02 November, 2014

BUDDHA: his life and teachings

Buddha: His Life and Teachings and Impact on Humanity

Title: BUDDHA – his life and teachings
Author: OSHO


Quyển sách sơ lược cuộc đời của đức Phật Thích Ca (Gautama Buddha) và những khái niệm cơ bản nhất của đạo Phật. Đây có thể xem là quyển vỡ lòng về đạo Phật dành cho những ai còn xa lạ hay muốn tìm đến những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo.

Tôi bỏ qua phần tiểu sử của Gautama Buddha, bởi vì tôi đã đọc câu chuyện đó nhiều lần rồi. Phần thứ hai của quyển sách về lời dạy của đức Phật thì khá thú vị. Khác với nhiều quyển truyền bá đạo Phật khác đa phần gom vào rất nhiều khái niệm và thuật ngữ xa lạ với người ngoại đạo, quyển sách này chỉ trình bày những khái niệm cốt lõi nhất như vô thường, vô ngã, vô thức, trung dung và niết bàn.

Đạo Phật trong quyển sách này có lẽ khác nhiều so với những gì chúng ta quan niệm. Thứ nhất là không có Thượng đế, cõi tiên bồng hay địa phủ, chẳng có ma quỷ, cũng chẳng có phần thưởng hay tội lỗi gì cả. Đạo Phật của tác giả (mà ông cho rằng gần với lời dạy của đức Phật hơn cả) gần như là một triết lý sống hướng vào tìm hiểu chính bản thân mình qua quá trình tịnh tâm và nhận thức. Đạo Phật không nói gì đến vũ trụ bên ngoài mà chỉ chú trọng đến thế giới nội tâm mỗi người chúng ta. Có thể bạn sẽ hơi bất ngờ, tuy nhiên chính tác giả cũng nhiều lần nhắc rằng đạo Phật phổ biến ngày nay đã đi rất xa so với nguyên lý cơ bản ban đầu của nó. Theo đó, đức Phật dạy rằng chúng ta nên bỏ bớt những ham muốn, suy nghĩ dư thừa để trở về trạng thái “vô thức”; còn đạo Phật ngày nay dựng “niết bàn” như một chốn an lạc nào đó, là cái đích đến để chúng ta phấn đấu làm điều thiện bỏ điều ác (ai là người phân định thiện và ác?).

Quyển sách rất hay về mặt ý tưởng, nhưng hơi dở trong cách trình bày. Thứ nhất, những lời dạy trong sách được minh họa bằng những ví dụ trong cuộc sống hiện đại, diễn đạt bằng cách hiểu và lời lẽ của tác giả, tuy nhiên được viết như thể chính đức Phật nói vậy. Do đó nói đây là lời dạy của đức Phật thì không được chính xác. Và từ đó cũng khó mà biết nội dung trong sách có đúng với quan điểm của đức Phật hay không. Mặc dù cách làm này sẽ giúp nhiều độc giả dễ hiểu, tuy nhiên cá nhân tôi không thích kiểu “nhét chữ vào mồm thánh nhân” như thế này.

Cái dở thứ hai của sách là sự cực đoan. Nhiều lần tác giả so sánh và đả kích các môn phái khác, từ Thiên chúa, đạo Hồi đến Khổng Tử, Lão Tử và cả Khoa học. Ông ta gọi các trường phái đó là “immature”, “childish”, là chậm tiến hơn so với lời dạy của đức Thích Ca cách đây 2500 năm. Chưa hết, mặc dù trong phần bàn về “trung dung”, sách dạy rằng không nên cực đoan một chiều nào cả. Tuy nhiên chịu khó lật lại vài trang đầu sẽ bắt gặp đoạn sau đây: ”I have been in the academic world and I say it through my experience. I have seen intelligent farmers, but I have not seen intelligent professors. I have seen intelligent woodcutters, but I have not seen intelligent professors”. Chưa cần bàn tới quan điểm của tác giả cho rằng kiến thức là dư thừa chỉ khiến chúng ta ngu muội đi, chỉ cần đọc đoạn này thôi đã thấy không được khớp với quan điểm “trung dung” của đức Phật rồi.

Một chỗ hạn chế của quyển sách đó là chỉ dừng lại ở đề xuất những trạng thái chúng ta cần đạt tới (như tinh thông, tịnh tâm, vô ngã) nhưng chưa hề nhắc tới làm thế nào để đạt được chúng. Quyển sách chỉ đưa ra cái đích, nhưng chưa vẽ con đường. Có thể là không có con đường nhất định nào dẫn tới “niết bàn”. Cũng có thể là có, nhưng độc giả nào quan tâm thì tự đi tìm lấy.

Tóm lại, những người quan tâm đến đạo Phật, dù có là tín đồ sùng bái đến đâu, cũng nên tìm đọc quyển sách này hoặc những quyển tương tự để đối chiếu với những gì mình đã biết về Phật giáo. Sách viết rất dễ hiểu dành cho độc giả phổ thông, ngoài ra có rất nhiều hình minh họa rất đẹp về đức Phật nên chắc chắn đọc vào chỉ có ích chứ không hại gì. Những ai muốn đào sâu thêm về Phật giáo có thể tìm những quyển nghiêm túc và công phu hơn.

08 September, 2014

Parasite Rex

Title: Parasite RexInside the bizarre world of nature’s most dangerous creatures
Author: Carl Zimmer


Một lần tôi tình cờ xem bài thuyết trình của Ed Yong trên TED Talks về Ký sinh trùng, tôi thật sự bị sốc bởi những điều diễn giả nói. Sau đó tôi quyết định phải tìm hiểu kỹ hơn về đề tài này. Tôi bắt đầu từ quyển “Little Creatures” (A. Marrin) vốn dành cho trẻ em, sơ lược về ký sinh trùng. Sau đó tôi đến với một trong những quyển sách kinh điển nhất về đề tài này, đó là “Parasite Rex” của Carl Zimmer.

