15 August, 2016

Người cha tốt hơn là người thầy tốt

Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy TốtNgười Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt by Đông Tử
My rating: 4 of 5 stars

Sách hay về giáo dục trẻ em lứa tuổi nhi đồng, đặc biệt thích hợp với phụ huynh Việt.

Hiện nay nhiều cha mẹ trẻ Việt bắt đầu quan tâm đến giáo dục con cái (còn thực hiện đến đâu lại là chuyện khác, miễn bàn ở đây), đặc biệt theo các phương pháp hiện đại hơn so với lối dạy dỗ truyền thống. Đây là điều phấn khởi vì người ta đã nhận ra các vấn đề của lối giáo dục truyền thống và bắt đầu tìm hiểu các phương cách tốt hơn. Tuy nhiên giáo dục trẻ em vẫn còn là đề tài lớn và phức tạp, thông tin hỗn tạp thượng vàng hạ cám. Đã có nhiều sách về giáo dục trẻ em của người Nhật, người Mỹ, thậm chí là người ... Do Thái. Tìm hiểu đa dạng các phương pháp trên cũng là điều bổ ích, tuy nhiên đa số được đặt ngoài ngữ cảnh.

Thứ nhất, tác giả của các loại sách trên thường không phải là chuyên gia về giáo dục. Nhiều sách đơn thuần chỉ liệt kê những câu chuyện sến súa mang tính "ngụ ngôn", đọc lên thấy có vẻ hay hay nhưng khả năng áp dụng vào thực tế thì còn xa. Thứ hai, phương pháp nào cũng chỉ hiệu quả trong bối cảnh, môi trường nhất định. Phương pháp của Nhật sẽ khác cách làm của người Mỹ vì môi trường sống ở Nhật và Mỹ khác nhau. Thứ ba, do hiểu biết về xã hội nước khác còn hạn chế, phụ huynh đi đọc có thể sẽ gật gù, nhưng thực sự chưa hiểu rõ các phương pháp đó như thế nào. Các vấn đề này có thể được giải quyết bởi những phương pháp giáo dục của người Việt dựa trên bối cảnh và tâm lý của người Việt.

Quyển sách này của Đông Tử có thể nói đáp ứng được yêu cầu trên. Tuy là người Trung Quốc nhưng nội dung sách rất thích hợp và gần gũi với tâm lý Việt. Môi trường sống, tâm lý phụ huynh, truyền thống giáo dục của cha mẹ Trung Quốc cũng rất giống với Việt Nam. Tác giả Đông Tử là người có kinh nghiệm về vấn đề giáo dục, là người học rộng hiểu nhiều, ảnh hưởng nhiều văn minh của Tây phương nhưng biết cách vận dụng vào bối cảnh của Trung Quốc. Tôi tin rằng đây là quyển khởi động rất tốt cho các cha mẹ Việt, trước khi tham khảo các phương pháp xa lạ hơn của Nhật hay Mỹ.

Đối tượng của yếu của sách, nhưng tiêu đề sách ghi rõ, là những người cha. Điều này có thể khiến nhiều chị em khó chịu, thậm chí phẫn nộ. Nhưng thực tế mà nói, nam giới vẫn còn đóng một vai trò to lớn trong gia đình Trung Quốc lẫn Việt Nam. Dù là thế kỷ nào đi chăng nữa thì đàn ông mà không có sự nghiệp, không có thu nhập ổn định cũng khó mà lấy được vợ, còn bị coi như rác. Những ông bố thường bị đẩy ra khỏi các công việc chăm sóc em bé, vốn chỉ dành cho mẹ và bà. Trong quyển sách này, Đông Tử kêu gọi vai trò tích cực hơn của người cha trong việc giáo dục trẻ trong gia đình, giành thời gian hơn với trẻ và làm gương tốt cho trẻ noi theo. Các chị em, thay vì cảm thấy bị sỉ nhục khi tác giả không đoái hoài đến các bà mẹ, nếu vẫn tin vào vai trò bình đẳng nam-nữ thì hãy chịu khó đọc, chỉ việc thay từ "cha" trong sách bằng từ "cha mẹ" là xong, vì những nguyên tắc trong sách không chỉ dành riêng cho người cha mà là chung cho bất kỳ ai tham gia vào công tác giáo dục trẻ tại nhà.

Nội dung của sách không hẳn là phương pháp, cách giáo dục cụ thể như thế nào, mà chủ yếu tập trung vào yêu cầu để trở thành một người cha (mẹ) tốt. "Hơn là người thầy tốt" hàm ý bổn phận làm cha không chỉ dạy dỗ con bằng lời mà phải giành thời gian vui chơi cùng con, làm gương cho con bằng hành động. Sách tập trung vào việc thuyết phục người đọc tại sao phải dạy con được như vậy, minh họa bằng một vài ví dụ kinh điển, còn cụ thể như thế nào thì người đọc tùy vào hòan cảnh cụ thể mà vận dụng. Do đó khi đọc cũng nên kết hợp với suy nghĩ xem gặp trường hợp cụ thể thì bản thân mình sẽ xử trí thế nào, chứ còn đọc suông không thì e là sẽ mất thời gian vô ích.

Đặc điểm nổi bật của sách là khuyến khích lối giáo dục bằng hành động, duy trì không khí vui vẻ trong gia đình, thay vì chỉ dạy con bằng lời nói suông hay thậm chí trách mắng. Phần cuối tác giả nhấn mạnh vai trò làm gương của cha mẹ vì hành động của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái nhiều nhất. Tôi e rằng nhiều bậc cha mẹ hiện nay chưa coi trọng vấn đề này đúng mức. Tuy nhiên để làm gương được đòi hỏi cha mẹ cũng phải phấn đấu học hỏi rất nhiều, mà điều này thì lại rất khó, đặc biệt ở người lớn ở các nước khá bảo thủ như Trung Quốc và Việt Nam.

Sách hơi dông dài và nhiều đoạn lê thê dư thừa, do đó tiêu hao khá nhiều thời gian. Nếu tác giả chịu khó thu gém lại cho súc tích hơn thì đạt hiệu quả có khi còn lớn hơn. Khá nhiều chỗ còn chung chung, vẫn mang tính "ngụ ngôn", lý thuyết mà chưa đi sâu vào cụ thể. Người đọc vẫn cần phải suy nghĩ thêm và tự tìm tòi sâu hơn ở những quyển sách khác.

View all my reviews