06 February, 2017

Điểm bùng phát - Gladwell

Điểm bùng phátĐiểm bùng phát by Malcolm Gladwell
My rating: 3 of 5 stars

Quyển sách bàn về các "đại dịch" xã hội, chẳng hạn một trào lưu thời trang, bùng nổ của nạn tội phạm, etc. Tác giả đưa ra luận thuyết về các đại dịch xã hội bao gồm 3 yếu tố: Thiểu số, Kết dính và Hoàn cảnh. Hầu hết quyển sách xoay quanh thuyết phục ra nêu thí dụ minh họa cho ba yếu tố này mà tác giả cho là quy luật chung của các đại dịch xã hội. Hai chương cuối "Case studies" tác giả minh họa thêm một số sự kiện nổi bật khác và liên hệ với thuyết của mình.

Nhìn chung viết khá tốt, rất hợp với độc giả phổ thông, và do vậy rất ăn khách. Tác giả rất biết dẫn dắt câu chuyện, đưa ra những tình tiết "bí hiểm" rồi từ từ tháo gỡ chúng, các thí dụ minh họa cũng rất ấn tượng, dễ thuyết phục người đọc về mặt tình cảm.

Tuy nhiên sách có nhiều vấn đề về mặt nội dung và tính xác thực. Phải nói trước là tác giả là một nhà báo, chuyên thu thập dữ liệu rồi chọn lọc thành bài luận, chứ không phải là nhà nghiên cứu.

Đầu tiên là tính chọn lọc (cherry-picking) của các ví dụ. Đa số các ví dụ đều mang tính cá nhân (anecdotes), rất ít thống kê cụ thể. Những câu chuyện đơn lẻ nhằm tạo ấn tượng và thuyết phục về măt tình cảm, nhưng thiếu tính phổ quát. Tác giả là nhà báo, nắm nhiều thông tin, việc chọn ra vài câu chuyện thích hợp cho giả thuyết của mình không phải là chuyện khó. Để tăng tính thuyết phục, cần phải có thống kê trên diện rộng và khách quan hơn.

Hai là tính mập mờ của luận thuyết: Không có cách gì kiểm chứng tính đúng đắn trong luận thuyết của tác giả. Tác giả cho rằng trào lưu khởi đầu từ một nhóm nhỏ Thiểu số, nhưng không ai có thể tìm đươc số người thiểu số này, và do vậy việc tác giả tự bịa ra thêm rằng trong số họ có 3 hạng người này nọ đi chăng nữa cũng chỉ tùy tiện, vô căn cứ. Yếu tố thứ hai tác giả đề cập là tính Kết dính, và điều này vừa hiển nhiên (không kết dính thì sao lây lan thành dịch), vừa khó kiểm chứng (làm sao biết một thông tin có kết dính hay không). Sau cùng tác giả đưa thêm yếu tố Hoàn cảnh, có lẽ để phòng hờ nếu hai yếu tố trên không thành công thì có cái để đổ thừa?! Như vậy luận thuyết của tác giả vừa mơ hồ, tùy tiện vừa khó kiểm chứng.

Do thiếu tính xác thực như trên, quyển sách cứ như là sách mê tín dị đoan, toàn nói những chuyện bí hiểm không ai giải thích được, rồi từ đó đưa ra đủ thứ giả thuyết, nói sao cũng được. Trong chương đầu, tác giả phê bình các lời giải thích khác về hiện tượng giày Hush Puppies, sự giảm mạnh làn sóng tội phạm ở New York City hay sự tăng nhanh bệnh AIDS ở Baltimore, nhưng dến cuối quyển sách tác giả vẫn không tự mình đưa ra lời giải thích cụ thể cho ba hiện tượng trên, chỉ nói mập mờ do một yếu tố "bí ẩn" nào đó làm Điểm Bùng Phát trở nên có sức ảnh hưởng lớn lao.