Đối với những người còn vững tin vào những điều lãng mạn trong cuộc sống như tình yêu, chân lý, tâm hồn, sự tinh khiết, … thì quyển sách này sẽ gây ra nhiều cú sốc. Thế giới tự nhiên trong sách, thế giới của loài ký sinh trùng, không hề “lãng mạn” chút nào hết (nếu hiểu “lãng mạn” theo nghĩa thông thường). Chúng len lỏi ở khắp mọi nơi, từ đống phân, nước bọt, máu, ruột gan và cả não bộ của các động vật chủ, chống chọi với hệ thống miễn dịch, giao phối và đẻ trứng theo những kiểu “lạ đời” nhất. Đó là một thế giới hỗn loạn và xấu xí. Nhưng thế giới đó có thật.

Trải qua hàng tỉ năm tiến hóa, ký sinh trùng không chỉ là loài phổ biến nhất Trái Đất mà còn đứng nhất về phong phú về chủng loài và khả năng sinh tồn. Vì có vòng đời phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn mà ở mỗi giai đoạn chúng có hình dạng cấu tạo khác nhau và sống trong cơ thể của một loại vật chủ nhất định, ký sinh trùng đã phát triển được xảo thuật điêu luyện để đi tìm và đột nhập vào vật chủ, khống chế hệ thống miễn dịch và nhiều khi cả hệ thống thần kinh của vật chủ đó. Những sinh vật bé nhỏ và “đơn giản” này có thể triệt tiêu khả năng sinh sản của vật chủ, điều khiển vật chủ từ bên trong biến vật chủ trở thành một “bù nhìn” đi kiếm thức ăn và bảo vệ chúng. Thí dụ như có loài ong đẻ trứng vào bụng của sâu róm. Trứng nở ra ấu trùng ong bên trong bụng sâu róm, tiêu hóa “ruột gan” của sâu để sống. Con sâu tội nghiệp chỉ biết tranh thủ ăn càng nhiều càng tốt để đủ sức “nuôi” ấu trùng. Đến khi ấu trùng ong trưởng thành, chúng mổ bụng sâu chui ra ngoài và tạo kén. Con sâu bị biến thành một “bù nhìn” ngày đêm canh gác bảo vệ đám kén này. Đến khi kén lột xác thành ong con bay đi thì con sâu lăn đùng ra chết. Hoặc có loài ký sinh trong bụng cá, chúng điều khiển cá bơi gần mặt nước, thỉnh thoảng lật ngang bụng để “dụ” chim tới. Chim ăn cá, và ký sinh trùng chui vào bụng chim để trưởng thành.

Cuộc đấu tranh sinh tồn của ký sinh trùng còn nhiều phức tạp hơn thế. Có loài vi trùng biết đẻ số lượng trứng sao cho phù hợp với mật độ “dân số”, nếu chúng đẻ quá nhiều, cơ thể vật chủ sẽ suy nhược và chết, và chúng sẽ chết theo, do đó chúng phải đảm bảo khai thác vật chủ ở một giới hạn nhất định để vật chủ vẫn còn sống “ngáp ngáp”. Do đó ký sinh trùng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết “dân số” của các loài. Sự xuất hiện hay biến mất của một loài ký sinh trùng nào đó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Hơn thế nữa, ký sinh trùng còn tham gia tích cực vào tiến hóa. Kết quả nghiên cứu mới đây đã khẳng định điều tác giả đề cập trong sách, đó là khi vật chủ tiến hóa thành các loài khác nhau thì ký sinh trùng cũng tiến hóa theo. Trường hợp ngược lại cũng có thể đúng, đó là dưới áp lực tấn công của ký sinh trùng, vật chủ phải tiến hóa để chống chọi tốt hơn. Một ví dụ “khó tin” nhất là sự hình thành giới tính. Ở những loài vừa có khả năng tự sao chép bản thân vừa có khả năng giao phối, khi chúng bị ký sinh trùng tấn công thì càng có khuynh hướng sinh sản bằng giao phối, mục đích để sinh ra nhiều biến dị mới có khả năng miễn nhiễm chống lại ký sinh trùng.

Và còn hàng chục câu chuyện ly kỳ khác nữa được trình bày mạch lạc. Mỗi mẩu chuyện trong sách là kết quả sau cả chục năm dài nghiên cứu của các nhà sinh vật học. Đó là công việc đòi hỏi sự cần cù tỉ mỉ và trên hết là sự yêu nghề vì những sinh vật ký sinh không những rất bé nhỏ, sống chui rúc vào ngóc ngách trong cơ thể của các loài khác mà chúng còn biến hóa liên tục. Sự phức tạp của ký sinh trùng cũng là cái tạo nên “nét quyến rũ” của chúng.

Quyển sách này mở ra cho chúng ta thấy rằng thế giới này thật sự rất phức tạp với bao điều chúng ta chưa khám phá hết. Những định kiến của chúng ta như quy luật tiến hóa từ sinh vật đơn giản đến phức tạp, sự đấu tranh sinh tồn, bản năng và bản chất của sinh vật, ý nghĩa của cuộc sống, etc, đều cần được xem xét lại dưới một lăng kính khác mà quyển sách này trình bày dưới góc độ của ký sinh trùng. Quyển sách này chắc chắn sẽ thay đổi thế giới quan của bạn, tin tôi đi!

