26 June, 2020

Leaving China

Tiêu đề: Leaving China
Tác giả: James McMullan
Xuất bản: Algonguin Books (a division of Workman Publishing)
Năm xuất bản: 2014.
--------------------------------------------------

Trang bìa cuốn sách Leaving China

Leaving China là hồi ức (a memoir in paintings and words) về gia đình và thời thơ ấu của chính tác giả, họa sĩ James McMullan, trọng tâm là giai đoạn từ khi thế chiến thứ 2 bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc.

Ông bà nội của tác giả, James và Lily McMullan, từ Ireland và England đến Trung Quốc để truyền đạo và gặp nhau tại Yangchow (Dương Châu?) vào năm 1887. Sau đó họ chuyển đến thị trấn Cheefoo với hai bàn tay trắng và phải tự tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người, trong khi vẫn phải luôn đảm bảo nhiệm vụ chính của mình. Sau những nổ lực không ngừng nghỉ và nhờ vào sự tháo vát của hai vợ chồng, họ đã gầy dựng nên được một cơ ngơi to lớn với việc xây dựng trại mồ côi, xây trường học, lập nên tổ chức Cheefoo Industrial Mission và sau này là công ty James McMullan Company. Họ có bốn người con và đều thành đạt. Trong đó James Jr. là người con thứ 3 sau này đã đi Canada học đại học về âm nhạc rồi trở về cùng cô dâu Rose Fenwick và… hai người con riêng của cô ấy. James Jr và Rose chính là cha và mẹ của cậu bé James McMullan, người sau đó được sinh ra tại thị trấn Cheefoo này. Dĩ nhiên với một gia thế như vậy, James hoàn toàn “sống trong nhung lụa” với một bà vú nuôi người Trung Quốc, một tài xế đưa đón khi đến trường và nhiều người hầu khác trong gia đình.

Tác giả và mẹ, Rose, lúc còn ở Cheefoo (China) khoảng năm 1937
(source: http://artpulsemagazine.com/an-interview-with-james-mcmullan)

Có một chi tiết quan trọng đó là, chính trong giai đoạn này niềm đam mê hội họa trong cậu bé James được hình thành. Cụ thể hơn, chính những bức tranh thủy mặc treo trên tường nhà đã mang lại cho cậu bé sự tò mò và tưởng tượng. Màu sắc của núi non, sương mây mờ ảo và thấp thoáng đâu đó bóng dáng ông lão đang ngồi thưởng trà dưới gội tùng gội bách chính là sự sống động của thiên nhiên đã để lại trong James nhiều ấn tượng sâu sắc.


Một vài hình ảnh trong sách


Thế chiến thứ 2 bùng nổ. Thị trấn Cheefoo thuộc hoàn toàn quyền kiểm soát của đế quốc Nhật. Đại gia đình McMullan cũng như nhiều người tây phương thuộc tầng lớp thượng lưu tại đây cảm thấy rất bức xúc trước sự cai trị và áp chế của binh lính và sĩ quan Nhật. Cha của tác giả quyết định tham gia vào lực lượng quân đội Anh quốc, thuộc phe đồng minh, và trở thành sĩ quan cấp cao trong cục tình báo quân sự tại Trung Quốc. Ông quyết định để hai mẹ con tác giả trở về quê ngoại (Canada) và đó là khởi nguồn của hành trình vòng quanh thế giới của hai mẹ con, từ Mỹ, Canada rồi quay về Ấn Độ, Trung Quốc, đến khắp mọi nơi để lánh nạn chiến sự, cuối cùng quay lại hội ngộ với người cha. Tuy nhiên, cậu bé James chỉ được gặp lại cha một lần duy nhất tại Darjeeling (Ấn Độ) mà thôi. Người sĩ quan ấy về sau đã hi sinh trong một tai nạn máy bay khi đang trên đường trở về đơn vị từ chuyến công tác tại trại tù binh Nhật. Lúc bấy giờ thế chiến thứ 2 cũng chỉ vừa kết thúc chưa được bao lâu. James được người đồng đội của cha, cũng là người đến báo hung tin, đưa về Chungking (Trung Quốc) nơi mẹ cậu đang đợi. Hai mẹ con sau đó chuyển đến Thượng Hải sinh sống. Một thời gian sau, khi quân đội Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đang dần chiếm ưu thế và sự rút lui của Tưởng Giới Thạch chỉ còn là vấn đề thời gian, hai mẹ con đã quyết định trở về quê ngoại ở Salt Spring Island (Canada). Đó cũng chính là mong muốn của cậu bé James.

