11 August, 2015

Một cơn gió bụi–Trần Trọng Kim

Một cơn gió bụiMột cơn gió bụi by Trần Trọng Kim
My rating: 5 of 5 stars

Quyển sách nhỏ này là những ghi chép của cụ Trần Trọng Kim về quãng thời gian 1943-1948 khi cụ tham gia vào các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Dành cho những ai chưa quên tên cụ, xin nói thêm rằng cụ Trần Trọng Kim là một nhà Nho, sử gia và sau cùng vì hoàn cảnh đưa đẩy cụ trở thành chính trị gia bắt đắc dĩ. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, cụ được vua Bảo Đại mời làm Tổng trưởng Nội các của chính phủ mới (tức Thủ tướng), nhưng chưa đầy năm thì Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, chính phủ Trần Trọng Kim phải giải tán, vua Bảo Đại thoái vị.

Về mặt nội dung, đây là một tập bút ký quan trọng. Thời kỳ trước và sau 1945 là quãng thời gian hỗn loạn ở VN, lại thêm tin tức lan truyền khó khăn chủ yếu truyền miệng nên thông tin càng thêm rối rắm, mỗi người nhìn nhận một kiểu. Ngoài việc cố vấn cho Cựu Hoàng Bảo Đại thì thực ra vai trò chính trị của cụ Trần Trọng Kim cũng không quá lớn, tuy nhiên những lời kể chân thực của cụ trong tập bút ký này đã trả lời nhiều khúc mắc của lịch sử, bác bỏ nhiều tin đồn thất thiệt và cho chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về biến chuyển của thời cuộc.

Qua quyển sách này, ta sẽ cảm nhận được độ phức tạp rối ren của tình thế lúc bấy giờ. Tất cả các quốc gia liên quan, các đảng phái và từng người đều có mưu toan riêng, không ai dám tin ai. Hứa hẹn rồi trở mặt là chuyện thường ngày, cộng vỡi nỗi khó khăn của cuộc sống thời binh loạn tạo thành một bức tranh hỗn độn, ngay cả người sáng suốt nhất cũng chẳng biết đường ra. Nhiệm vụ của người hậu thế là phải hiểu tình cảnh lúc bấy giờ, rồi sau mới đánh giá phê bình tiền nhân nếu muốn, chứ không nên kết luận vội vã. Quyển bút ký này cho ta thấy được sự bối rối và vất vả của người đương thời, từ đó gợi cho ta sự cảm thông sâu sắc.

Về văn phong thì quyển bút ký kể chuyện rất thành thực, có lẽ do tính cách của cụ đã như vậy. Khác xa với những quyển hồi ký mắc phải bệnh "lên gân" tìm mọi cách để tôn cái tôi của tác giả lên, cụ Trần Trọng Kim viết về thời kỳ "gió bụi" này với một thái độ bình thản và khiêm nhường, phản phất một nỗi buồn man mác về đất nước, con người và thế cục.

Thiết nghĩ những hậu thế hôm nay nên dành ít phút đọc lại những bút ký xưa để hiểu và đồng cảm với cha ông, cũng là một cách học hỏi từ quá khứ để đối phó với thử thách hiện tại. Sau cùng, góp ý nhỏ cho NXB, quyển tôi đọc in năm 1969 có nhiều lỗi chính tả, một vài chỗ sai năm và địa danh. Đối với sách lịch sử đây là những điểm quan trọng, nếu tác giả lỡ có chép sai cũng mong NXB chú thích thêm.

View all my reviews

01 August, 2015

Ngày xưa có một con Bò...

Once upon a Cow

Tác giả: Camilo Cruz, PhD
Bản dịch của Nguyễn Hoàng Yến Phương
NXB Trẻ ấn hành
---


Dù chỉ mới đọc được gần phân nửa cuốn sách nhưng tôi lập tức quyết định phải viết ngay lời nhận xét lên đây. Bởi vì tôi cảm thấy... thất vọng, rất rất thất vọng.

Tôi cảm thấy thất vọng bởi vì chính những điều mà cuốn sách đã nêu ra nó đúng với tôi. Tôi chợt buồn bã mà nhận ra rằng mình... thật giàu, gia tài của tôi có rất nhiều bò, toàn bò là bò, cả một đàn bò đông đúc!

Ngày xưa có một con Bò...

Mỗi con bò trong số ấy chính là một sợi dây ràng buộc ta với cuộc sống trì trệ hiện tại, nó níu giữ đôi chân ta không thể vươn tới một tương lai mới tốt đẹp hơn. Thật ra, trong thâm sâu mỗi con người, ai cũng có những ước mơ cao đẹp, những khát vọng và đỉnh cao muốn chinh phục. Vậy thì vì sao chúng ta lại vẫn chưa đạt được đến những điều ấy? Có phải chăng là bởi vì ta kém cỏi, ta không có "thiên thời", "địa lợi"? Không đâu, nguyên nhân chính vẫn là tại các con Bò mà ta đang sở hữu.

Cuốn sách của Cruz ngoài việc chỉ ra rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có ít nhiều những con bò, còn nêu rõ đó là những con bò gì. Trước nhất đó là con bò "tự bằng lòng với hiện tại", cho rằng ta như thế là OK rồi", "khối người muốn như ta mà còn không được"... Thêm nữa, còn có con bò "biện hộ", rằng tại vì thế này, tại vì thế kia, chứ không bao giờ là tại vì nơi bản thân mình hết. "Tôi thật sự rất bận", đó chính là câu cửa miệng mà rất nhiều người thốt ra, "tôi không có đủ thời gian thật mà." hay "tôi không thăng tiến vì tôi đang làm việc cho một ông sếp tồi, không biết đánh giá năng lực nhân viên," thậm chí đó còn là "tôi đã làm đúng như vậy rồi mà."...

Tác giả, ở phần lớn cuốn sách, đã phân tích sâu thêm cho mỗi trường hợp Bò. Ông dành nhiều trang giấy nêu bật nguồn gốc chúng ở đâu ra, và làm sao để ta có thể loại bỏ bất kỳ còn bò nào, hoặc là hãy cố gắng đừng để nhận thêm bò từ khác ban tặng...

Xin nói thêm, tôi không biết có phải hình ảnh con Bò trong văn hóa phương Tây là một điều gì đó tồi tệ hay không, nhưng những gì không hay ho, người ta đều gán cho nó chữ "con bò". Ví dụ như ở cuốn sách này, hoặc hình ảnh "cứt bò" (bullshit) mà triết gia Harry Frankfurt đã nêu ra và được Mr H diễn giải ở đây: http://xe-dap.blogspot.tw/2015/06/cut-bo-1.html.

Gì thì gì, tôi cũng đã nhận ra nguyên nhân mình đang dậm chân tại chỗ, hay nói đúng hơn là đang thất bại. Tuy nhiên, tôi có dám giết đàn bò của mình hay không thì tôi không chắc nữa. Tôi đang cưỡi trên con bò "do dự" của mình và sẽ rất mỏi chân đi bộ nếu không có nó.