06 August, 2014

Việt Nam Khai Quốc

BirthofVNTitle: The Birth of Vietnam
Author: Keith W. Taylor

Bản dịch: Việt Nam Khai Quốc
Dịch giả: Lê Hồng Chương, Đinh Từ Bích Thủy


Một quyển sách lịch sử rất hay và súc tích về 1000 năm đầu tiên của nước Việt từ thuở vua Hùng và các Lạc hầu đến khi nhà Đường kiểm soát toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng. Như tiêu đề ghi rõ, đây là thời kỳ khai sinh và định hình dân tộc Việt, sự bùng nổ dân số, phát triển văn hóa từ làng xã lên phong kiến, từ truyền thống thờ cúng tổ tiên đến sùng bái đạo Phật và từ một nhóm ô họp các bộ lạc đến hình thành ý thức một cộng đồng chung.

Nói đến Lịch sử và sách lịch sử thì có lẽ nhiều người nghĩ đây là những thứ nhàm chán khô khan bị nhồi vào đầu óc non dại của trẻ nhỏ bằng hàng chục trang chữ ngổn ngang phải thuộc lòng. Xin thưa, quyển sách này hoàn toàn khác. Mặc dù nó vẫn có giá trị của một tài liệu khảo cứu kỹ lưỡng của Keith W. Taylor, giáo sư Sử học của Cornell chuyên về Sử Việt Nam, với rất nhiều nguồn tham khảo tin cậy của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng không vì thế mà quyển sách đánh mất tính thi vị của nó. Cách sắp xếp sự kiện nhân vật khéo léo cùng với lối hành văn mạch lạc đã khiến quyển sách như một “văn học sử”, kể một câu chuyện sinh động và xuyên suốt theo chiều dài lịch sử chứ không đơn thuần liệt kê ra những sự kiện.

Tinh thần chung mà tác giả muốn thể hiện qua quyển sách này là sự hình thành ý thức về một văn hóa bản địa của người Việt. Qua một ngàn năm Bắc thuộc nhưng người Việt vẫn giữ được tiếng nói và văn hóa của riêng mình. Những lãnh tụ của người Việt, dù xuất thân là người bản xứ hay gốc Trung Hoa, đều phải biết dựa theo phong tục, tinh thần bản địa để có thể cai trị vững vàng. Chính khuynh hướng này đã gắn kết các sự kiện lịch sử với nhau, tuy nhiên cũng vì vậy mà đôi khi tác giả khá gượng ép khi diễn đạt ý nghĩa các sự kiện. Một điều chúng ta cần nhớ khi theo dõi lịch sử là sự thiếu vắng cũng như thiếu chính xác của tài liệu số liệu mà sinh ra nhiều phỏng đoán theo cảm nghĩ chủ quan của người viết. Đây là thời kỳ “tăm tối” trong lịch sử Việt Nam vì thiếu rất nhiều tài liệu ghi chép được giữ lại đến ngày nay. Tác giả đã cố gắng lấp đầy những khoảng trống đó bằng những suy đoán đôi khi hơi chủ quan. Dẫu sao đi nữa thì việc đó cũng giúp tạo được một mạch lạc chung cho toàn quyển sách.

Một điều thú vị của quyển sách là việc khảo sát lịch sử Việt Nam trong bối cảnh chính trị của Trung Quốc. Chúng ta biết rằng đó là thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam được xem là một quận/châu của Trung Quốc. Do đó việc suy xét sử Việt Nam trong tương quan với sử Trung Quốc là một việc làm rất cần thiết để đảm bảo tính logic. Như sách đã dẫn ra nhiều thí dụ, các cuộc nổi dậy chống Trung Quốc của Việt Nam thời kỳ này chỉ xảy ra khi triều đình Trung Quốc bị suy yếu. Ngược lại, trong những thời kỳ hưng thịnh của phong kiến Trung Hoa thì tình hình của miền An Nam xa xôi cũng lắng dịu hẳn.

Dù đây là một quyển sách lịch sử rất hay và đáng đọc, nhưng tôi cũng xin có vài lưu ý. Đối với người Việt Nam, identity issue vẫn còn là một vấn đề rất to lớn. Quyển sách này động chạm tới phần nhạy cảm đó trong tâm hồn Việt qua việc cố giái thích nguồn gốc của dân tộc Việt. Mặc dù thông điệp của tác giả đa phần ủng hộ văn hóa bản sắc bản địa của người Việt, quyển sách sẽ không tránh khỏi nhiều chỗ “sự thật mất lòng”. Đối với những ai muốn nghiêm túc tìm hiểu về nguồn gốc của dân tộc mình với một tinh thần cởi mở thì đây là một quyển sách tuyệt vời cho mục đích đó. Ngược lại, những người trung thành với sách lịch sử do các nhà Sử học trong nước biên soạn xin đừng mất thời gian tìm hiểu thêm một góc nhìn dù chỉ hơi khác một chút.

Đọc một quyển sách không chỉ thu nhặt được những sự kiện có thật mà người đọc còn bị ảnh hưởng bởi tư duy của tác giả. Như đã đề cập ở trên, quyển sách này xét lịch sử của một quốc gia trong mối tương quan với các sự kiện ở các nước láng giềng để người đọc có cái nhìn toàn diện hơn. Đó là một tư duy lịch sử cần có của một người học nghiêm túc. Quyển sách còn phác họa những cuộc nổi dậy chống chính quyền Trung Quốc ở Việt Nam như những cuộc chiến tranh giành quyền lực cá nhân hơn là vì một lý tưởng ái quốc cao rộng nào đó (mà mãi đến tận thế kỷ 19, 20 mới dần được du nhập vào Việt Nam). Ngoài ra, những lãnh tụ được lòng dân, trị vì lâu dài đa phần là những người học rộng hiểu sâu, thường là từ Nho học mà ra, chứ không phải là những kẻ phàm phu lấy gươm đao làm công cụ.

