________________________________
Kể từ khi tôi đưa bản thảo của quyển sách đầu tay cho một vài người bạn đến khi sách đã được xuất bản hơn một tháng, tôi nhận được không ít câu hỏi về tựa đề của sách: Tại sao là "Người Nhật mặc áo trái"? "Mặc áo trái" có nghĩa là gì? Tranh thủ vừa được giải phóng khỏi công việc dạy và học nặng nề, tôi dành vài dòng trả lời những thắc mắc ấy.
Thực tình thì tôi khó khăn lắm mới chọn được cái tựa cho sách. Cũng có nhiều ý nghĩ thoáng qua trong đầu nhưng rồi vì một hai lý do nào đó mà bay đi mất. Ban đầu tôi định đặt cái tên "Người nhặt đá" chỉ hành trình tìm kiếm những bài học hay ở xứ người (ngọc hay đá) nhưng cái tên nghe ... chán òm, lại nghe chẳng liên quan gì đến Nhật cả. Hoặc là cái tên "Những nẻo đường Phù ... Tang" nghe khá hay lại hợp với nội dung sách, nhưng tôi vốn không thích đặt tên kiểu "ăn theo" như vậy. Sau cùng tôi quyết định chọn tiêu đề của chương thứ hai làm tựa sách.
Có gì đặc biệt ở chương hai khiến tôi ưu ái đến vậy? Thứ nhất đó là chương tôi viết đầu tiên, mặc dù tôi đặt nó sau chương một. Thứ hai nó là động lực cho sự ra đời của sách, vì muốn viết nó mà tôi viết luôn cả quyển sách (nhưng không phải là những chương khác kém giá trị hơn; động lực và chất lượng là khác nhau). Những bạn đã đọc sách chắc hẳn biết rằng đó chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về con người Nhật Bản nằm ngoài những hình ảnh có thể thấy được trên TV hay đọc trên báo chí. Tôi bổ sung thêm rằng đó cũng là ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi ngay cả sau khi rời khỏi Nhật. Với tôi, "mặc áo trái" là bản lĩnh đáng kính phục nhất ở người Nhật khiến họ vượt trội hơn các dân tộc khác, một sức mạnh tinh thần khó có thể kiếm ở nơi nào khác mà nếu không có nó thì chưa chắc người Nhật đã xây dựng được một Nhật Bản hưng thịnh ngày hôm nay.
Hàng ngày chúng ta vẫn nghe nhan nhản "Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình", "Chiến thắng bản thân là chiến thắng vĩ đại nhất", thậm chí cụ Nguyễn Duy Cần dành ra hơn phân nửa quyển sách "Thuật xử thế của người xưa" mà cụ rất tâm huyết chỉ đề bàn về "cái tôi đáng ghét". Nhưng có bao nhiêu người có được "chiến thắng vĩ đại" ấy, bao nhiêu người kìm được cơn giận dữ, quên được cái sĩ diện, thắng được "cái tôi"? Hay là nhiều người bỏ công sức cả đời để phục vụ cho cái thể diện, tự ngụy biện bằng "tốt khoe xấu che" rồi quên đi "kẻ thù lớn nhất" của mình?
Chúng ta cần một sức mạnh lớn nhất để có được chiến thắng vĩ đại nhất ấy. Điều đó không bao giờ dễ dàng, thậm chí khó hơn nhiều những gì bạn có thể tưởng tượng. Trước khi có thể thắng được cái "tinh thần", chúng ta cần kiểm soát cái thể xác, tức hành động của bản thân. Trong chương cuối của sách tôi có kể thêm một tình huống va chạm trên đường giữa tôi và một cô gái Nhật hất văng cả laptop của cô ấy xuống mặt đường. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo nếu chuyện ấy xảy ra ở Việt Nam? Singapore? hay Mỹ? Bạn hãy lật lại chương cuối xem cô gái Nhật ấy cư xử như thế nào nhé.
Nhật Bản là một xứ sở hoàn toàn khác. Ở đó người ta không cãi cọ chợ búa với nhau, đua nhau tô mặt mình bôi mặt người. Ở đó người ta nhận thức được giá trị của bản thân và không bao giờ khoa trương những điều họ không có. Ở đó người ta xem việc nhận lời phê bình như một cơ hội để tự nhìn lại bản thân và vươn lên.
Một anh bạn kể tôi nghe lần anh ta đi phỏng vấn xin việc làm thêm. Người phỏng vấn hỏi tên anh ta, nhưng anh ta phát âm thế nào mà ông ấy không hiểu. Ông ấy hỏi đi hỏi lại và anh bạn của tôi tìm cách giải thích, sau cùng anh ta buộc miệng thốt lên "Ngu quá!" (thực ra là dùng nhầm từ). Những tưởng ông tuyển dụng sẽ đỏ mặt tía tai cho anh ta về, nào ngờ ông ấy vội cúi đầu lia lịa "Đúng là tôi tối dạ thật. Xin lỗi!" rồi chuyển sang hỏi những câu khác. Sau cùng anh bạn của tôi cũng đậu vào chỗ làm đó. Mặc dù đây là một trường hợp hy hữu (bạn đừng bắt chước khi xin việc ở công ty Nhật) nhưng tiêu biểu cho sức mạnh chống lại sự xấu hổ và thể diện của bản thân. Có thể bạn sẽ có những cách hiểu khác (thí dụ như ông người Nhật ấy ... ngu thiệt! >.< kidding :D), nhưng tôi rất khâm phục ông ấy vì cả đời tôi chưa chắc một lần làm được như vậy.
Lão Tử nói, thật cứng thì trông như mềm, thật mạnh thì trông như yếu. Mới tiếp xúc qua bạn dễ có cảm tưởng người Nhật thật nhu mì có phần yếu đuối nhu nhược, nhưng ẩn chứa bên trong ấy là cả một sức mạnh vô địch. Sức mạnh ấy thể hiện qua những hành động rất đỗi "bình thường" như lịch sự nhã nhặn với nhau, trật tự xếp hàng, không tham của rơi, làm việc nghiêm túc, cần mẫn... Sức mạnh ấy là chìa khóa giúp Nhật Bản từ một nước phong kiến cổ hủ trở thành cường quốc kinh tế và kỹ thuật.
Đó là cả một quá trình đấu tranh gian khổ với sự dốt nát, lạc hậu và cái "tôi" của một quốc gia. Nếu người Nhật xưa kia không tự nhận thấy "người Nhật xấu xí" đầy tật xấu và nhận một phát đại bác từ tàu chiến Mỹ để tỉnh ngộ ra rằng trong khi Tây phương đang dẫn đầu thế giới về khoa học kỹ thuật thì những gã samurai vẫn còn vênh váo với lưỡi kiếm trên tay. Một cuộc đấu tranh tinh thần vĩ đại đã diễn ra, và người Nhật đã chiến thắng bản thân họ. Họ dẹp cái tôi hãnh diện sang một bên, cần cù học tập cái tiến bộ của Tây phương để rồi nhanh chóng vượt lên đi đầu. Cái gương ấy của người Nhật đến giờ vẫn còn khiến cả thế giới sửng sốt.
Tất cả những chiến tích kỳ diệu ấy có được là nhờ ban đầu người Nhật đã biết "mặc áo trái", đức tính vĩ đại nhất nhưng cũng khó phát hiện và học hỏi nhất ở người Nhật. Và đó là chương hai, cũng chính là tựa đề của sách.
Tác giả