Trong suốt hành trình của hai mẹ con tác giả, chúng ta không hề thấy hình ảnh đại loại “con nhà nghèo vượt khó” theo kiểu lấy nước mắt người đọc. Ngược lại, ta càng thấy rõ rằng, tác giả là tầng lớp “con ông cháu cha,” gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Thêm nữa là nhờ vào tài xoay sở, lanh lẹ của người mẹ (người mà chính tác giả nhận xét là cực giỏi tận dụng các mối quan hệ) mà hành trình của hai mẹ con hầu như khá êm đẹp (dù có lúc cũng gặp những tai nạn như bị té giường trong đêm trên tàu hỏa tại Ấn Độ) khi có được sự giúp đỡ của họ hàng, người quen và cả những nhà chức trách địa phương. Bên cạnh đó, người đọc cũng không bị áp đảo bởi những hình ảnh từ ngữ “đao to búa lớn.” Toàn bộ cuốn sách là một giọng văn nhẹ nhàng, đều đều như đúng bản chất của tác phẩm: kể lại hồi ức của tuổi thơ từ một người họa sĩ già lúc này đã hơn 70 tuổi. Sự hấp dẫn trong từng câu chuyện của tác giả ấy chính là hình ảnh về con người và cuộc sống qua cái nhìn rất thực, rất dễ thương của nhân vật cậu bé James. Những kỉ niệm về tình cha-con, mẹ-con, những người bạn thân gặp được trong mỗi lần bôn ba làm cho người đọc cảm động, hoài niệm. Bởi trong những câu chuyện của tác giả, ai đó có thể sẽ nhớ lại những suy nghĩ trẻ thơ của chính bản thân mình.

Một trang kép trong Leaving China với bên trái là câu chuyện và bên phải là hình minh họa


Sách không dày, chỉ 120 trang, được trình bày theo dạng mỗi trang bên trái là chuyện và mỗi trang bên phải là hình minh họa do chính tác giả thể hiện. Tôi thực sự ấn tượng với từng bức vẽ của ông bởi trông nó không chỉ là một bức tranh mà là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ với nhiều tâm huyết. Nó thường làm cho tôi phải chiêm ngưỡng rất lâu và tưởng tượng ra cả một cuốn phim xưa cũ trong đó vậy. Những gam màu sẫm, bao gồm vàng, lam, lục, và tím gợi lên một cảm giác xa xưa phù hợp cho việc mô tả những khung cảnh của cuộc sống đầu thế kỉ 20.

Cheefoo trong hồi ức của tác giả


Vài suy nghĩ riêng:

Leaving China làm tôi liên tưởng đến hoàn cảnh gia đình mình, cũng là những kẻ tha hương với những đứa con được sinh ra trên đất khách. Tôi nghĩ đến sự ra đi, xây dựng sự nghiệp của những di dân từ xưa đến nay. Tôi nghĩ đến sự gìn giữ sợi dây ràng buộc giữa các thế hệ trước và sau trong những gia đình ấy trước ảnh hưởng mạnh mẽ và trực diện của cuộc sống hiện tại. Tôi cho rằng với mỗi con người, dù là đông hay tây, thì tình thân vẫn luôn là một điều thiêng liêng nhất, trong đó có sự hi sinh và lòng biết ơn.

Tôi không biết có phải mình đã quá lãng mạn hay không khi (có vẻ như) đang suy diễn hơi nhiều về những câu chuyện giản đơn trong Leaving China. Nhưng tôi tin rằng mình vẫn chưa thể nhìn thấy hết được các tầng ý nghĩa sâu xa ẩn mình trong từng kí ức mà tác giả đã kể lại một cách sống động. Cũng giống như khi nghe một bản giao hưởng trứ danh, thường tôi chỉ đủ sức để cảm thấy thích thú bởi giai điệu vang lên làm đẹp cho cảm xúc, chứ chưa thể biết hết cái hay trong từng bước đi của nốt nhạc.

Sau khi đọc xong Leaving China, tôi đã vì ấn tượng mạnh mẽ của câu chuyện mà đã đi tìm hiểu thêm những chi tiết “ngoại truyện” của nó. Tôi được biết tác giả cuốn sách là một họa sĩ tài danh, thuộc hàng bestselling của New York Times, đặc biệt là trong lĩnh vực vẽ minh họa. Riêng về cuốn Leaving China thì chỉ vừa cách đây vài tuần khi bài viết này được viết xong, đã có hẳn một cuộc triển lãm về nó tại bảo tàng Norman Rockwell Museum (MA, USA). Đó là dịp để chúng ta nghe chính tác giả chia sẻ thêm nhiều chi tiết liên quan đến cuốn sách cũng như ký ức thời thơ ấu của mình.