Cuối cùng xin cho vài lời về bản dịch. Chúng ta cần lưu ý rằng dịch sách lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam, từ một học giả phương Tây là một điều không hề dễ dàng. Chỉ riêng việc tìm lại tên các nhân vật bằng tiếng Trung hay tiếng Việt thôi cũng đã đòi hỏi người dịch phải có một vốn liếng kiến thức nhất định nào đó. Mặc dù có nhiều chỗ dịch/in sai và chọn từ ngữ chưa thật sự uyển chuyển, tôi cũng rất cảm kích hai dịch giả đã dày công biên dịch lại quyển sách này cho những người Việt lười đọc ngoại ngữ như tôi đây.

26 May, 2014

Mistakes were made (but not by me)

Mistakes Were Made (But Not by Me): Why We Justify Foolish Beliefs, Bad Decisions, and Hurtful Acts

Title: Mistakes were made (but not by me)
Authors: C.Tavris & E.Aronson


Hai nhà tâm lý học C.Tavris và E.Aronson dành trọn một quyển sách để bàn luận về một trong những hành động khó thực hiện nhất của con người: nhận lỗi! Cũng từ việc không thể nhận ra những sai sót của bản thân nên sinh ra biết bao rắc rối và đau khổ, từ chuyện nhỏ nhặt như cãi vã nhau đến cả chiến tranh.

Phần đầu của quyển sách sơ lược về lý thuyết “cognitive dissonance” mà hệ quả của nó là “self-justification” (tự bào chữa). Não bộ của chúng ta luôn có nhu cầu phải nhất quán mọi sự kiện, do đó tìm cách sửa đổi thông tin, tức cách chúng ta nhìn nhận và ghi nhớ sự kiện, sao cho có lợi cho mình nhất. Kết quả ai cũng nghĩ mình làm những điều đúng, bản thân ta là người tốt. Vậy ai là thủ phạm của mọi điều xấu xa?

Một sự thật kinh hoàng được bàn luận rất kỹ là trí nhớ của chúng ta không phải là nơi lưu trữ thông tin đáng tin cậy. Thực tế là trí nhớ bị sửa đổi, tẩy xóa rất nhiều lần tùy thuộc vào quan điểm mới của chúng ta. Thậm chí sự tồn tại của “trí nhớ giả” (false memory) lại rất phổ biến, người ta có thể “nhớ lại” những sự việc chưa hề xảy ra!

Phần sau của quyển sách vận dụng hai tính chất của bộ não ở trên để đi sâu vào vài thí dụ điển hình: Những người bị “trí nhớ giả” làm nhân chứng trong tòa án, thậm chí chính họ “tự thú” những tội ác họ không hề làm; cảnh sát ép cung nghi can; tòa án phán xét sai lầm; vợ chồng cãi nhau đến nỗi ly dị; xung đột giữa các nhóm người và chiến tranh. Tất cả đều có một điểm chung là sự bảo thủ, niềm tin tuyệt đối vào một giả thuyết mà ngay cả khi hậu quả xảy ra cũng không ai nhận ra mình đã sai. Hai trường hợp sau (hôn nhân và chính trị) thì tôi nghĩ rằng tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết “cognitive dissonance” hơi thái quá vì thực chất hai trường hợp này đều phức tạp hơn nhiều chứ không đơn thuần do người ta cố chấp mà ra.

Sách viết rất dễ hiểu và lôi cuốn với nhiều minh họa bằng những kết quả nghiên cứu nghiêm túc, những sự kiện có thật và nổi bật. Sau cùng, quyển sách thực sự rất bổ ích giúp chúng ta có cái nhìn khắt khe hơn với những niềm tin cố hữu của bản thân, tự chất vấn bản thân và có thể nhận ra sai sót để sửa chữa. Tất nhiên việc nhận ra sai lầm không phải là dễ dàng gì, nhưng ít ra biết được cơ chế của ngụy biện và bảo thủ sẽ giúp chúng ta cảnh giác với chúng hơn rất nhiều. Tôi cũng đã qua cái thời thích đọc một câu chuyện nhỏ rút ra một (vài) bài học lớn, bây giờ tôi thích đọc một quyển sách dày nhưng chỉ tập trung vào một bài học nhỏ thôi, và đây là một quyển như thế.

28 April, 2014

Little Monsters

Little Monsters: The Creatures that Live on Us and in Us: The Creatures that Live on Us and in Us

Title: Little MonstersThe creatures that live on us and in us
Author: Albert Marrin


Một quyển sách rất súc tích, phong phú nội dung và minh họa và rất dễ hiểu về ký sinh trùng, những sinh vật sống bám trên cơ thể của các động vật khác, đặc biệt là con người. Được viết chủ yếu cho độc giả thiếu nhi, cách trình bày của sách rất mạch lạc, sáng sủa, dễ hiểu, không đi quá sâu vào chuyên môn cũng như không sử dụng quá nhiều thuật ngữ. Nội dung sách sơ lược về bộ môn nghiên cứu ký sinh trùng, phương pháp và những bác sĩ, nhà nghiên cứu nổi bật, tiếp đến sách đi vào giới thiệu vài loài ký sinh phổ biến và các căn bệnh nguy hiểm do chúng gây nên. Vài trang cuối của sách dành do giáo dục vệ sinh cá nhân để phòng tránh ký sinh trùng.