Mặc dù trong edition này tác giả tự thêm vào chương cuối nói về giá trị vĩ đại của quyển sách, tuy nhiên quyển sách này không có gì đặc sắc hay mới mẻ, mà toàn là "chém gió" (bullshit) thôi.

View all my reviews

05 February, 2017

Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu

Mẹ Việt Dạy Con Bước Cùng Toàn CầuMẹ Việt Dạy Con Bước Cùng Toàn Cầu by Hồ Thị Hải Âu
My rating: 4 of 5 stars

1. Độ dầy: 700 trang! Ít khi nào thấy tác giả Việt chịu khó viết "kinh thư" lên đến độ dầy như vậy. Quả thực rất công phu. Cộng với giấy dầy, bìa cứng nên khá nặng và khó mà nằm trên giường/võng mà đọc được.

2. Quan điểm: Phải nói là rất tiến bộ. Tác giả (nhà báo, nhà văn) rất chịu khó tìm hiểu thông tin về chăm sóc và giáo dục con cái, đồng hành cùng con từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất (micro-management) nhưng dựa trên nền tảng và hệ thống nhất quán về phát triển thể chất, tư duy và tình cảm.

3. Nội dung: Chủ yếu trình bày quan điểm, lập luận để thuyết phục độc giả, minh họa bằng những câu chuyện, kỷ niệm của hai mẹ con, thỉnh thoảng chèn vào một vài mẩu chuyện ngụ ngôn ... tự sáng tác. Nhưng hầu hết quyển sách là quan điểm và lý lẽ ở tầm vĩ mô, trừu tượng.

4. Cách viết: Rất tệ! Thứ nhất là dài dòng, câu chữ lôi thôi, dễ làm rối trí độc giả bằng kiểu dùng từ vô tội vạ, ngữ pháp (tiếng Việt) lộn xộn bừa bãi. (Khổ nỗi tác giả tự nhận về khả năng viết luận của mình). Thí dụ tác giả thích chèn chữ "tuệ giác" và vài từ mượn của nhà Phật vào bất kỳ chỗ nào, khiến từ đó trở nên rất tối nghĩa. Nhiều chỗ lập luận không hợp logic, minh họa không liên quan.

5. Tính nhất quán: Đa phần khá nhất quán trong quan điểm nên cũng dễ theo dõi, tuy nhiên vài chỗ tự mâu thuẫn. Thí dụ xuyên suốt quyển sách tác giả tự xem quan điểm của mình là "khoa học", vậy mà có chỗ lại chèn vào quan niệm phương Đông về "trời đất giao thoa" rất mê tín, lại lấy đó làm căn cứ để xác định thực đơn, còn về thuốc thang bệnh tật thì tác giả cũng ủng hộ kinh nghiệm phương Đông hơn là "khoa học".

Tóm lại, nội dung khá tốt nhưng cách viết quá dài dòng và sơ sài. Nếu tác giả chịu khó đọc và chỉnh sửa lại (theo chiều hướng súc tích) thì có thể sẽ là một quyển sách hay, có ích cho nhiều độc giả Việt đang rất quan tâm đến vấn đề nuôi dạy con.

View all my reviews

Khuyến học - Fukuzawa

Khuyến HọcKhuyến Học by Yukichi Fukuzawa
My rating: 5 of 5 stars

Fukuzawa bàn về sự học trên nền tảng nationalism (lòng yêu nước) trong thời Minh Trị ở Nhật Bản cách đây khoảng 150 năm. Tác giả luận bàn lý do người Nhật phải học, khái niệm về việc học và phương pháp học như thế nào. Thời gian đó Nhật Bản vừa mới chấm dứt chế độ phong kiến mà tác giả có những quan điểm rất tiến bộ, vượt xa thời đại như vậy rõ thật là hiếm hoi.

Vì sao phải học? Tác giả cho rằng đây là thời đại mới, số phận con người không còn bị quyết định khi họ vừa ra đời mà bị ảnh hưởng rất nhiều bởi học vấn, ai có học vấn làm được việc thì sẽ có cơ hội thăng tiến. Đồng thời nước Nhật khi đó đang mở cửa cho người phương Tây vào làm việc, trao đổi buôn bán, do đó để khỏi bị rơi vào vòng lệ thuộc của phương Tây thì chỉ có cách học hỏi từ họ để bằng hoặc cao hơn họ.