Tôi cũng cố gắng đi tìm hiểu xem những địa danh nêu trong sách để biết nó ở đâu. Ví dụ, thị trấn cảng Cheefoo chính là thị trấn (quận) Chi Phù (Zhifu - 芝罘区), đó là một bán đảo thuộc thành phố Yên Đài (Yantai - 烟台市), tỉnh Sơn Đông (Shandong - 山东省). Tôi chợt nhớ tới những người thuộc tỉnh Sơn Đông mà tôi có dịp tiếp xúc. Ấn tượng của tôi về họ đó là cách nói uốn lưỡi đặc trưng cùng giọng địa phương rất nặng phải chú ý lắm mới có thể nghe và hiểu được (chi tiết này cũng được chính tác giả đề cập trong sách).

Câu chuyện thứ tư trong sách kể về một việc đau lòng. Rằng khi ông bà nội của tác giả tới thị trấn Cheefoo thì phát hiện ra tại nghĩa trang địa phương người ta xây một cái tháp hình vuông với bốn bức vách khá cao, chỉ để chừa một cái cổng nhỏ để ra vào. Thông thường những gia đình (đã) nghèo khó (mà) "lỡ" sinh ra một đứa con gái thì sẽ đem bỏ đứa trẻ sơ sinh đó vào trong lòng tháp để… quên đi. Tôi thật sự sốc khi đọc tới chi tiết này. Nó làm tôi nhớ tới cái bánh bao nhuộm máu người trong “Thuốc” của Lỗ Tấn, hay hình ảnh cái tháp cao trên đỉnh khu nhà tổ nơi hành hình những thành viên gia tộc mắc tội trong phim “Đèn lồng đỏ treo cao” của Trương Nghệ Mưu. Những thứ ấy cho thấy xã hội Trung Quốc thời bấy giờ nó mới tăm tối và lạc hậu, thậm chí dã man làm sao (ấy vậy mà ông Kim Dung cứ mượn mấy cái truyện kiếm hiệp để gọi người khác là mọi này rợ nọ). Rất may mắn là ông bà McMullan đã có được một giải pháp hữu hiệu để cứu những đứa trẻ sơ sinh ấy và dần dần cái sự việc đau lòng đó đã không còn tiếp diễn nữa.

06 February, 2017

Điểm bùng phát - Gladwell

Điểm bùng phátĐiểm bùng phát by Malcolm Gladwell
My rating: 3 of 5 stars

Quyển sách bàn về các "đại dịch" xã hội, chẳng hạn một trào lưu thời trang, bùng nổ của nạn tội phạm, etc. Tác giả đưa ra luận thuyết về các đại dịch xã hội bao gồm 3 yếu tố: Thiểu số, Kết dính và Hoàn cảnh. Hầu hết quyển sách xoay quanh thuyết phục ra nêu thí dụ minh họa cho ba yếu tố này mà tác giả cho là quy luật chung của các đại dịch xã hội. Hai chương cuối "Case studies" tác giả minh họa thêm một số sự kiện nổi bật khác và liên hệ với thuyết của mình.

Nhìn chung viết khá tốt, rất hợp với độc giả phổ thông, và do vậy rất ăn khách. Tác giả rất biết dẫn dắt câu chuyện, đưa ra những tình tiết "bí hiểm" rồi từ từ tháo gỡ chúng, các thí dụ minh họa cũng rất ấn tượng, dễ thuyết phục người đọc về mặt tình cảm.

Tuy nhiên sách có nhiều vấn đề về mặt nội dung và tính xác thực. Phải nói trước là tác giả là một nhà báo, chuyên thu thập dữ liệu rồi chọn lọc thành bài luận, chứ không phải là nhà nghiên cứu.

Đầu tiên là tính chọn lọc (cherry-picking) của các ví dụ. Đa số các ví dụ đều mang tính cá nhân (anecdotes), rất ít thống kê cụ thể. Những câu chuyện đơn lẻ nhằm tạo ấn tượng và thuyết phục về măt tình cảm, nhưng thiếu tính phổ quát. Tác giả là nhà báo, nắm nhiều thông tin, việc chọn ra vài câu chuyện thích hợp cho giả thuyết của mình không phải là chuyện khó. Để tăng tính thuyết phục, cần phải có thống kê trên diện rộng và khách quan hơn.