Cách đây một ngàn năm khi kính hiển vi chưa xuất hiện, người ta có hiểu biết cực kỳ hạn chế về sinh vật và bệnh tật. Họ nghĩ ruồi sinh ra từ xác chết, chuột gián nảy nở từ trong bãi rác, và bệnh tật là do Chúa trời trừng phạt người có tội lỗi và cách chữa bệnh phổ biến là … cầu xin Chúa tha tội. Đồng thời cũng phổ biến một cách trị bá bệnh bằng cách rút bớt máu “độc” trong người ra (“cạo gió”). Thực ra hiện nay những quan niệm này vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.

Từ khi kính hiển vi ra đời cho phép các bác sĩ và nhà khoa học quan sát những sinh vật tí hon, tế bào và tìm hiểu cách lan truyền của bệnh tật, cùng với nỗ lực to lớn (và mạo hiểm) của nhiều nhà nghiên cứu, sau cùng bí ẩn đằng sau dịch bệnh đã dần được làm sáng tỏ. Đến nay người ta ước lượng có đến 80% sinh vật trên trái đất sống bằng cách ký sinh. Mỗi loài là ký sinh của loài này, nhưng đồng thời cũng là vật chủ của nhiều loài ký sinh khác. Con người chúng ta cũng đang nuôi dưỡng hàng ngàn con rận trên da, tóc, giun trong ruột và vi khuẩn trong máu.

Nhiều loài ký sinh có sức lan truyền rất mạnh mẽ và nguy hiểm cho tính mạng con người. Muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết được coi là thủ phạm cướp đi nhiều nhân mạng nhất trong lịch sử loài người, nhiều hơn tất cả những yếu tố khác (bom đạn, đói kém,… ) cộng lại! Bệnh dịch hạch gây ra bởi chuột (và bọ chét của con chuột, và con vi khuẩn sống trong con bọ chét) từng đào mồ chôn 1/3 dân số châu Âu trong một trận đại dịch kinh hoàng.

Nhưng có thời loài bọ chét và rận được xem là “thú cưng” của các nhà quý tộc châu Âu. Họ nuôi bọ chét để làm cảnh, thậm chí một thi sĩ còn xem việc con rận hút máu mình và người yêu là “máu đôi ta hòa quyện vào nhau không bao giờ chia lìa”. Một bộ tộc bên Nga có phong tục cầu hôn bằng cách … ném rận vào người yêu! Thậm chí bên Thụy Điển người ta dùng bọ chét để bầu cử (ứng cử viên ngồi xung quanh bàn tròn, thả con bọ chét vào chính giữa, nó nhảy vào người nào thì người đó đắc cử!).

Đa số các loài ký sinh đều có vòng đời rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn chuyển hóa trên các vật chủ khác nhau. Do đó chúng cũng phát triển nhiều “tiểu xảo” để thích nghi tốt nhất. Loài đỉa có chất chống đông máu và giảm đau trong nước bọt khiến chúng ta không hề có cảm giác bị chúng cắn và hút máu. Nhiều loài giun chui vào cơ bắp của vật chủ (heo, bò), tự bọc mình trong những bộ “áo giáp” mà chỉ nước bọt của loài ăn thịt (như con người) mới làm tan chúng ra để chúng sống và trưởng thành bên trong ruột của vật chủ mới. Thậm chí có loài ký sinh của cá vì muốn chui vào bụng của loài cò nên tiết ra hóa chất khiến con cá bơi gần mặt nước tạo thuận lợi cho cò ăn thịt.

Đó chỉ là vài ví dụ trong hàng loạt mẩu chuyện cực kỳ lý thú được trình bày trong quyển sách bé nhỏ này. Tôi chắc chắn rằng mỗi trang sách là một khám phá đầy bất ngờ cho các độc giả nhỏ tuổi lẫn người lớn.

15 April, 2014

The Physicists

The PhysicistsTitle: The PhysicistsA generation that changed the world.
Author: C.P.Snow
Published in 1981

C.P.Snow là nhà Vật lý người Anh, hoạt động trong kỹ thuật quân sự thời Thế chiến và về sau trở thành nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng. Trong năm cuối đời ông soạn thảo quyển sách này và nó được xuất bản sau khi ông mất.

Quyển sách dựng lại bối cảnh khoa học và chính trị xã hội thời cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Đó là thời kỳ hoàng kim của Vật lý khi những mầm mống cho các phát minh vĩ đại được nảy chồi, Vật Lý cổ điển chuẩn bị được thay thế bởi một hệ thống Vật Lý mới chính xác hơn, sâu rộng hơn. Mở đầu là các phát hiện chấn động thế giới về cấu tạo của vật chất, về electrons, hạt nhân nguyên tử, protons, neutrons, về vật liệu phóng xạ. Sang đầu thế kỷ 20, nghiên cứu về không-thời gian và sự hợp nhất của năng lượng và khối lượng của Einstein đã thay đổi thế giới hoàn toàn bằng sự ra đời của bom nguyên tử và bom nhiệt hạch.

Tác giả lật lại những phát minh vĩ đại trong Vật Lý có ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử loài người trong không khí hưng phấn trước nhiều cơ hội mới của các khoa học gia và tình trạng căng thẳng về chính trị. Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử của Mỹ, hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản và cuộc chạy đua vũ trang hậu Thế chiến đã đưa các nhà Vật lý vào tâm điểm của thế kỷ 20. Trong phần phụ lục có bài phát biểu cực kỳ sâu sắc và ấn tượng của chính tác giả về đạo đức và trách nhiệm với xã hội của các nhà Vật lý.

