cả bản tin đều là kết quả “nghiên cứu” của “các nhà khoa học”.

Nếu chiu khó thống kê chúng ta sẽ có một danh sách dài những chất “gây ung thư” và những chất “chống ung thư”,  có những thứ xuất hiệu ở cả hai bên, vừa gây vừa chống ung thư! Trên báo xuất hiện ngày càng nhiều bí quyết sức khỏe (đặc biệt chống ung thư và giảm cân), bao giờ cũng là thành tựu nghiên cứu khoa học cả. Tuy nhiên, đa phần những “kiến thức” này nhiều khả năng là bịa đặt do những “nghiên cứu khoa học tồi” (bad science). Đó là chủ đề chính của quyển sách này.

Tác giả Ben Goldacre là nhà nghiên cứu và bác sĩ công, đồng thời phụ trách chuyên mục “Bad Science” trên tờ Guardian của Anh quốc. Ông có thuyết trình ở TED Talk cũng về chủ đề này:

Tất cả những ai quan tâm đến các kiến thức về sức khỏe, cách nhận biết kiến thức có giá trị và phòng tránh những tin vịt đều nên tìm đọc quyển sách này. Tác giả dùng những sự kiện rất kinh điển trong lĩnh vực y tế để minh họa những cách nghiên cứu và truyền bá giả dối của bọn lang băm đột lốt bác sĩ và “nhà khoa học”. Những chiêu trò này vẫn hốt bạc triệu đô-la, được ngụy trang rất khéo léo đến mức cả những người trong ngành cũng khó nhận biết chứ đừng nói chi dân chúng. Họ quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, dùng những thuật ngữ nghe rất “khoa học” và bao giờ cũng đi kèm với bằng cấp, viện nghiên cứu này nọ.

Một ví dụ thường thấy là lĩnh vực dinh dưỡng. Quanh năm suốt tháng người ta “phát hiện” hết chất này tốt đến chất kia xấu mà vẫn không bao giờ hết chuyện. Hầu hết những “phát hiện” này chỉ là phỏng đoán vô căn cứ, được báo chí thổi phồng để bán tin tức. Bạn có thể sẽ hơi thất vọng khi biết rằng những kiến thức về tác dụng của thực vật, của vitamin đã gom góp trong suốt bao nhiêu năm theo dõi qua báo chí đều không chính xác. Thậm chí chất chống oxy hóa trong thực tế gây nhiều tử vong hơn!!! Bạn sẽ lại thất vọng khi biết rằng các loại kem dưỡng da chỉ giúp da có vẻ “mềm và đẹp” hơn nhất thời chứ thực ra không có tác dụng dưỡng da gì cả.

Nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn này là sự phối hợp của các tay lang băm chỉ muốn bán thuốc kiếm lợi, của các tay nhà báo thiếu lương tâm chỉ muốn giật gân để bán tin và của đại bộ phận người dân chỉ trông ngóng vào “thuốc tiên” giúp họ khỏe mạnh mà không cần phải ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.

Quyển sách không dừng ở việc trình bày vấn đề qua các sự kiện điển hình, thông qua đó tác giả hướng dẫn người đọc các phương pháp để nhận biết và đề phòng các “phát hiện” giả. Tác giả liệt kê một số chiêu trò cơ bản của bọn lang băm và “nhà khoa học giả” dùng để bóp méo số liệu và phương pháp nghiên cứu để đưa ra kết quả sai với thực tế, do đó giúp người đọc biết cách cảnh giác.

Về văn phong, sách viết mạch lạc với nhịp điệu rất nhanh, giọng văn hài hước và châm chọc, đôi khi rất phẫn nộ (với những kẻ dối trá). Do đó sách cũng khá kén độc giả, đòi hỏi người đọc phải có niềm tin vào khoa học, có sự cởi mở (chấp nhận những gì mình từng biết là sai) và có óc hài hước.

Tóm lại, một quyển sách rất hay và đáng đọc dành cho tất cả những ai yêu khoa học và yêu sức khỏe! Sau khi đọc xong quyển sách, cách nhìn của bạn về các sản phẩm sức khỏe sẽ thay đổi hẳn, chắc chắn là như vậy!

16 January, 2015

Why we make Mistakes

Title: Why we make MistakesWhyMistakes
Author: Joseph T. Hallinan


Tương tự như quyển “You are not so smart”, đây cũng là một quyển về tâm lý học hiện đại trình bày bởi một nhà báo nhưng lần này tập trung phân tích sai sót của con người. Một lần nữa, những quyển như thế này rất dễ khiến chúng ta mất lòng tin vào mọi thứ, kể cả bản thân mình.

Lấy thí dụ, overconfidence. Tác giả chỉ ra bằng những khảo cứu có thật rằng hầu hết chúng ta đều khá “lạc quan” về bản thân mình, đặc biệt các quý ông thường tự tin hơn hẳn phụ nữ. Các ông hay nghĩ rằng mình đẹp trai phong độ, đánh lộn, cá độ thường thắng nhiều hơn bại. Điều này không có nghĩa là phụ nữ không “overconfident”, chỉ là mức độ thấp hơn đàn ông thôi. Tác giả còn chỉ ra rằng, những người “chém gió” ít khi nào tự nhận thức được mình đang “chém gió”, ngược lại chính họ bị “gió” của họ “chém” lại khiến họ tin đó là sự thật. Nhiêu đó cũng đủ khiến chúng ta nghi ngời mọi hành động, lời nói và suy nghĩ hàng ngày của chúng ta, bao nhiêu là sự thật, bao nhiêu do ta bịa ra mà chính ta cũng không hề hay biết.

Một thí dụ kinh hoàng khác là trong ngành y tế. Việc tiêm thuốc … nhầm xảy ra hết sức phổ biến. Ngoài ra ở Mỹ, nơi có nền y học tiên tiến bậc nhất thế giới, xác suất bác sĩ chẩn đoán nhầm lên đến 20%, tức cứ 5 người đi khám thì có một người bị chẩn đoán sai bệnh! Mà đó là Mỹ, chứ còn VN thì chắc không cần phải bàn nữa.

Không phải đơn thuần chỉ liệt kê những sai lầm phổ biến của con người, tác giả cố gắng hệ thống và giải thích những sai lầm đó từ góc độ cơ bản hơn dựa trên cơ sở tâm lý học hiện đại. Từ đó sách đưa ra một vài phương pháp để giảm thiểu sai sót, có thể áp dụng cho chính bản thân chúng ta hoặc vào các tập thể tổ chức. Điều dễ thực hiện nhất là … ngủ đủ giấc, vì có rất nhiều sai lầm xảy ra khi chúng ta làm việc trong trạng thái mệt mỏi do thiếu ngủ. Xa hơn một chút, chúng ta nên tập thói quen làm việc cẩn thận, tỉ mỉ ngay cả khi đó chỉ là những việc nhỏ nhặt tầm thường. Xa hơn nữa, chúng ta tìm cách có được feedback từ người khác thật sớm và rút kinh nghiệm từ sai sót của mình, tất nhiên điều này không dễ dàng thực hiện được.

Trong sách có vài chỗ tôi không thật sự ưng ý lắm. Thỉnh thoảng tác giả kể những câu chuyện khá dài nhưng không minh họa rõ ý cho lắm. Một vài đoạn không thật sự liên quan đến các phần xung quanh hay đi lạc ra khỏi chủ đề của sách. Dù sao đây vẫn là một quyển sách dễ đọc với nhiều thông tin thú vị và bổ ích.