Hai là tính mập mờ của luận thuyết: Không có cách gì kiểm chứng tính đúng đắn trong luận thuyết của tác giả. Tác giả cho rằng trào lưu khởi đầu từ một nhóm nhỏ Thiểu số, nhưng không ai có thể tìm đươc số người thiểu số này, và do vậy việc tác giả tự bịa ra thêm rằng trong số họ có 3 hạng người này nọ đi chăng nữa cũng chỉ tùy tiện, vô căn cứ. Yếu tố thứ hai tác giả đề cập là tính Kết dính, và điều này vừa hiển nhiên (không kết dính thì sao lây lan thành dịch), vừa khó kiểm chứng (làm sao biết một thông tin có kết dính hay không). Sau cùng tác giả đưa thêm yếu tố Hoàn cảnh, có lẽ để phòng hờ nếu hai yếu tố trên không thành công thì có cái để đổ thừa?! Như vậy luận thuyết của tác giả vừa mơ hồ, tùy tiện vừa khó kiểm chứng.

Do thiếu tính xác thực như trên, quyển sách cứ như là sách mê tín dị đoan, toàn nói những chuyện bí hiểm không ai giải thích được, rồi từ đó đưa ra đủ thứ giả thuyết, nói sao cũng được. Trong chương đầu, tác giả phê bình các lời giải thích khác về hiện tượng giày Hush Puppies, sự giảm mạnh làn sóng tội phạm ở New York City hay sự tăng nhanh bệnh AIDS ở Baltimore, nhưng dến cuối quyển sách tác giả vẫn không tự mình đưa ra lời giải thích cụ thể cho ba hiện tượng trên, chỉ nói mập mờ do một yếu tố "bí ẩn" nào đó làm Điểm Bùng Phát trở nên có sức ảnh hưởng lớn lao.

Mặc dù trong edition này tác giả tự thêm vào chương cuối nói về giá trị vĩ đại của quyển sách, tuy nhiên quyển sách này không có gì đặc sắc hay mới mẻ, mà toàn là "chém gió" (bullshit) thôi.

View all my reviews

05 February, 2017

Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu

Mẹ Việt Dạy Con Bước Cùng Toàn CầuMẹ Việt Dạy Con Bước Cùng Toàn Cầu by Hồ Thị Hải Âu
My rating: 4 of 5 stars

1. Độ dầy: 700 trang! Ít khi nào thấy tác giả Việt chịu khó viết "kinh thư" lên đến độ dầy như vậy. Quả thực rất công phu. Cộng với giấy dầy, bìa cứng nên khá nặng và khó mà nằm trên giường/võng mà đọc được.

2. Quan điểm: Phải nói là rất tiến bộ. Tác giả (nhà báo, nhà văn) rất chịu khó tìm hiểu thông tin về chăm sóc và giáo dục con cái, đồng hành cùng con từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất (micro-management) nhưng dựa trên nền tảng và hệ thống nhất quán về phát triển thể chất, tư duy và tình cảm.

3. Nội dung: Chủ yếu trình bày quan điểm, lập luận để thuyết phục độc giả, minh họa bằng những câu chuyện, kỷ niệm của hai mẹ con, thỉnh thoảng chèn vào một vài mẩu chuyện ngụ ngôn ... tự sáng tác. Nhưng hầu hết quyển sách là quan điểm và lý lẽ ở tầm vĩ mô, trừu tượng.

4. Cách viết: Rất tệ! Thứ nhất là dài dòng, câu chữ lôi thôi, dễ làm rối trí độc giả bằng kiểu dùng từ vô tội vạ, ngữ pháp (tiếng Việt) lộn xộn bừa bãi. (Khổ nỗi tác giả tự nhận về khả năng viết luận của mình). Thí dụ tác giả thích chèn chữ "tuệ giác" và vài từ mượn của nhà Phật vào bất kỳ chỗ nào, khiến từ đó trở nên rất tối nghĩa. Nhiều chỗ lập luận không hợp logic, minh họa không liên quan.

5. Tính nhất quán: Đa phần khá nhất quán trong quan điểm nên cũng dễ theo dõi, tuy nhiên vài chỗ tự mâu thuẫn. Thí dụ xuyên suốt quyển sách tác giả tự xem quan điểm của mình là "khoa học", vậy mà có chỗ lại chèn vào quan niệm phương Đông về "trời đất giao thoa" rất mê tín, lại lấy đó làm căn cứ để xác định thực đơn, còn về thuốc thang bệnh tật thì tác giả cũng ủng hộ kinh nghiệm phương Đông hơn là "khoa học".