Như một người kể chuyện, quyển sách lần lượt điểm qua những nhân vật và sự kiện quan trọng một cách mạch lạc, trôi chảy và có phần lãng mạn (điểm khác biệt so với nhiều quyển sách khô khan về lịch sử khoa học). Các Vật lý gia được mô tả như những con người bình thường (chứ không phải robot hay kẻ lập dị như nhiều người tưởng tượng), có tình cảm riêng tư, có cá tính, ưu và nhượt điểm. Xung quanh các nhân vật, sự kiện đó là những lời đồn đại, tranh luận, dị nghị của đồng nghiệp và những người ngoại đạo. Tất cả những điều này tạo nên một khung cảnh toàn diện, náo nhiệt của Vật Lý thế kỷ 20.

Tuy nhiên, nhiều phần trong quyển sách còn khá sơ sài, chưa hoàn chỉnh, nhiều đoạn không rõ ý tác giả muốn nói gì. Có lẽ là vì tác giả viết bản thảo này hầu hết từ trí nhớ chứ chưa kịp tra cứu tư liệu như trong lời nói đầu đã nói trước. Nếu tác giả đầu tư được nhiều thời gian hơn thì tôi nghĩ đây sẽ là một trong những quyển sách lịch sử Vật Lý hay nhất. Một điểm nữa, tác giả là người Anh và là nhà văn nên tiếng Anh sử dụng trong quyển này khá hoa mỹ, cầu kỳ khiến tôi phải đọc mỗi câu văn hai ba lần mới hiểu.

16 March, 2014

Đất Gia Định xưa

Tiêu đề: Đất Gia Định xưa
Tác giả: Sơn Nam
Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh (năm 198x)
--------------------------------------------------

(hình lấy từ sachxua.net)
Tên gọi Gò Vấp vì nơi ấy xưa kia là một ngọn đồi trồng nhiều cây vấp. Tương tự, vùng Hóc Môn trước đây chính là một cái hóc trồng nhiều cây môn. Cũng như thế, Bến Tre đất cũ chính là nơi trồng rất nhiều tre (sao không gọi Bến Dừa nhỉ? Chứng tỏ hồi xưa tre ở đây phải nhiều lắm lắm). Còn cù lao ông Chưởng mang ý nghĩa tưởng niệm Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh...

Những chi tiết thú vị như vậy các bạn có thể tình cờ tìm thấy trong cuốn "Đất Gia Định xưa" này đây. Nhưng địa danh chỉ là một trong nhiều minh họa nhỏ cho những nội dung lớn hơn được nêu trong cuốn sách, đó là viết về vùng đất Gia Định xưa, vào cái thuở vừa được khai hoang lập ấp cho tới khi nên dáng nên hình. Thực ra, sách không chỉ nói riêng vùng Gia Định (một phần của Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh sau này) mà còn mở rộng ra cho khắp cả vùng Nam Bộ.

"Việc khẩn hoang rõ ràng là diễn ra rất phức tạp."

Từ xa xưa, vùng đất này đã có một số tộc người sinh sống. Nhưng trải qua năm tháng, họ rốt cuộc đã không thể chịu đựng được cảnh nước nôi lũ lụt và điều kiện thiên nhiên còn quá hoang sơ nơi này nên mới bỏ đi lên vùng đất cao ráo hơn, chính là vùng Biển Hồ (Campuchia) ngày nay. Chỉ từ khi dân Việt từ miền ngoài vào đây, cộng thêm một số người Hoa... vượt biển tìm tới, đã cải tạo thành công vùng phèn chua, ngập úng, nước lớn nước ròng này thành những làng quê trù phú, ruộng đồng thẳng cánh có bay. Họ đã đem sức người đào vét tạo nên một hệ thống chằng chịt những kênh mương mới, cải tạo lại dòng chảy, chiến đấu với cá sấu, cọp hùm, và tìm mọi cách để có thể tận dụng ưu thế màu mỡ phù sa của đất đai để rồi sinh tồn và phát triển ngày một đông đúc, giàu có. Biết được như vậy, ta càng thêm trân trọng và kính phục công lao của ông cha thuở xưa đã lao động quên mình, để lại cho con cháu ngày nay một dải giang sơn đẹp hơn lụa là gấm vóc.

Một nội dung lớn khác cũng được nêu bật trong sách đó là sự tổ chức xã hội từ thấp (làng, xã, thôn, ấp) tới cao (trấn, phủ, tỉnh) ở vùng Nam Bộ xưa. Những người di dân vào đây vốn thuộc rất nhiều thành phần, tầng lớp, kẻ giàu người nghèo, quý tộc, bần nông, những phường thảo khấu, hay phạm nhân đi đày, hoặc kẻ chạy trốn... đều có cả. Nhưng đa phần trong số họ là những con người có dũng khí, khi ra đi mang theo một niềm hi vọng lớn lao về cuộc đời mới bớt khốn khó hơn, được tự do hơn. Tác giả đã rất kì công khi đưa vào sách khá nhiều số liệu, dẫn chứng nhằm minh họa cho tình hình xã hội lúc bấy giờ, từ số lượng làng ấp được lập thành ở một số địa phương chính, số hộ dân trong các làng ấp, diện tích các sở ruộng của những điền chủ, đại điền chủ có tiếng thời đó, hay tiền lương được nhận và tô thuế phải nộp của tá điền và dân lao động... Thiết nghĩ đây là một tài liệu hữu ích và cơ bản cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Nam Bộ xưa, hoặc chỉ đơn giản là để có thể hiểu cặn kẽ hơn mỗi khi đọc truyện hay xem phim của Hồ Biểu Chánh.