Khái niệm về học vấn của tác giả cũng khác so với thời phong kiến. Tác giả phê phán lối học từ chương, chủ yếu thuộc lòng thơ văn cổ rồi đem ra thi thố con chữ với nhau. Kiểu học mới mà tác giả tiếp thu được từ phương Tây đó là học để ứng dụng vào cuộc sống, vào công việc. Và như vậy thì cách học cũng khác, phải đi đôi với hành, áp dụng vào thực tế.

Tác giả còn trình bày quan điểm về quan hệ giữa chính phủ và người dân, giải thích vì sao người dân phải quan tâm chính trị và giám sát việc làm của chính phủ, ủng hộ đấu tranh ôn hòa xem đó là cách duy nhất vừa phản đối vừa hợp tác với chính phủ để giải quyết mâu thuẫn (tác phẩm ra đời gần một thế kỷ trước Martin L. King), nhìn nhận về tính cách con người xem đâu là những tính tốt phải rèn dũa, đâu là những tính xấu nghiêm trọng phải cố hết sức phòng tránh.

Mặc dù đối với phương Tây thì nội dung không có gì là quá mới, tuy nhiên so với thời đó ở Nhật Bản là một sự vượt trội về nhận thức. Ngoài ra so với Việt Nam ngày nay thì vẫn còn khá mới mẻ. Theo mô tả của tác giả thì xã hội và con người Nhật bấy giờ cũng không khác mấy so với VN ngày nay (hơi tốt hơn tí vì ít ra họ có chính phủ Minh Trị tiến bộ và tự do xuất bản), do đó quyển sách này cũng rất phù hợp với độc giả VN. Chỉ có điều sau khi xuất bản vài năm ở Nhật sách đã bán hơn 3 triệu bản, khoảng 1/10 dân số Nhật lúc bấy giờ, còn ở VN thì không biết đã bán được bao nhiêu bản rồi trên tổng số 90 triệu dân.

View all my reviews

Quân vương - Machiavelli

Quân VươngQuân Vương by Niccolò Machiavelli
My rating: 4 of 5 stars

"Quân vương" của Machiavelli viết về những quan điểm của tác giả về thuật trị nước của các bậc vua chúa ở châu Âu vào đầu thế kỷ 16. Sách viết rất súc tích, đi thẳng vào vấn đề và nhìn nhận một cách thực tế, được lập luận khá chặt chẽ và minh họa bằng nhiều ví dụ trong lịch sử.

Điểm đặc sắc nhất trong lối viết của tác giả là tính logic. Thay vì chỉ nói chung chung "cái này tốt, cái kia xấu" như nhiều sách "bình luận" khác, ngay từ đầu tác giả nêu rõ mục đích cốt lõi của thuật trị nước: bảo toàn tính mạng và quốc gia! Tiền đề này rất quan trọng, vì nếu không thì khó giải thích được tại sao tác giả ủng hộ một lối trị nước hà khắc, tàn bạo còn hơn hào phóng và dễ dãi. Các lập luận về sau của tác giả đều dựa chủ yếu vào tiền đề này, do vậy rất nhất quán.

Về mặt nội dung, có vẻ điểm nổi bậc nhất là tính thực dụng trong nhìn nhận của tác giả, dựa vào tiền đề nói trên và bối cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ. Đối với độc giả Việt thì có lẽ hơi khó tiếp thu vì còn xa lạ với xã hội phong kiến châu Âu thời đó. Vì vậy xét trong thời đại này thì sách có vẻ hơi lỗi thời, cách trị nước của tác giả cũng quá sơ sài, khó mà áp dụng vào tình thế hiện nay. Do vậy để hiểu tác phẩm thì nên xem xét trong bối cảnh ra đời của nó.

View all my reviews