Tóm lại, nội dung khá tốt nhưng cách viết quá dài dòng và sơ sài. Nếu tác giả chịu khó đọc và chỉnh sửa lại (theo chiều hướng súc tích) thì có thể sẽ là một quyển sách hay, có ích cho nhiều độc giả Việt đang rất quan tâm đến vấn đề nuôi dạy con.

View all my reviews

Khuyến học - Fukuzawa

Khuyến HọcKhuyến Học by Yukichi Fukuzawa
My rating: 5 of 5 stars

Fukuzawa bàn về sự học trên nền tảng nationalism (lòng yêu nước) trong thời Minh Trị ở Nhật Bản cách đây khoảng 150 năm. Tác giả luận bàn lý do người Nhật phải học, khái niệm về việc học và phương pháp học như thế nào. Thời gian đó Nhật Bản vừa mới chấm dứt chế độ phong kiến mà tác giả có những quan điểm rất tiến bộ, vượt xa thời đại như vậy rõ thật là hiếm hoi.

Vì sao phải học? Tác giả cho rằng đây là thời đại mới, số phận con người không còn bị quyết định khi họ vừa ra đời mà bị ảnh hưởng rất nhiều bởi học vấn, ai có học vấn làm được việc thì sẽ có cơ hội thăng tiến. Đồng thời nước Nhật khi đó đang mở cửa cho người phương Tây vào làm việc, trao đổi buôn bán, do đó để khỏi bị rơi vào vòng lệ thuộc của phương Tây thì chỉ có cách học hỏi từ họ để bằng hoặc cao hơn họ.

Khái niệm về học vấn của tác giả cũng khác so với thời phong kiến. Tác giả phê phán lối học từ chương, chủ yếu thuộc lòng thơ văn cổ rồi đem ra thi thố con chữ với nhau. Kiểu học mới mà tác giả tiếp thu được từ phương Tây đó là học để ứng dụng vào cuộc sống, vào công việc. Và như vậy thì cách học cũng khác, phải đi đôi với hành, áp dụng vào thực tế.

Tác giả còn trình bày quan điểm về quan hệ giữa chính phủ và người dân, giải thích vì sao người dân phải quan tâm chính trị và giám sát việc làm của chính phủ, ủng hộ đấu tranh ôn hòa xem đó là cách duy nhất vừa phản đối vừa hợp tác với chính phủ để giải quyết mâu thuẫn (tác phẩm ra đời gần một thế kỷ trước Martin L. King), nhìn nhận về tính cách con người xem đâu là những tính tốt phải rèn dũa, đâu là những tính xấu nghiêm trọng phải cố hết sức phòng tránh.

Mặc dù đối với phương Tây thì nội dung không có gì là quá mới, tuy nhiên so với thời đó ở Nhật Bản là một sự vượt trội về nhận thức. Ngoài ra so với Việt Nam ngày nay thì vẫn còn khá mới mẻ. Theo mô tả của tác giả thì xã hội và con người Nhật bấy giờ cũng không khác mấy so với VN ngày nay (hơi tốt hơn tí vì ít ra họ có chính phủ Minh Trị tiến bộ và tự do xuất bản), do đó quyển sách này cũng rất phù hợp với độc giả VN. Chỉ có điều sau khi xuất bản vài năm ở Nhật sách đã bán hơn 3 triệu bản, khoảng 1/10 dân số Nhật lúc bấy giờ, còn ở VN thì không biết đã bán được bao nhiêu bản rồi trên tổng số 90 triệu dân.

View all my reviews

Quân vương - Machiavelli

Quân VươngQuân Vương by Niccolò Machiavelli
My rating: 4 of 5 stars

"Quân vương" của Machiavelli viết về những quan điểm của tác giả về thuật trị nước của các bậc vua chúa ở châu Âu vào đầu thế kỷ 16. Sách viết rất súc tích, đi thẳng vào vấn đề và nhìn nhận một cách thực tế, được lập luận khá chặt chẽ và minh họa bằng nhiều ví dụ trong lịch sử.