Tác giả cuốn sách này là một nhà nghiên cứu rất am hiểu về Nam Bộ, nhà văn Sơn Nam. Tên tuổi của ông có lẽ đã quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Ông còn được gọi bằng những danh xưng gần gũi như "Ông già Nam Bộ", hay "Nhà Nam Bộ học"... Riêng với tôi, điều khiến tôi cảm thấy lôi cuốn hơn khi đọc "Đất Gia Định xưa" đó chính là cái duyên cái nợ cái tình của bản thân với vùng đất phương nam này. Vốn quê gốc bắc, sinh trưởng ở trung, nhưng từ khi vào Sài Gòn đi học, có nhiều dịp được sống cùng những con sông cái nước đã khiến tôi yêu tự bao giờ con người và cảnh vật miền nam. Có khi tôi tự hỏi, không biết có phải kiếp trước mình chính là một người con của Nam Bộ không nữa, mà sao giờ gặp mặt lại cảm thấy rất đỗi thân thuộc yêu thương.
Tôi thật sự thích cuốn sách này, một tài liệu nghiên cứu có giá trị, một cuốn sách tham khảo thú vị và hữu ích. Biết đâu, bạn cũng sẽ thế!

09 February, 2014

Nhà Tây Sơn

Tiêu đề: Nhà Tây Sơn
Tác giả: Quách Tấn, Quách Giao
Nhà xuất bản Trẻ (bản in năm 2011)
------------------------------------------

Những ai yêu thích lịch sử, muốn tìm về lịch sử hoặc đơn giản là mang đôi chút tư tưởng hoài cổ sẽ tìm thấy được rất nhiều điều mới mẻ và quý báu từ cuốn sách này. Đây trước hết là một công trình nghiên cứu có giá trị về mặt tư liệu về một triều đại ngắn ngủi nhưng oai hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nó cũng có thể được xem như một tập tiểu thuyết dã sử nhỏ gọn, đủ sức làm cho người đọc cảm thấy hứng thú và cuốn hút để có thể đọc một mạch từ chương này sang chương khác mà không cảm thấy khô khan, ngộp thở với những số liệu, chứng cứ như khi tiếp xúc với những cuốn sách mang tính hàn lâm, giáo khoa khác.

Câu chuyện được bắt đầu từ thuở khai thôn lập ấp nơi vùng đất Tây Sơn của dòng họ Hồ vốn là tổ ba đời của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cho đến khi Gia Long xưng đế hiệu, nhưng trọng tâm vẫn là từ khi ba anh em nhà Tây Sơn bắt đầu mưu nghiệp lớn cho tới khi nhà Tây Sơn bị sụp đổ. Giai đoạn trên thật sự không dài, tính ra chỉ 24 năm, nhưng đó lại là lúc lịch sử thế giới chứng kiến sự rục rịch chuyển mình từ xã hội phong kiến lạc hậu sang nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Các tác giả không chỉ tập trung riêng vào những chiến công hiển hách của ba anh em nhà Tây Sơn (không riêng gì Nguyễn Huệ) trong suốt quá trình nam chinh, bắc chiến, diệt trừ ngoại xâm, mà sách còn cung cấp thêm nhiều thông tin mới mẻ và thú vị về nhiều nhân vật lịch sử, tướng lãnh đương thời khác. Nội dung cuốn sách đã khái quát một cách khá đầy đủ quá trình hình thành, xây dựng, củng cố rồi tan rã của một triều đại mà tiếng vang của nó vẫn còn vọng đến mai sau. Những câu chuyện được kể đã hé lộ những nguyên nhân phải nói là hết sức đáng tiếc từ bên trong lẫn bên ngoài (nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là từ bên trong) đã dẫn đến kết cục bi thảm của những vị anh hùng mà tư tưởng canh tân của họ đáng ra đã có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển của đất nước.

Sách được biên soạn bởi hai nhân sĩ xứ Bình Định, đó là nhà văn lão thành Quách Tấn và con trai ông, Quách Giao. "Tác phẩm này là kết quả của một tâm huyết lớn, khao khát thể hiện lại sự thật  lịch sử trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tác giả."(*) Đồng thời, đó còn là sự thể hiện tấm lòng tôn kính, tưởng nhớ của nhân dân, nhất là những người con đất võ, đối với các vị anh hùng dân tộc.

Lịch sử luôn để lại cho hậu thế những bài học thật quí báu và việc đọc những tác phẩm giàu tính tư liệu như Nhà Tây Sơn cũng là một cách học sử hiệu quả vậy.

--------------
(*) trích trong Lời đầu sách

31 January, 2014

Secrets, Lies and Democracy

Title: Secrets, Lies and Democracy (1994)
Author: Noam Chomsky – David Barsamian
_____________________

Đây là quyển sưu tập những bài phỏng vấn Noam Chomsky (giáo sư ngôn ngữ học của MIT, nhưng nổi tiếng ở phê bình chính trị) thực hiện bởi David Barsamian, trên một phạm vi chủ đề rộng lớn, từ những vấn đề của xã hội Mỹ như dân chủ, quyền của tầng lớp lao động, y tế, an sinh, đến chính sách đối ngoại của Mỹ đối với các nước nghèo ở Nam Mỹ và châu Á.

Trong phạm vi một quyển sách (rất) nhỏ và trong hoàn cảnh trả lời phỏng vấn, Noam Chomsky chỉ trình bày những nhận định chung nhất xoay quanh các vấn đề to lớn trên. Do đó sách phần nào thiếu đi nhiều chi tiết, số liệu và trích dẫn cụ thể. Tuy nhiên sẽ là một nguồn tham khảo thú vị cho những ai không quá bận tâm đến chính trị.