Điểm đặc sắc nhất trong lối viết của tác giả là tính logic. Thay vì chỉ nói chung chung "cái này tốt, cái kia xấu" như nhiều sách "bình luận" khác, ngay từ đầu tác giả nêu rõ mục đích cốt lõi của thuật trị nước: bảo toàn tính mạng và quốc gia! Tiền đề này rất quan trọng, vì nếu không thì khó giải thích được tại sao tác giả ủng hộ một lối trị nước hà khắc, tàn bạo còn hơn hào phóng và dễ dãi. Các lập luận về sau của tác giả đều dựa chủ yếu vào tiền đề này, do vậy rất nhất quán.

Về mặt nội dung, có vẻ điểm nổi bậc nhất là tính thực dụng trong nhìn nhận của tác giả, dựa vào tiền đề nói trên và bối cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ. Đối với độc giả Việt thì có lẽ hơi khó tiếp thu vì còn xa lạ với xã hội phong kiến châu Âu thời đó. Vì vậy xét trong thời đại này thì sách có vẻ hơi lỗi thời, cách trị nước của tác giả cũng quá sơ sài, khó mà áp dụng vào tình thế hiện nay. Do vậy để hiểu tác phẩm thì nên xem xét trong bối cảnh ra đời của nó.

View all my reviews

15 August, 2016

Người cha tốt hơn là người thầy tốt

Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy TốtNgười Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt by Đông Tử
My rating: 4 of 5 stars

Sách hay về giáo dục trẻ em lứa tuổi nhi đồng, đặc biệt thích hợp với phụ huynh Việt.

Hiện nay nhiều cha mẹ trẻ Việt bắt đầu quan tâm đến giáo dục con cái (còn thực hiện đến đâu lại là chuyện khác, miễn bàn ở đây), đặc biệt theo các phương pháp hiện đại hơn so với lối dạy dỗ truyền thống. Đây là điều phấn khởi vì người ta đã nhận ra các vấn đề của lối giáo dục truyền thống và bắt đầu tìm hiểu các phương cách tốt hơn. Tuy nhiên giáo dục trẻ em vẫn còn là đề tài lớn và phức tạp, thông tin hỗn tạp thượng vàng hạ cám. Đã có nhiều sách về giáo dục trẻ em của người Nhật, người Mỹ, thậm chí là người ... Do Thái. Tìm hiểu đa dạng các phương pháp trên cũng là điều bổ ích, tuy nhiên đa số được đặt ngoài ngữ cảnh.

Thứ nhất, tác giả của các loại sách trên thường không phải là chuyên gia về giáo dục. Nhiều sách đơn thuần chỉ liệt kê những câu chuyện sến súa mang tính "ngụ ngôn", đọc lên thấy có vẻ hay hay nhưng khả năng áp dụng vào thực tế thì còn xa. Thứ hai, phương pháp nào cũng chỉ hiệu quả trong bối cảnh, môi trường nhất định. Phương pháp của Nhật sẽ khác cách làm của người Mỹ vì môi trường sống ở Nhật và Mỹ khác nhau. Thứ ba, do hiểu biết về xã hội nước khác còn hạn chế, phụ huynh đi đọc có thể sẽ gật gù, nhưng thực sự chưa hiểu rõ các phương pháp đó như thế nào. Các vấn đề này có thể được giải quyết bởi những phương pháp giáo dục của người Việt dựa trên bối cảnh và tâm lý của người Việt.

Quyển sách này của Đông Tử có thể nói đáp ứng được yêu cầu trên. Tuy là người Trung Quốc nhưng nội dung sách rất thích hợp và gần gũi với tâm lý Việt. Môi trường sống, tâm lý phụ huynh, truyền thống giáo dục của cha mẹ Trung Quốc cũng rất giống với Việt Nam. Tác giả Đông Tử là người có kinh nghiệm về vấn đề giáo dục, là người học rộng hiểu nhiều, ảnh hưởng nhiều văn minh của Tây phương nhưng biết cách vận dụng vào bối cảnh của Trung Quốc. Tôi tin rằng đây là quyển khởi động rất tốt cho các cha mẹ Việt, trước khi tham khảo các phương pháp xa lạ hơn của Nhật hay Mỹ.

Đối tượng của yếu của sách, nhưng tiêu đề sách ghi rõ, là những người cha. Điều này có thể khiến nhiều chị em khó chịu, thậm chí phẫn nộ. Nhưng thực tế mà nói, nam giới vẫn còn đóng một vai trò to lớn trong gia đình Trung Quốc lẫn Việt Nam. Dù là thế kỷ nào đi chăng nữa thì đàn ông mà không có sự nghiệp, không có thu nhập ổn định cũng khó mà lấy được vợ, còn bị coi như rác. Những ông bố thường bị đẩy ra khỏi các công việc chăm sóc em bé, vốn chỉ dành cho mẹ và bà. Trong quyển sách này, Đông Tử kêu gọi vai trò tích cực hơn của người cha trong việc giáo dục trẻ trong gia đình, giành thời gian hơn với trẻ và làm gương tốt cho trẻ noi theo. Các chị em, thay vì cảm thấy bị sỉ nhục khi tác giả không đoái hoài đến các bà mẹ, nếu vẫn tin vào vai trò bình đẳng nam-nữ thì hãy chịu khó đọc, chỉ việc thay từ "cha" trong sách bằng từ "cha mẹ" là xong, vì những nguyên tắc trong sách không chỉ dành riêng cho người cha mà là chung cho bất kỳ ai tham gia vào công tác giáo dục trẻ tại nhà.

Nội dung của sách không hẳn là phương pháp, cách giáo dục cụ thể như thế nào, mà chủ yếu tập trung vào yêu cầu để trở thành một người cha (mẹ) tốt. "Hơn là người thầy tốt" hàm ý bổn phận làm cha không chỉ dạy dỗ con bằng lời mà phải giành thời gian vui chơi cùng con, làm gương cho con bằng hành động. Sách tập trung vào việc thuyết phục người đọc tại sao phải dạy con được như vậy, minh họa bằng một vài ví dụ kinh điển, còn cụ thể như thế nào thì người đọc tùy vào hòan cảnh cụ thể mà vận dụng. Do đó khi đọc cũng nên kết hợp với suy nghĩ xem gặp trường hợp cụ thể thì bản thân mình sẽ xử trí thế nào, chứ còn đọc suông không thì e là sẽ mất thời gian vô ích.

Đặc điểm nổi bật của sách là khuyến khích lối giáo dục bằng hành động, duy trì không khí vui vẻ trong gia đình, thay vì chỉ dạy con bằng lời nói suông hay thậm chí trách mắng. Phần cuối tác giả nhấn mạnh vai trò làm gương của cha mẹ vì hành động của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái nhiều nhất. Tôi e rằng nhiều bậc cha mẹ hiện nay chưa coi trọng vấn đề này đúng mức. Tuy nhiên để làm gương được đòi hỏi cha mẹ cũng phải phấn đấu học hỏi rất nhiều, mà điều này thì lại rất khó, đặc biệt ở người lớn ở các nước khá bảo thủ như Trung Quốc và Việt Nam.

Sách hơi dông dài và nhiều đoạn lê thê dư thừa, do đó tiêu hao khá nhiều thời gian. Nếu tác giả chịu khó thu gém lại cho súc tích hơn thì đạt hiệu quả có khi còn lớn hơn. Khá nhiều chỗ còn chung chung, vẫn mang tính "ngụ ngôn", lý thuyết mà chưa đi sâu vào cụ thể. Người đọc vẫn cần phải suy nghĩ thêm và tự tìm tòi sâu hơn ở những quyển sách khác.

View all my reviews

23 November, 2015

Khói trời lộng lẫy–Nguyễn Ngọc Tư

Khói Trời Lộng LẫyKhói Trời Lộng Lẫy by Nguyễn Ngọc Tư
My rating: 4 of 5 stars

Nhận xét chung:
So với các tập truyện trước của cùng tác giả Nguyễn Ngọc Tư thì những truyện ngắn này cho thấy sự phát triển, trưởng thành trong tư duy, cách xây dựng truyện, nhân vật và văn phong.

Nhà văn mô tả cuộc sống và con người ở quê chân thực, gần gũi hơn, ít mang hơi hướng của trào lưu "ca ngợi bần cố nông" như trước. Chị Tư nhìn nhận cái tốt cái xấu của làng quê, người quê một cách đầy cảm thông và yêu mến. Câu văn tuy ngắn như dùng từ rất gợi hình gợi cảm, đặc biệt lồng vào rất nhiều từ địa phương tạo cảm giác gần gũi. Giọng văn tự nhiên, trầm bổng như thơ, rất điêu luyện. So với các tác phẩm trước thì nhà văn ít bị lỗi điệp từ (dùng một vài từ quá nhiều lần).

Về xây dựng cốt truyện: Đa phần các câu chuyện đều nhẹ nhàng, tuy nhiên vài chỗ quá lâm li bi đát một cách không cần thiết. Diễn biến câu chuyện khá nhanh, nếu nhà văn chịu viết dài hơn một tí thì có vẻ tự nhiên hơn. Một số truyện có tình tiết hoặc nhân vật hơi gượng ép, cầu kỳ.