Những ai đã từng đọc Noam Chomsky đều ấn tượng ở ông một cái nhìn mới mẻ, độc lập, đứng về phía người lao động, quần chúng. Ông cực lực phản đối những thủ đoạn của các tập đoàn tư bản để thu gặt nhiều quyền lợi mà quên đi đời sống của người dân. Không giống như nhiều người đấu tranh dân chủ chỉ xoay quanh lý lẽ suông, Noam Chomsky sở hữu một tư duy độc lập (critical thinking), sự hiểu biết uyên thâm sau hàng chục năm theo dõi các sự kiện lịch sử, chính trị, kinh tế. Những điều ấy khiến cái nhìn của ông khách quan và thuyết phục hơn hẳn.

Có thể nhiều người Mỹ không thích lối suy nghĩ của ông, nhưng tui đoán là Noam Chomsky sẽ được yêu thích ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, châu Á và những nước (ganh) ghét Mỹ. Cũng cần lưu ý là quyển sách xuất bản vào năm 1994, cách đây 20 năm nên một số chính sách đã thay đổi đi nhiều.

29 January, 2014

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi–Tập 3

Title: Follow Your HeartFinding Purpose in your Life and Work
Author: Andrew Matthews

Bản dịch: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – tập 3
Người dịch: Dũng Tiến – Thúy Nga
NXB Trẻ (2011)

----------------------------------------

Đây là tập thứ ba trong bộ sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” do Dũng Tiến – Thúy Nga dịch từ tác giả Andrew Matthews (xin nhắc lại rằng, ngoài thị trường hiện giờ có rất nhiều quyển sách có tựa rất giống, khi mua xin kiểm tra tên tác giả và dịch giả). Cũng như quyển đầu tiên “Being Happy”, phương châm của quyển này là thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về bản thân và công việc để cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống hiện tại và vươn tới thành công.

Sách trình bày những nguyên tắc suy nghĩ và làm việc tích cực cần thiết trong cuộc sống, làm thế nào để tập yêu thích công việc hiện tại, tìm kiếm niềm đam mê và kiên trì theo đuổi nó. Tác giả cố gắng trả lời rất nhiều câu hỏi xung quanh chủ đề này, chỉ ra những quan điểm về công việc, tiền bạc mang tính tiêu cực và cách để cải thiện tình hình. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng với công việc, cuộc sống và bản thân thì quyển sách này sẽ là nguồn tham khảo, động viên rất bổ ích.

Tuy nhiên đối với người khá hài lòng với cuộc sống hiện tại như tui thì quyển sách này không thật sự ấn tượng, so với quyển đầu tiên “Being Happy”. Nội dung không được phong phú, ngoài việc tác giả cố lặp đi lặp lại phương châm tự hài lòng với cái mình đã có và theo đuổi đam mê. Nhiều mục tui không hiểu tác giả muốn nói gì vì quá ngắn và mơ hồ. Nhiều lời khuyên khá sáo rỗng, sến rện, ví dụ minh họa hơi ít và đa số mang tính giả tưởng và chủ quan.

Dẫu sao tui vẫn nghĩ rằng chúng ta có thể thu nhặt được nhiều bài học bổ ích qua quyển sách nhỏ này.

14 January, 2014

You are Not so Smart

Title: You are not so smart
Author: David McRaney
_____________________________

Một quyển sách rất hay về Tâm lý học! Đối với những người hứng thú với tư duy nhưng lại không đủ thì giờ để nghiên cứu bài bản thì đây là một quyển vỡ lòng về Tâm lý học rất tốt. Nội dung của quyển sách, như tiêu đề ghi rõ, là chỉ ra những sai lầm trong lập luận và nhận thức của con người, mà nguyên nhân sâu xa là do cách hoạt động của bộ não chúng ta khác xa với những gì chúng ta vẫn tưởng tượng.

Những năm cuối thế kỷ 20 khi nền kinh tế thị trường phát triển cực kỳ mạnh mẽ, các tập đoàn có nhu cầu quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, tìm đủ mọi cách để móc túi khách hàng, từ đó sự đầu tư vào nghiên cứu tư duy con người cũng tăng nhanh. Nhờ các thiết bị đo đạc hiện đại và các phương pháp nghiên cứu mới, người ta đã tìm hiểu được nhiều hiện tượng tâm lý của con người mà đi ngược với quan điểm truyền thống. Quyển sách này trình bày những hiện tượng tâm lý như thế.

Tôi thích hầu hết các chương trong sách. Một trong những chương ấy là “Self-Handicapping”: Trước khi làm điều gì đó lớn lao, chúng ta thường tự tạo sẵn những cái cớ để biện hộ cho sự thất bại (và vì thế ta thất bại!). Một chương khác là “Confabulation”: Chúng ta thường tự tạo ra những ký ức giả để tự biện hộ. Và còn rất nhiều điều thú vị khác. Điều đáng nói ở đây là tất cả chúng ta mắc những sai lầm đó một các vô ý thức, giống như ai cũng tin ký ức của mình là chính xác chứ không thừa nhận đó chỉ là sự pha trộn của một ít sự thật và đa phần là trí tưởng tượng.

Đặc điểm nổi bật của sách là tính khoa học. Tất cả những kết luận đều dựa trên những nghiên cứu khoa học, từ những thí nghiệm người thật việc thật có tính thuyết phục cao. Những thí dụ nêu ra rất gần gũi với cuộc sống thường nhật khiến nội dung sách trở nên dễ hiểu. Ngoài ra lối dẫn dắt của tác giả rất tự nhiên, hóm hỉnh.

Tôi đã tìm thấy ở quyển sách nhiều điều bổ ích, ít ra nó giúp tôi nhận ra những sai lầm trong quá khứ và hi vọng từ nay sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn. Đang nóng lòng chờ phiên bản bìa mềm của quyển thứ hai (You are now less dumb) sẽ được tung ra vào tháng 8 năm nay.