Các nhân vật phụ trong truyện đều mang đậm chất quê, trừ nhân vật chính ra. Không biết nhà văn có bị lậm các tác phẩm kinh điển của Tây phương quá không, nhưng nhân vật chính ở hầu hết các truyện đều không mang dáng dấp một người nhà quê, ngược lại có những suy nghĩ và hành động rất phóng khoáng, lãng mạn, quý phái, như một công chúa tóc vàng hơn là một con bé đen đủi quê mùa.

Nhận xét riêng cho vài truyện ngắn trong tuyển tập:
Thềm nắng sau lưng: Rất ấn tượng vì một nữ nhà văn có thể thấu hiểu và diễn tả được nội tâm của những gã (mang dòng máu) giang hồ. Truyện tuy nhẹ nhàng nhưng chứa đựng một sự cảm thông hết sức sâu sắc.

Có con thuyền đã buông bờ: Câu chuyện tự nhiên, dễ thương, có phần lậm bài hát "Đôi mắt người xưa" thì phải. Nhân vật chính hiện ra rất thực và rất đẹp.

Rượu trắng: Ý tưởng viết về rượu và những người đàn bà nấu rượu rất hay, lột tả được hai mặt của con người, của cuộc sống.

Nước như nước mắt: Câu chuyện có lẽ hay, nếu không vì cái kết quá lãng nhách, rập khuôn các bi kịch trong các tác phẩm Tây. Nhà văn còn cố tình tỏ ra mập mờ về cái kết để thêm phần ly kỳ. Mặc dù cách kể chuyện rất hay, nhưng diễn biến thì giống kịch bản phim hơn.

Cảm giác trên dây: Dở ẹt! Đề tài người phụ nữ có gia đình êm ấm nhưng bị "say nắng" bởi trai tơ đã xưa như Trái Đất. Nhân vật khá cực đoan, một bên thì toàn vẹn mọi thứ, bên kia là trùm băng đảng có hoàn cảnh gia đình éo le. Kết cục cũng hụt hẫng, không nói lên ý nghĩa gì.

Khói trời lộng lẫy: Truyện dài nhất, bằng 1/3 cả tập truyện, và được chọn làm tiêu đề của cả tập truyện. Khổ nỗi lại lê thê, chắp vá, lan man. Ý tưởng viết về cái đẹp và sự mất mát rất hay, tuy nhiên đề tài này rất trừu tượng và cần sự đầu tư nghiêm túc hơn.
Nhà văn chọn cách kể đan xen các bối cảnh. Cách kể này có hiệu quả khi các tình tiết có sự liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên các nội dung trong truyện này rất chắp vá, không gắn kết với nhau. Thí dụ nhân vật Nhứt xuất hiện trong một đoạn, rồi biến mất luôn không để lại tăm hơi gì. Nhân vật Lam cũng thế. Ngay cả ông Sáu Câu, rồi nhân vật xuất hiện nhiều nhất là Anh (người tình của nhân vật chính) đến phần kết cũng không thấy bóng dáng đâu.
Đọc xong không hiểu cốt truyện là gì! Cứ tưởng là câu chuyện tình giữa nhân vật "Tôi" và Anh, đến cuối truyện mới té ngửa hóa ra không phải! Nhân vật chủ chốt là Phiên, ngặt nỗi nó chẳng liên quan gì tới các nhân vật khác cả, và câu chuyện xoay quanh nó rất ngắn.
Nhân vật "Tôi" có tính cách rất khó hiểu: Luôn là một người đầy tâm tư, lại rất hiểu biết về con người, cao ngạo, phán xét mọi thứ như thánh, nhưng lại có những hành động chẳng ra gì, thí dụ nói đùa "Em có thai rồi" xong chia tay. Sau lại bắt cóc em trai mình, đến khi nó hiểu ra sự thật thì "Tôi" chọn giải pháp tự thiêu. Trong khi các nhân vật các đều khá rập khuôn thì nhân vật "Tôi" khác biệt, nổi trội hẳn, có lẽ là hình ảnh tưởng tượng của chính tác giả chăng?
Ngẫm kỹ thì thấy dụng ý của tác giả là liệt kê các mất mát trong cuộc đời của "Tôi", từ đó dẫn tới vụ tự thiêu. Ý tưởng thì tốt, nhưng cách kết nối sự kiện như thế e là chưa đạt.

View all my reviews